Bộ đã siết quy định "giáo viên giỏi đại trà", vẫn có trường lách luật

25/07/2021 06:17
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần xử lý nghiêm những đơn vị cố tình thực hiện sai quy định đã ban hành trong Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐ sẽ có được đội ngũ giáo viên thật sự giỏi.

Những năm trước đây, trường học nào mà chẳng có gần như 100% giáo viên dạy giỏi cấp trường. Nhiều thầy cô giáo dù đã chán ngán với những Hội thi giáo viên giỏi nhưng không thể từ chối tham gia vì sức ép của nhà trường, vì thành tích của bản thân. Vì thế, đã xảy ra tình trạng loạn giáo viên giỏi mà báo chí đã phản ánh rất nhiều.

Những quy định trong Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi đã nhẹ nhàng, thực chất hơn (Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh)

Những quy định trong Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi đã nhẹ nhàng, thực chất hơn (Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh)

Ghi nhận những bất cập ấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (gọi chung là Hội thi giáo viên giỏi).

Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi đã giảm tải khá nhiều áp lực cho giáo viên

Nếu như quy định cũ, giáo viên tham dự Hội thi phải trải qua 3 vòng thi. Cụ thể: vòng sáng kiến kinh nghiệm, vòng thi năng lực và vòng thi 3 tiết dạy (sau này có điều chỉnh còn 2 tiết).

Trong khi đó, Thông tư 22 chỉ yêu cầu giáo viên thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy (đối với Hội thi giáo viên dạy giỏi) hoặc một tiết tổ chức hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm hoặc tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp – đối với Hội thi chủ nhiệm lớp giỏi) tại thời điểm diễn ra Hội thi.

Ngoài ra, giáo viên sẽ trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy/công tác chủ nhiệm tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.

Thực hiện đúng quy định của thông tư 22 sẽ có những giáo viên giỏi thực chất

Trước đây, ai muốn thi giáo viên giỏi cũng được nên mới có hiện tượng gần như trường nào cũng 100% giáo viên dạy giỏi cấp trường. Nay, thực hiện Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT chỉ những giáo viên thật sự xuất sắc mới đủ tiêu chuẩn.

Điều này đã được phân tích rất kỹ trong bài viết “Địa phương nào có tỉ lệ giáo viên giỏi cao bất thường, Bộ nên thanh tra” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 24/7.

Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi.

Trong đó, các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức Tốt;

Để đạt mức Tốt của Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ không dễ dàng gì. Giáo viên ấy phải là người biết hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuyên môn của bản thân, trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục, về kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm vận dụng những phương pháp…

Nghĩa là, những giáo viên này cần phải có năng lực vượt trội hơn nhiều đồng nghiệp một bậc. Nếu nghiệm lại trong mỗi trường học, số giáo viên vững vàng về chuyên môn, đạt đến trình độ hướng dẫn được nhiều đồng nghiệp trong giảng dạy liệu có mấy người?

Quy định này chính là cửa ngõ quan trọng nhất, là cái chốt chặn để thanh lọc giáo viên tham gia Hội thi. Những người đủ điều kiện vượt qua chốt chặn này thì chưa cần thi tiết dạy, chưa cần trình bày giải pháp đã thấy xứng đáng là giáo viên dạy giỏi rồi.

Bên cạnh đó, việc bỏ sáng kiến kinh nghiệm trong Hội thi thay bằng việc trình bày giải pháp trực tiếp cũng chứng tỏ coi trọng việc thực hành hơn là lý thuyết.

Thực chất, sáng kiến gần như là sao chép, copy trên mạng mà thay bằng việc trình bày một giải pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy sẽ thiết thực hơn nhiều.

Là giám khảo có nghề, qua cách trình bày của giáo viên sẽ dễ dàng nhận ra được đâu là biện pháp thật mà thầy cô giáo đã và đang áp dụng trong giảng dạy, đâu là vay mượn của người khác để từ đó có sự đánh giá năng lực của giáo viên chuẩn xác hơn.

Những quy định đúng nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng loạn giáo viên giỏi vẫn xảy ra

Về tâm lý, trường nhiều giáo viên giỏi chứng tỏ chuyên môn nhà trường vững, nhiều giáo viên giỏi danh tiếng nhà trường sẽ bay xa, hiệu trưởng chỉ đạo tốt, hay được mang danh giáo viên giỏi sẽ được nhiều đặc quyền đặc lợi như được thêm các danh hiệu thi đua, nhận phần thưởng, được tăng lương trước thời hạn, được vào nguồn, được bổ nhiệm…đã cuốn nhà trường và giáo viên vào vòng xoáy tìm mọi cách để cho các thầy cô giáo có đủ điều kiện tham dự Hội thi.

Thế là, chuyện nới tay trong việc đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghề nghiệp sẽ dẫn đến loạn giáo viên giỏi. Và, việc ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT sẽ trở nên vô ích.

Sửa đổi những thông tư đã cũ để ban hành thông tư mới với nhiều ưu điểm tích cực hơn là rất cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ ban hành mà chưa thật sự chú trọng khâu giám sát, thanh kiểm tra cũng là một thiếu sót.

Bởi thế, rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm sâu sát việc đánh giá xếp loại giáo viên được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT. Đặc biệt chú ý đến những giáo viên được xếp loại Tốt ở các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ). Đây chính là chìa khóa mở cánh cửa Hội thi.

Chỉ cần kiểm tra nhanh sẽ có ngay nhận xét những giáo viên đã được xếp Tốt ở tiêu chuẩn này thật sự có năng lực? Thật sự xứng đáng để tham dự Hội thi hay không?

Cần xử lý nghiêm những đơn vị cố tình thực hiện sai nhằm tăng số lượng giáo viên tham dự Hội thi giáo viên giỏi nhiều để nâng cao thành tích. Được thế, chúng ta sẽ có được một đội ngũ giáo viên giỏi, thật sự giỏi.

Đỗ Quyên