"Bộ GD&ĐT không có 'thực quyền' xử lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT"?

03/08/2013 07:21
Xuân Trung
(GDVN) - Có một cách nhìn khác về phương án bỏ thi tốt nghiệp THPT, thầy Đỗ Việt Khoa cho biết, ngoài nguyên nhân kỳ thi gây tốn kém ra thì Bộ GD&ĐT hoàn toàn không có "thực quyền" xử lý các vấn đề của kỳ thi này. Quyền thuộc về các Sở GD& ĐT và lãnh đạo các tỉnh thành. Có thể nói, Bộ bất lực vì cơ chế phân quyền đó?
Trao đổi ngắn với Báo Giáo dục Việt Nam về ý kiến kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, thầy Đỗ Việt Khoa thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong việc tổ chức thi tốt nghiệp. 

PV: Trong Hội nghị cùng nhau tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong hội nghị do Mặt trận Tổ quốc tổ chức mới đây, rất nhiều ý kiến đưa ra là nên xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi thực chất kỳ thi này vừa gây tốn kém, năm nào các tỉnh cũng báo cáo đỗ gần 100%? Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Năm ngoái tôi phản đối ý kiến bỏ kỳ thi này, vì lo lắng học sinh sẽ bỏ bê việc học. Nhưng trên thực tế cho thấy, và sau khi nghiên cứu, suy nghĩ rất nhiều thì tôi thấy nên bỏ kỳ thi này là tốt nhất.

Theo thầy, hàng năm chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được những gì và "mất" những gì, những bài học nào được rút ra, theo quan điểm cá nhân của thầy?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Để chuẩn bị cho kỳ thi, học sinh lớp 12 phải học rất căng thẳng, đóng rất nhiều tiền. Việc coi thi chấm khi vô cùng tốn kém. Từ việc "ép học sinh nộp tiền chống trượt", đến việc chi ngân sách phục vụ thi nhiều tỉ đồng…mà cuối cùng, gian lận thi vẫn như cũ.

Năm đầu tiên của cuộc vận động “Hai không 2007”, cả nước coi thi nghiêm, tỉ lệ trượt tốt nghiệp rất cao. Báo chí phê phán, địa phương mất mặt. Sau đó, thanh tra Bộ không giám sát nữa, kỳ thi này lại trở về thói cũ, gian lận để đỗ cao tái phát.

Thầy Đỗ Việt Khoa được biết đến là người chống tiêu cực trong giáo dục mạnh nhất, đồng thời trong quá trình dạy học thầy nêu nhiều kiến nghị góp phần đổi mới giáo dục đào tạo.
Thầy Đỗ Việt Khoa được biết đến là người chống tiêu cực trong giáo dục mạnh nhất, đồng thời trong quá trình dạy học thầy nêu nhiều kiến nghị góp phần đổi mới giáo dục đào tạo.

Có nhiều nguyên nhân để mà bỏ kỳ thi này. Ngoài nguyên nhân kỳ thi quốc gia này tốn kém, nặng nề, gây căng thẳng cho học sinh và lại gần sát kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì theo tôi, bỏ còn vì sự bất lực khiến việc làm nghiêm túc kỳ thi là rất khó.

Bộ GD&ĐT hoàn toàn không có "thực quyền" xử lý các vấn đề của kỳ thi này. Quyền thuộc về các Sở GD& ĐT và lãnh đạo các tỉnh thành. Có thể nói, Bộ bất lực vì cơ chế phân quyền đó? 

Trong khi lãnh đạo Sở và Tỉnh thành họ lại muốn có báo cáo đẹp, phụ huynh và học sinh muốn con mình đỗ tốt nghiệp…cho nên có nhiều cách người ta làm cho kỳ thi không nghiêm. Cứ nhìn vụ việc của kỳ thi vừa qua sẽ thấy: Bộ GD&ĐT muốn thí sinh tham gia chống tiêu cực thi cử, nhưng sở lại có cách vô hiệu hóa biện pháp đó như là ra văn bản gây khó cho ai muốn thu thập chứng cứ tiêu cực thi, ghép học sinh trường yếu kém với trường khá giỏi, làm ngơ cho địa phương tiếp tục gian lận thi cử …

Trước kia bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS cũng bị dư luận phản đối, nhưng rồi nay cũng thấy bỏ tốt hơn là thi. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ vậy.

Đừng lo bỏ rồi học sinh sẽ lười hơn. Bỏ kỳ thi tốt nghiệpTHCS, thì ngay sau đó học sinh phải thi tuyển sinh vào 10 rất nghiêm ngặt. Bỏ thi tốt nghiệpTHPT thì cũng ngay sau đó học sinh phải tận sức cho thi tuyển Đại học, Cao đẳng. Chỉ những trường học là sẽ lo mất khoản thu từ dạy thêm học thêm, từ cưỡng ép học sinh học ôn thi tốt nghiệp.

Cân nhắc bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT đó là một quá trình đổi mới tư duy. Thưa thầy, vậy phải đổi mới như thế nào để thông qua mục tiêu các cấp học, bậc học xem khiếm khuyết ở đâu để sửa- không thể đưa ra những giải pháp chung chung?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Việc đổi mới thế nào thì phải hỏi  lãnh đạo ngành giáo dục chứ tôi nói cũng không đủ. Từ sách giáo khoa, nội dung, cách thức dạy và thi, và quan trọng nhất là sự trong sáng, tận tâm của người thầy, của lãnh đạo ngành. Thế thì giải pháp toàn diện rất khó đấy. Đạo đức tư cách của họ ra sao chúng ta biết cả rồi.

Có ý kiến cho rằng, tại sao chúng ta chậm đổi mới và nguy cơ tụt hậu trong khi lại mâu thuẫn với số học sinh ra trường ngày một đông, lượng tiến sĩ ngày một tăng? Phải chăng chúng ta đang lãng phí một nguồn lực về giáo dục đào tạo?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Lãng phí rất lớn ấy chứ. Phụ huynh rất lãng phí cho con em đi học. Cứ nói đến học, họ sẵn sàng nộp tiền. Kể cả phải nộp những khoản thu bất hợp pháp. Có người bảo tôi đó là vì người Việt hiếu học.

Lãng phí trong chảy máu chất xám rất lớn. Nhiều học sinh khá giỏi biết rõ bản chất sự dạy và học ở Việt Nam nên tìm ra nước ngoài học rồi ở lại không về nước.

Bệnh sính bằng cấp rất nặng. Đáng lẽ lãnh đạo các cấp phải là người có chuyên môn sâu về kinh tế xã hội, về chuyên môn ngành thì họ lại tìm cách kiếm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ để nâng lương, lên chức. Thế cho nên đất nước ngày càng nhiều tiến sĩ, nhưng vẫn nghèo, vẫn phát triển không hiệu quả.

Theo thầy, cách đánh giá kết quả giáo dục đào tạo có cần phải xem lại không? Có nên lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Đánh giá đúng và chính xác bằng thi cử nghiêm túc thì cũng tốt. Nhưng vì cái sự thi cử ấy không nghiêm túc nên việc đánh giá trở nên vô nghĩa. Vì vậy thôi, bỏ thi luôn chứ thi 3 môn, 6 môn hay nữa thì cũng không giải quyết được chuyện gì. Hãy đợi đến 1 lúc nào đó, khi điều kiện kinh thế xã hội được cải thiện hơn đã... 

Cám ơn thầy về cuộc trò chuyện này.
Xuân Trung