Bộ GD&ĐT kiên quyết 'mạnh tay' với sách tham khảo

15/03/2013 13:35
Xuân Trung
(GDVN) - Trước thực trạng khó quản lí sách giáo khoa (SGK), sách tham khảo (STK) đặc biệt đối với sách mua bản quyền nước ngoài hiện nay, Bộ GD&ĐT cho biết thời gian tới sẽ ra văn bản “mạnh tay” xử lí vấn đề này.
Sẽ thay đổi Hướng dẫn sử dụng sách

Trên thực tế từ những năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành Hướng dẫn số 6631 về việc thống nhất việc sử dụng SGK, các tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập trong trường phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, đây được cho là một “cú hích” đánh vào các loại sách trôi nổi, không đúng với mục đích và yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. 

Trong Hướng dẫn này, Bộ GD&ĐT đã nói rõ về việc sử dụng các loại sách như thế nào cho chuẩn, cho đúng với tinh thần và mục tiêu giáo dục của Việt Nam. Chẳng hạn, sử dụng sách giáo khoa và tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao thì Từ lớp 1 đến lớp 12, chỉ có một bộ SGK, hầu hết các môn học ở mỗi lớp có một tên SGK. Riêng cấp trung học phổ thông đối với 8 môn học phân hóa (Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ) có 2 loại SGK: Loại biên soạn theo chương trình chuẩn và loại biên soạn theo chương trình nâng cao.

Như việc sử dụng sách cho giáo viên phải do Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định và ban hành, dùng để hỗ trợ giáo viên nghiên cứu thiết kế bài giảng. Nếu gặp tình huống có các cách hiểu khác nhau về một chủ đề, nội dung nào đó giữa SGK và sách giáo viên thì căn cứ vào SGK để thiết kế bài giảng.

Trên thị trường đang loạn sách tham khảo các cấp học, trong ảnh là sách tham khảo và bài tập dành cho bậc mầm non. Ảnh Xuân Trung
Trên thị trường đang loạn sách tham khảo các cấp học, trong ảnh là sách tham khảo và bài tập dành cho bậc mầm non. Ảnh Xuân Trung

Hay như việc sử dụng sách bài tập cũng vậy, đây là tài liệu tham khảo do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành với sự tham gia biên soạn của một số tác giả SGK, có ghi tên Nhà xuất bản và tên tác giả. Giáo viên có thể tham khảo sách bài tập, lấy tư liệu để giảng dạy sau khi đã xem xét độ chính xác, sự phù hợp với nội dung bài dạy; học sinh có thể tham khảo trong học tập.  Nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một chủ đề, nội dung nào đó giữa sách bài tập và SGK thì lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập. 

Vấn đề nan giải nhất là việc sử dụng các loại sách tham khảo khác, loại sách này được Bộ GD&ĐT định nghĩa là nguồn tài liệu (cả kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng) có nội dung liên quan đến một số môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông là nguồn tài liệu do giáo viên và học sinh tự lựa chọn để tham khảo trong giảng dạy, học tập được gọi chung là sách tham khảo. Bộ GD&ĐT đã giao trách nhiệm trực tiếp cho Hiệu trưởng trường phổ thông phải có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các sách tham khảo đang lưu hành trong trường. Nếu phát hiện sách tham khảo chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng; nếu phát hiện STK có sai sót lớn ảnh hưởng đến dạy và học thì cần kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục.

Hướng dẫn sử dụng các loại sách kĩ càng là vậy nhưng thực tế tình hình hiện nay trên thị trường SGK và STK rất khó quản lí. Sứ mệnh của “Hướng dẫn” này phải chăng đã hoàn thành? Trong buổi họp chiều ngày 14/3 Bộ GD&ĐT họp để lấy ý kiến hoàn thiện giải pháp về quản lí sách, nhiều ý kiến đưa ra và vấn đề này chưa được thống nhất cụ thể.
Khó khăn quản lí sách ngoài trường học

Ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, từ năm 2008 bộ đã có hướng dẫn quản lí nhưng do cơ chế thị trường tập trung khai thác trên nhiều đề tài, cho ra nhiều đầu sách gây nhiều lãng phí cho học sinh và phụ huynh. Công văn hướng dẫn số 6631 từ năm 2008 do đã cũ và hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều đầu sách trong đó có “sạn”, hướng tiếp theo sẽ làm thế nào để ngăn chặn “sạn” này là một vấn đề. 

Việc ban hành tiếp sau Công văn hướng dẫn số 6631 nên thực hiện để tập trung tăng cường trách nhiệm khâu quản lí từ giáo viên cho tới giám đốc Sở GD&ĐT, nhất thiết không bắt học sinh phải mua sách tham khảo. Ngoài ra, văn bản sắp tới phải triệt tiêu được công đoạn giáo viên và Phòng giáo dục tự ý giới thiệu hoặc bán hộ sách tới học sinh và phụ huynh. 

Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ cho ban hành mỗi một môn học sẽ có những sách tham khảo nhất định trên đầu SGK, việc này sách tham khảo phải được thẩm định kĩ. Một điểm nhấn khác được ông Định thông tin dự kiến sẽ xây dựng một Thông tư liên tịch về việc xuất bản sách cho học sinh mầm non. Các NXB tiến tới phải có một điều kiện đáp ứng nhất định nào đó mới được xuất bản (phải có đội ngũ biên tập). 

Cũng theo ông Định, vấn đề hiện nay sách tham khảo khó kiểm soát được là vướng mắc liên quan tới Luật xuất bản, thực tế sách đưa vào trường thì có thể quản lí được, nhưng đối với sách bên ngoài trường vấn đề quản lí rất khó.

Đồng quan điểm, ông  Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết, sách tham khảo sẽ không theo quyền của NXB. Người sử dụng cũng phải cáo kiến thức sử dụng sách tham khảo, cơ quan quản lí nhà nước phải có chế tài đối với các NXB mà vi phạm thuần phong mĩ tục của dân tộc. Ông Hinh nêu quan điểm, đối với sách vào trong nhà trường (Sách chính thống được thẩm định) thì trách nhiệm của ngành giáo dục phải giám sát cơ quan xuất bản để thực hiện nghiêm Luật xuất bản, nếu dưới luật phải có Thông tư. 

“Sách đưa vào trường chỉ nên có sách bài tập và SGK, với giáo viên thì có sách giảng viên. Với sách tham khảo, không được bắt học sinh hay phụ huynh mua mà phải trên tinh thần tự nghuyện” ông Hinh đặc biệt lưu ý tới các tổ chức, cơ sở giáo dục. 

Nối tiếp quan điểm trên, cá nhân của ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thời gian tới cần quản lí sách tham khảo hơn nữa, sách được phân làm hai loại: Trong và ngoài trường, sách trong trường như đã nêu thì hệ thống giáo dục phải chịu trách nhiệm, đối với sách tham khảo bộ không thể ôm hết được, nhưng nói vậy bộ cũng cần có trách nhiệm trong việc này. 

“Sách ngoài nhà trường một mình ngành giáo dục không thể bao quát mà chỉ có tính chất định hướng và vai trò quản lí của cơ quan xuất bản là không thể chối được”. Ông Chuẩn nêu ý kiến, cái khó khăn nhất hiện nay là việc quản lí các NXB không thuộc bộ, Bộ GD&ĐT chỉ quản lí được các NXB thuộc bộ mà thôi: “Vấn đề này nên chăng phải làm việc với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch” ông bày tỏ. 

Trước thực trạng sách tham khảo ở các bậc học tràn làn như hiện nay, trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Hợp – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho biết, sẽ họp với các vụ, cục liên quan tới các vấn đề về sách thuộc bậc học của mình. Trước đó, sau khi liên tiếp nhiều sách bài tập, sách hướng dẫn (Sách ngoài nhà trường) có những nội dung không phù hợp với học sinh, không đúng với quan điểm giáo dục, đích thân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã phát đi tới các NXB trong ngành rằng: “Tuyệt đối không xuất bản và phát hành các loại xuất bản phẩm không đúng với pháp luật, không phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Dự kiến trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Hướng dẫn thay thế Công văn hướng dẫn 6631 về sử dụng SGK với mong muốn công tác quản lí sách được hoàn thiện hơn. 
Xuân Trung