Bộ GD tích cực phối hợp với bộ, ngành xây dựng văn bản về định mức biên chế GV

20/05/2022 06:40
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do số lượng các trường lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách Nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế.

Trong báo cáo Quốc hội thực hiện nghị quyết hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.

Theo đó, Bộ đã tổ triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ như:

Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2022 các tổ chức, cá nhân tiếp tục tham gia biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 7; 60 bản mẫu sách giáo khoa lớp 10; 43 bản mẫu sách giáo khoa lớp 3; 62 bản mẫu Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6 (tính đến thời điểm hiện tại).

Hệ thống các sách giáo khoa sau khi được thẩm định, phê duyệt đã được đưa vào triển khai thực hiện theo đúng lộ trình và bước đầu đi vào ổn định.

Các địa phương, các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng tổ chức dạy lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng lộ trình triển khai quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT với các điều kiện cơ sở vật chất được đáp ứng.

Ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT theo hướng tăng cường tính phù hợp của Thông tư với thực tế đã triển khai trong những năm qua; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa chuẩn bị triển khai năm học 2022-2023.

Tổ chức giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình; tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Ảnh minh họa: Linh Hương

Ảnh minh họa: Linh Hương

Chỉ đạo triển khai việc biên soạn sách giáo khoa dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo Kế hoạch đã ban hành; chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức dịch một số sách giáo khoa được phê duyệt sang sách chữ nổi Braille; phát huy việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử theo đúng tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.

Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản về định mức biên chế giáo viên. Rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ kế hoạch bồi dưỡng; kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo từng năm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Tiếp tục triển khai bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về các mô đun bồi dưỡng theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hình thức từ giáo viên cốt cán đến giáo viên đại trà đã đảm bảo 100% giáo viên được tiếp cận với tài liệu, học liệu do các chuyên gia của các trường đại học Sư phạm biên soạn.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng thực hành sẵn có đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học và Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Trung học cơ sở) đầy đủ các môn học đảm bảo hỗ trợ, nâng cao chất lượng dạy học và tiết kiệm chi phí. Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Các địa phương tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và lộ trình đổi mới Chương trình, sách giáo khoa. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động kiểm tra, rà soát và phát huy cao độ tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn “lỗi, sạn”

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, cụ thể:

Một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt: Khi ban hành sách giáo khoa, còn tình trạng sách giáo khoa vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1, một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

Việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở một số địa phương còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông có một số môn học mới.

Về nguồn ngân sách nhà nước chi cho giáo viên, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế: Mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư, nhiều chương trình, dự án, đề án đã được dành cho giáo dục đào tạo nói chung và cho giáo dục mầm non, phổ thông nói riêng, nhưng do số lượng các trường lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách Nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục phổ thông vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường.

Báo cáo của Bộ cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chế độ, chính sách liên quan đến triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tăng cường hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa trong các môn học/hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình; tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai việc biên soạn sách giáo khoa dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo Kế hoạch đã ban hành; chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức dịch một số sách giáo khoa được phê duyệt sang sách chữ nổi Braille; phát huy việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử theo đúng tinh thần xã hội hóa của Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.

Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản về định mức biên chế giáo viên. Tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ kế hoạch bồi dưỡng; kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo từng năm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động kiểm tra, rà soát và phát huy cao độ tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Linh Hương