Bộ GD sửa chùm Thông tư 01-04 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đúng và trúng

24/05/2022 06:28
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên sẽ biết ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ nếu Thông tư sửa đổi này sớm được hoàn thiện và giáo viên được bổ nhiệm lương mới trong thời gian sớm nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.[1]

Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có bài viết “Nhiều điểm mới về xếp lương, giáo viên TH, THCS hạng I không cần bằng Thạc sĩ” [2] được đông đảo giáo viên cả nước đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Dự thảo sửa đổi Thông tư bổ nhiệm, xếp lương đáp ứng mong mỏi của hàng triệu giáo viên cả nước

Sau chỉ đạo đúng đắn của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phát biểu rất tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong phiên chất vấn và trả lời chất tại Kỳ họp thứ 2 về đề nghị sửa đổi lương nhà giáo [3], Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo sửa đổi chùm Thông tư bổ nhiệm, xếp lương mới đáp ứng mong mỏi của hàng triệu giáo viên cả nước.

Ở dự thảo lần 2 đang được lấy ý kiến, người viết nhận thấy, những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ bản giải quyết được rất nhiều bất cập, hạn chế của chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT mà giáo viên bức xúc trong thời gian qua.

Đọc toàn văn dự thảo, người viết vô cùng xúc động và chân thành cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp khi ban hành dự thảo sửa đổi việc bổ nhiệm, xếp lương mới theo chùm Thông tư 01-04.

Dự thảo lần 2 sửa đổi chùm Thông tư 01-04 với hầu hết những nội dung sửa đổi, bổ sung đều rất phù hợp, đáp ứng được mong mỏi, chờ đợi của hàng triệu giáo viên cả nước.

Dự thảo sửa đổi chùm Thông tư 01-04 được đăng tải trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tới 13 trang A4, rất chi tiết, cẩn thận, công phu phù hợp Luật Viên chức, Nghị định Chính phủ.

Điều đó, chứng tỏ không chỉ cầu thị, trách nhiệm mà Bộ Giáo dục đã rất cẩn thận, chỉn chu trong việc soạn thảo và ban hành dự thảo sửa đổi chùm Thông tư bổ nhiệm, xếp lương liên quan hàng triệu giáo viên cả nước.

Người viết cũng như nhiều giáo viên khác sẽ rất biết ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ nếu Thông tư sửa đổi này sớm được hoàn thiện và giáo viên được bổ nhiệm lương mới trong thời gian sớm nhất.

Rất nhiều điều bất cập đã được giải quyết trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư xếp lương giáo viên

Dưới đây là những điểm mới cơ bản của dự thảo lần 2 sửa đổi, bổ sung Thông tư bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mà người viết cho rằng rất phù hợp, đã giải quyết những bất cập, bất công của chùm Thông tư 01-04 như sau:

Thứ nhất, không còn giáo viên hạng cao thì đạo đức cao hơn giáo viên hạng thấp

Trước đây, ở chùm Thông tư 01-04, giáo viên ở hạng I, II có quy định đạo đức “cao hơn” giáo viên hạng III khiến nhiều người bất bình, tâm tư.

Ở dự thảo Thông tư lần này ở các hạng giáo viên mầm non đến trung học phổ thông chỉ còn duy nhất một tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp dùng chung cho tất cả các hạng.

Điều này, giải tỏa ấm ức gần chục năm nay của giáo viên khi bị chia hạng đạo đức mặc dù thực hiện công việc như nhau.

Thứ hai, chỉ cần chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên hạng III

Trước đây, giáo viên có thể “cõng” đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III khiến giáo viên vô cùng bức xúc.

Mới “rục rịch” có đợt thi, xét thăng hạng là giáo viên phải tìm mọi cách để học và có chứng chỉ các hạng, tốn nhiều thời gian, kinh phí.

Tại dự thảo lần này có điểm mới là khi bổ nhiệm xếp lương giáo viên mầm non đến trung học phổ thông ở hạng III thì mới có yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đối với giáo viên hạng I, II thì không còn quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Điều này phù hợp với Nghị định 89/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng “cũ” được tính là chứng chỉ theo hạng mới. Cụ thể, giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới.

Giáo viên mới tuyển dụng và giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ trong một khoảng thời gian xác định để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Khi chuyển từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. [2]

Rõ ràng những điều chỉnh, sửa đổi về dự thảo lần này về chứng chỉ đáp ứng mong mỏi của hàng triệu giáo viên cả nước.

Tất nhiên, vẫn còn có ý kiến tha thiết đề nghị Bộ bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên nhưng việc đó phải sửa Luật Viên chức và những văn bản liên quan.

Nên trong phạm vi của mình, lần dự thảo này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm hết sức trách nhiệm và có lợi nhất cho giáo viên, giáo viên không còn phải tốn thời gian, kinh phí không cần thiết để có đến 3 chứng chỉ.

Thứ ba, chỉ cần đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng là có thể được bổ nhiệm hạng mới.

Trước đây, giáo viên để được bổ nhiệm các hạng chức danh nghề nghiệp thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của chùm Thông tư 01-04.

Để đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp thì phải đảm bảo tiêu chuẩn của nhiệm vụ; đạo đức nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nên giáo viên rất khó đạt được, rất khó được bổ nhiệm hạng mới.

Với quy định của dự thảo lần này chỉ yêu cầu về trình độ đào tạo, thời gian giữ hạng có thể sẽ giải quyết được bất cập của việc bổ nhiệm, xếp lương mới theo hướng có lợi cho giáo viên, khắc phục nhiều tồn tại, bất cập.

Thứ tư, không còn tình trạng xuống hạng, giảm hệ số lương

Ở Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non có quy định giáo viên mầm non hạng II cũ (có hệ số lương 2,34 - 4,98) nếu không đạt tiêu chuẩn hạng II mới thì được bổ nhiệm hạng III mới có hệ số lương (2,1 - 4,89) là trường hợp xuống hạng, giảm hệ số lương. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn nào về xuống hệ số lương khi bổ nhiệm, xếp lương mới.

Dự thảo sửa đổi lần này đã bỏ trường hợp xuống hệ số lương, quy định mới được giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng nếu chưa đạt tiêu chuẩn hạng II, khi đạt tiêu chuẩn hạng II mới thì được bổ nhiệm hạng II được giáo viên mầm non đồng tình.

Thứ năm, nhiều quy định mới hợp lý về thời gian giữ hạng

Quy định về thời gian giữ hạng theo chùm Thông tư 01-04 cũng là điều bức xúc lớn trong giáo viên khiến nhiều giáo viên có bằng đại học 12 năm vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Ví dụ, giáo viên trung học cơ sở có bằng đại học 2012 do nhiều yếu tố được xếp lương hạng III cũ (hệ số lương 2,1 - 4,89) từ năm 2015, theo quy định của Thông tư 03/2021 thì có thể năm 2022 giáo viên trên được bổ nhiệm hạng III mới (có hệ số lương 2,34 - 4,98) nhưng phải đến 9 năm sau khi được bổ nhiệm lương mới được dự thi xét thăng hạng lên hạng II.

Quy định mới ở lần dự thảo này, thời gian giữ hạng III mới và tương đương là thời gian giữ hạng III theo Thông tư 22/2015 nên giáo viên đã đủ thời gian giữ hạng.

Nếu năm 2022, giáo viên trên được bổ nhiệm hạng III mới thì năm 2023 giáo viên trên có thể dự thi, xét thăng hạng lên hạng II mới.

Điều này giải tỏa nhiều bất cập trong thời gian qua, được giáo viên đồng tình hoan nghênh.

Bên cạnh đó, quy định mới giáo viên tiểu học, trung học cơ sở bổ nhiệm hạng I không cần trình độ thạc sĩ cũng được giáo viên đồng tình.

Người viết, mong muốn sau khi ban hành Thông tư sửa đổi chính thức, Bộ sẽ nhanh chóng có hướng dẫn để bổ nhiệm, xếp lương mới và giao các địa phương tổ chức thi, xét thăng hạng mỗi năm 1, 2 lần để đảm bảo quyền lợi giáo viên, giải quyết phần nào thiệt thòi của họ trong thời gian qua.

Trong phạm vi bài viết chưa thể nêu được hết những điểm mới của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ nhiệm xếp lương mới chỉ xin được nêu những điểm mới tích cực được Bộ dự kiến sửa đổi mà giáo viên rất mong chờ.

Người viết tin rằng, với việc cầu thị, trách nhiệm sau khi ban hành dự thảo và nhận được đóng góp ý kiến từ đội ngũ chuyên gia, nhà giáo cả nước thì Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 chính thức được ban hành sẽ đáp ứng mong mỏi của hàng triệu giáo viên cả nước.

Một lần nữa, người viết xin chân thành cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo lần này đáp ứng mong mỏi của giáo viên, xin cám ơn những phát biểu tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và chỉ đạo đúng đắn của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1585&fbclid=IwAR2wxCWfgBXHksg3BaELh-9mq2zcrucYSGTV8ahzFPehpq07soAq2rl9JQ4

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd

[3] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-noi-vu-de-nghi-bo-giao-duc-het-suc-khan-truong-sua-thong-tu-01-02-03-04-post222348.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam