Bộ bỏ cộng điểm học sinh giỏi THCS cho trò và thầy, vì sao các nơi vẫn tổ chức

08/03/2022 06:44
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở đang được các địa phương tổ chức có thực sự vì quyền lợi của học trò, vì quyền lợi của những thầy cô ôn thi hay không?

Năm nay, cho dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng sau Tết Nguyên đán mấy tuần thì kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 ở nhiều địa phương vẫn được tổ chức bình thường như mọi năm. Những chuyện buồn vui trong kỳ thi này thì trong thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài viết phân tích, phản ánh ở nhiều khía cạnh khác nhau một cách tường tận.

Một kỳ thi được chuẩn bị nhiều tháng trời từ đội ngũ nhà giáo, học trò ở các nhà trường, đến khi tổ chức ở cấp huyện, cấp tỉnh tốn kém rất nhiều về tiền bạc nhưng cuối cùng chẳng có nhiều ý nghĩa cho chính những người tham gia ôn thi và những học sinh dự thi.

Vì thế, kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở hiện nay đã không còn được đón nhận như trước đây mà vô hình trung đang tạo áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường. Bởi, ngay cả những học sinh đạt giải cao trong kỳ thi này thì quyền lợi cũng chẳng đáng là bao so với công sức mà các em phải bỏ ra ròng rã mấy tháng trời, thậm chí là suốt cả cấp học mới đạt được.

Công tác ôn thi học sinh giỏi đang trở nên áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Công tác ôn thi học sinh giỏi đang trở nên áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Kỳ thi học sinh giỏi, cứ đến hẹn là lên…

Công tác chuẩn bị nguồn và bồi dưỡng học sinh giỏi cấp trung học cơ sở ở nhiều địa phương hiện nay đang được nhiều ban giám hiệu nhà trường rất chú ý vì nó được xem là “mũi nhọn” để các trường đầu tư nhằm nâng cao uy tín của đơn vị về chất lượng đào tạo.

Chính vì thế, một số nơi bắt đầu lựa chọn, bồi dưỡng, tổ chức thi học sinh giỏi từ lớp 6 với hình thức giao lưu, lên đến lớp 9 bắt đầu bước vào kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và nếu học sinh đậu giải cao sẽ tiếp tục tham gia vào kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nên nhiều em học sinh phải có chân trong đội tuyển suốt 4 năm trời.

Một số địa phương thì tổ chức nhẹ nhàng hơn là khi học sinh bắt đầu bước vào năm học lớp 9 sẽ cho các em đăng ký môn thi, cùng với giáo viên lựa chọn nguồn để bồi dưỡng học sinh giỏi cho trường mình.

Thầy trò sẽ đăng ký lịch với nhà trường để ôn thi trái buổi vào các ngày trong tuần. Tất nhiên, khi tham gia giảng dạy và ôn thi học sinh giỏi thì thầy và trò ở các nhà trường sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức.

Học sinh không chỉ học những kiến thức cơ bản trong chương trình chính khóa mà các em bắt buộc phải học nâng cao, mở rộng, tiếp cận với các dạng đề thi được các thầy cô sưu tầm từ các năm học trước, từ các địa phương hoặc trong các sách nâng cao.

Nói chung, nhiều học trò tối mắt, tối mũi với những bài tập, những đề thi mà thầy cô giao cho trong tuần để các em làm quen với các dạng đề bài nhằm trau dồi và củng cố kiến thức tốt nhất cho kỳ thi cấp huyện và may mắn sẽ tiếp tục tham gia kỳ thi cấp tỉnh.

Về mặt tích cực thì kỳ thi này giúp cho những thầy cô tham gia công tác ôn thi thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, dạng đề mới để truyền đạt, bồi dưỡng cho học trò của mình. Bên cạnh đó, cũng phải dự trù, tính toán kĩ lưỡng để học sinh mà mình ôn tập tiếp cận đề thi một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Đối với những em ôn thi học sinh giỏi cũng được trau dồi thêm nhiều kiến thức mới, kiến thức nâng cao miễn phí.

Nhiều em cũng từ những lớp ôn thi học sinh giỏi như vậy mà tạo thành những đam mê về môn học rồi sau đó tiếp tục đăng ký vào những lớp chuyên ở cấp trung học phổ thông hoặc theo đuổi đam mê của mình từ những môn đã ôn thi.

Tuy nhiên, mặt trái của kỳ thi học sinh giỏi là học trò chỉ đầu tư được môn mình ôn thi là trọng điểm, các môn học khác sẽ phải gác lại hoặc học qua loa vì thời gian ôn thi chiếm mất phần lớn thời gian trong ngày.

Những em đậu trong kỳ thi học sinh giỏi thì sẽ có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục học tập nhưng nhiều em yếu tâm lí thì khi rớt học sinh giỏi sẽ dẫn đến những suy nghĩ chán nản, thất vọng mà phần lớn học sinh thi học sinh giỏi là rớt vì các địa phương chỉ lấy giải từ 20-30% số thí sinh dự thi.

Những thầy cô tham gia ôn thi thì cũng sẽ gặp rất nhiều hệ lụy nếu học trò của mình thi mà không đậu học sinh giỏi. Giáo viên không chỉ mất uy tín trước ban giám hiệu, đồng nghiệp mà còn ngại ngùng khi đối diện với chính học trò của mình đã ôn thi.

Trong khi, kỳ thi học sinh giỏi hiện nay ở một số địa phương chưa chú trọng đến tính trung thực, khách quan. Lãnh đạo ngành thì cứ đến hẹn lại lên, gửi về các trường cái kế hoạch mà phần nhiều chỉ được chỉnh sửa ngày, tháng, năm chứ có mất mát, vất vả gì đâu.

Tổ chức kỳ thi thì tất nhiên có thành tích để báo cáo và trong quá trình tổ chức kỳ thi, chấm thi thì phần lớn lãnh đạo chủ chốt của cấp tổ chức đều có tên. Người thì chủ tịch hội đồng thi, người thì phó chủ tịch, người thì ủy viên, người thì giám thị, người thì thư ký… Tất nhiên, có tên là sẽ có tiền.

Trong khi, khâu quan trọng của kỳ thi là ra đề và chấm thi thì một số địa phương hiện nay chưa được chú trọng, nhất là kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.

Vì thế, một số giáo viên nhiều năm liên tục tham gia ôn thi học sinh giỏi ở trường, vừa là người ra đề thi cho phòng giáo dục rồi lại tiếp tục được điều động đi chấm thi nên những học sinh giỏi phần nhiều là rơi vào các trường này bởi đa phần học sinh tham dự kỳ thi có giáo viên ra đề đều…“trúng tủ”.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở có phải là vì học trò?

Suy cho cùng, kể cả học sinh đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở cấp huyện và cấp tỉnh hiện nay không có quyền lợi như trước đây. Nếu như ngày trước, học sinh thi học sinh giỏi lớp 9 mà đậu từ giải Ba cấp tỉnh trở lên là được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Thế nhưng, mấy năm nay thì Bộ đã chủ trương bỏ việc cộng điểm đối với những em là đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh trong thi tuyển 10 nên ưu tiên này đã không còn.

Việc bỏ cộng điểm cho những học sinh giỏi đạt giải từ giải Ba cấp tỉnh trở lên đã có tác động lớn đến các em học sinh nên nhiều em học sinh giỏi thực sự ở trường cương quyết không tham gia đội tuyển vì mất thời gian, công sức mà quyền lợi bị ngó lơ.

Phụ huynh bây giờ nhiều người rất quan tâm đến chính sách của ngành nên họ cũng không còn thiết tha khi con em của mình tham gia đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường.

Vì thế, nguồn tuyển học sinh giỏi những năm gần đây thường rất thấp. Vì thấp nên có tình trạng một số nơi học sinh thi đạt điểm dưới trung bình vẫn đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cũng vì thế, “sân chơi” học sinh giỏi cấp trung học cơ sở hiện nay không được đội ngũ giáo viên và học sinh ở các nhà trường xem trọng.

Giáo viên được phân công ôn thi phần lớn là họ phải thực hiện nhiệm vụ được ban giám hiệu phân công chứ họ không thực sự thiết tha. Vì học sinh của mình đạt giải thì giáo viên may mắn được thưởng vài trăm ngàn đồng chứ các quyền lợi xét danh hiệu thi đua không được tính như những giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm.

Học sinh tham gia đội tuyển cũng không nhiệt tình trong ôn tập vì trong số những em tham gia đội tuyển có nhiều em có học lực không tốt nên khi tham gia ôn thi không có động lực thực sự như trước đây.

Hơn nữa, học sinh thừa hiểu quyền lợi của kỳ thi chẳng bõ bèn gì, nhất là những em mà gia đình có điều kiện về kinh tế thì một vài trăm ngàn bạc nếu đạt giải chẳng thấm tháp vào đâu.

Vậy, vì sao kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở vẫn được duy trì, tổ chức đều dặn hàng năm - kể cả như 2 năm nay dịch bệnh phức tạp đến như vậy?

Kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở đang được các địa phương tổ chức có thực sự vì quyền lợi của học trò, vì quyền lợi của những thầy cô ôn thi hay không? Chúng tôi tin, bạn đọc và những thầy cô giáo, phụ huynh sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang