Bi hài giáo viên cùng cấp học nhưng hưởng lương theo 2 chùm thông tư khác nhau

03/01/2022 06:58
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những ngày đầu năm 2022, vấn đề lương, chính sách giáo viên vẫn là vấn đề được giáo viên quan tâm nhiều nhất.

Tiếp theo các bài viết bàn về bất cập của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lương giáo viên, người viết xin được bàn về việc bi hài khi hiện nay giáo viên đang công tác tại cùng cơ sở giáo dục nhưng lại hưởng lương theo 2 Thông tư khác nhau.

Có thể nói từ khi xuất hiện thêm chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, chùm Thông 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên có thêm niềm hy vọng về lương thu nhập được cải thiện như lời các tư lệnh ngành đã hứa.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau khi giáo viên cả nước bỏ ra một lượng tiền khá lớn để học các chứng chỉ bất hợp lý như Ngoại ngữ, Tin học, Chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I, II, III, IV,… đến nay (những ngày đầu năm 2022) nhưng việc chuyển lương mới thì hầu như chưa thực hiện được.

Điều này dẫn đến các trường mầm non, phổ thông có nhiều chuyện bi hài khi giáo viên hưởng lương theo các thông tư cũ và mới.

Nhiều chuyện bi hài xung quanh việc xếp lương giáo viên. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Nhiều chuyện bi hài xung quanh việc xếp lương giáo viên. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Tiến độ bổ nhiệm xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 đã không hoàn thành

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 có hiệu lực 20/3 thì Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã ban hành công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập

Tại điểm đ mục 2 của công văn này có nêu rõ: “đ) Các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.”

Như vậy ở chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 có hiệu lực ngày 20/3 trong khi tiến độ về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trong công văn 971 hướng dẫn là hạn cuối "báo cáo phương án triển khai thực hiện" về Bộ trước ngày 31/12/2021.

Hiện nay đã quá hạn "báo cáo phương án triển khai thực hiện" về Bộ nhưng việc xếp lương vẫn “giậm chân tại chỗ”, không những thế chùm Thông tư trên còn đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa chữa do có nhiều bất cập, bất hợp lý về bổ nhiệm, xếp lương, thăng hạng,… dẫn đến nhiều bi hài trong việc xếp lương giáo viên hiện nay.

Bi hài khi xếp lương, bổ nhiệm lương giáo viên hiện nay

Do chùm Thông tư (cũ) 20, 21, 22, 23/2015 đã hết hiệu lực, chùm Thông tư (mới) 01, 02, 03, 04/2021 thì lại chưa triển khai thực hiện được nên việc bổ nhiệm xếp lương giáo viên hiện nay vô cùng rối bời, bất cập.

Cụ thể, hiện nay ở các địa phương chưa bổ nhiệm giáo viên theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, giáo viên vẫn hưởng lương theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 mà chùm Thông tư đó đã hết hiệu lực từ 19/3/2021 (do chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 có hiệu lực từ 20/3/2021) nên bi hài ở việc thứ nhất là giáo viên đang hưởng lương theo chùm Thông tư đã hết hạn đã 10 tháng.

Bi hài thứ hai là việc tuy giáo viên đang công tác thì hưởng lương theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 đã hết hạn nhưng giáo viên mới nhận công tác sau ngày 20/3/2021 thì lại hưởng lương theo chùm Thông tư mới dẫn đến cùng là giáo viên nhưng kế toán phải làm lương giáo viên hưởng hệ số lương theo 2 thông tư khác nhau.

Như vậy, giáo viên cùng công tác thì có giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư mới, có giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư cũ đã hết hiệu lực.

Điều này lại phát sinh thêm những bất hợp lý ví dụ một giáo viên A là giáo viên tiểu học có bằng đại học khi tuyển dụng ở năm 2020 thì khi tuyển dụng được bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học hạng IV cũ (mã số V.07.03.09) có hệ số lương 1,86.

Một giáo viên B cũng có trình độ đại học được tuyển dụng 2015, khi tuyển dụng cũng bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học hạng IV cũ (mã số V.07.03.09) có hệ số lương 1,86, trải qua 2 lần nâng lương thường xuyên hiện nay có hệ số lương ở bậc 3 có hệ số lương 2,26 (hạng IV cũ).

Trong khi đó 1 giáo viên C khác khi tuyển dụng tháng 4/2021 cũng có trình độ đại học thì được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III mới (mã số V.07.03.29) có hệ số lương 2,34.

Như vậy, giáo viên A, B, C đều có trình độ đại học, giáo viên A tuyển dụng trước giáo viên C 2 năm thì hiện nay xếp lương có hệ số lương thấp hơn giáo viên C đến 0,47, giáo viên B tuyển dụng trước giáo viên C đến 6-7 năm nhưng vẫn hệ số lương vẫn thấp hơn giáo viên C. Điều này quá phi lý.

Nếu được chuyển đổi lương theo chùm Thông tư 02/2021 thì cả giáo viên A, B cũng chỉ được chuyển qua lương mới có hệ số lương 2,34 cũng bằng giáo viên C trong khi bằng cấp như nhau, thời gian công tác giáo viên B trước giáo viên C đến 6-7 năm.

Thêm chuyện bi hài giống như trên là việc có hiệu trưởng vẫn ở hạng IV cũ, nhưng khi ký quyết định bổ nhiệm giáo viên mới tuyển dụng thì ở hạng III mới.

Thật là tréo ngoe, giáo viên hạng IV cũ (lương trung cấp) ký bổ nhiệm giáo viên hạng III (lương đại học). Đây là bi hài thứ ba.

Tương tự như vậy ở bậc mầm non, trung học cơ sở cũng có hàng loạt bi hài khi giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư cũ và mới lẫn lộn.

Có nhiều trường hợp ở trường trung học cơ sở, giáo viên giữ nhiệm vụ tổ trưởng đang ở hạng III cũ (lương cao đẳng), giáo viên mới tuyển dụng bổ nhiệm hạng III (lương đại học), dẫn đến không thể ra quyết định bổ nhiệm giáo viên hướng dẫn tập sự do khác mã ngạch lương,…

Nếu sửa chùm Thông tư mới không khắc phục được bất cập, bất công này thì giáo viên sẽ có nhiều người bất mãn, khó lòng yên tâm công tác, cố gắng cống hiến hết sức mình thì thiệt thòi lớn nhất chính là học sinh.

Đây chỉ là riêng việc bất cập của việc lương của giáo viên hiện đang công tác và giáo viên mới nhận nhiệm vụ còn hàng loạt bất cập khác đã được đề cập trong rất nhiều bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời qua.

Hiện nay, đến đầu năm 2022 cộng với thời gian qua do dịch bệnh phức tạp nên việc tăng lương cơ sở đã hoãn tăng đến 3 năm, việc dự kiến trả lương theo vị trí việc làm cũng được lùi do dịch bệnh phức tạp nên đời sống giáo viên cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đòi hỏi, yêu cầu tăng lương cao hiện nay là khó khi tình hình khó khăn, nhưng hàng triệu giáo viên trong năm 2022 này chỉ mong được trả lương công bằng, hợp lý tránh việc lương “hên, xui”, bất cập, bất công trong giai đoạn vừa qua.

Hiện nay cùng là giáo viên như nhau có người là hạng II có người hạng III; cùng là giáo viên có người được hưởng lương theo chùm Thông tư cũ, có người hưởng lương theo chùm Thông tư mới,… gây nhiều bức xúc, bất mãn trong giáo viên.

Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi cho phù hợp, nhanh chóng ban hành dự thảo bổ nhiệm, xếp lương mới theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 sửa đổi cho các chuyên gia, nhà giáo cả nước đóng góp ý kiến và khi đã ban hành thì rõ ràng, hợp lý, khoa học và phải triển khai đồng loạt cả nước tránh bất công, bất cập gây bức xúc cũng như xếp lương mỗi nơi mỗi kiểu, trăm hoa đua nở trong thời gian qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM