Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi!

02/12/2017 06:49
Phương Linh
(GDVN) - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trong trẻ mầm non, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, cơ bản nằm trong chính con người, là tâm lý.

Ngày 1/12, Báo Tiền Phong và Trường Đại học Sài Gòn tổ chức buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi!” nhằm làm rõ nhiều nội dung có liên quan đến việc bạo hành trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là sau vụ việc xảy ra ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học 2016 – 2017, thành phố cần 2.383 giáo viên mầm non, nhưng chỉ tuyển mới được 1.760 người, thiếu hơn 620 giáo viên mầm non. Nếu thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

Chỉ trong năm học 2015 – 2016, toàn thành phố đã có gần 200 giáo viên mầm non xin nghỉ việc. Việc này sẽ khiến cho việc thiếu giáo viên mầm non trở nên căng thẳng hơn.

Buổi tọa đàm "Bạo hành trẻ em - Vì đâu nên nỗi!" tổ chức vào ngày 1/12 (ảnh: P.L)
Buổi tọa đàm "Bạo hành trẻ em - Vì đâu nên nỗi!" tổ chức vào ngày 1/12 (ảnh: P.L)

Việc tuyển giáo viên mới sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, do thu nhập thấp trong điều kiện làm việc có nhiều áp lực, buộc các cơ sở phải tuyển các bảo mẫu “tay ngang”.

Là một những trường có đào tạo ngành học giáo dục mầm non, ông Hoàng Hữu Lượng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho biết, Việt Nam đã ký công ước về quyền trẻ em, có hiệu lực từ năm 1990.

Điều đó khẳng định, đất nước ta rất quan tâm, có ý thức việc bảo vệ trẻ em từ rất sớm. Gần đây, những vụ bạo hành trẻ mầm non có xu hướng gia tăng, là một nỗi đau của toàn xã hội.

Vụ việc bạo hành trẻ em tại Mầm Xanh trong thời gian gần đây khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

“Chúng ta không chấp nhận bất cứ lý do nào để biện minh cho việc bạo hành trẻ mầm non. Là một người làm trong nghề giáo, chúng tôi phản đối hành vi bạo hành dã man này” – ông Hoàng Hữu Lượng nêu ý kiến.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao – Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ:

Nạn bạo hành trẻ mầm non thường hay xảy ra ở các nhóm lớp, trường mầm non ngoài công lập. Người trực tiếp bạo hành trẻ thường chưa có bằng cấp giáo viên mầm non.

Tiến sĩ Dao cũng nói thêm, một trong những nguyên nhân cơ bản là con người, người giáo dục và chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng nghề, suy thoái đạo đức và cả tâm lý (lương thấp, thời gian làm việc nhiều).

Đồng quan điểm này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em thành phố cũng đã nói, giáo viên mầm non bạo hành trẻ thì gần như là họ không được trang bị đầy đủ về sư phạm.

“Nếu không thay đổi từ khâu đào tạo, thì sẽ tiếp tục xảy ra những tình trạng đau lòng nữa” – Luật sư Nữ nói.

Đối với những trẻ bị bạo hành, cách để phụ huynh nhận biết có thể qua việc trẻ sợ việc đi học, khóc lúc nửa đêm…nên Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao nói rằng, cách tốt nhất là nếu xảy ra bạo hành với trẻ, thì phụ huynh nên kết hợp hỏi han, khai thác, để tìm hiểu kỹ là lý do vì con mình hay do cô giáo.

Bằng kinh nghiệm đi tư vấn rất nhiều vụ bạo hành trẻ em, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, các trẻ bị bạo hành thường bị ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sự phát triển thể chất.

Nhiều trẻ còn bị mắc chứng “Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương”, và nguy hiểm hơn, những di chứng sau khi trẻ bị bạo lực có thể theo các em đến suốt đời.

Để ngăn chặn tình trạng bạo hành trong trẻ mầm non, bên cạnh việc tăng chế tài xử lý giáo viên bạo hành trẻ nhỏ, Luật sư Nữ nói cần rốt ráo trong việc giám sát, kiểm tra cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại ngay các giáo viên không đủ điều kiện, nâng cao vị trí và vai trò của giáo dục mầm non, nhất là chương trình đào tạo cần khắt khe và chuẩn mực hơn.

Mở thêm nhiều trường công lập, tăng lương, tăng biên chế để họ có thể yên tâm với nghề. Cuối cùng là giám sát các cơ sở nuôi dạy trẻ nhiều hơn. Không một hành vi bạo hành trẻ em nào được bỏ qua, tha thứ.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao thì mong muốn, việc chống bạo hành trong trường mầm non không phải là trách nhiệm của riêng ai.

“Đó là nhiệm vụ, sự chung tay của cả xã hội” – Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Sài Gòn kết luận.

Phương Linh