Bộ Giáo dục âm thầm rút khỏi ViOlympic và IOE sau khi thầy Vinh Hiển về hưu?

30/10/2017 07:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển còn tại nhiệm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có lẽ mọi việc sẽ khác?

Ngày 22 tháng 12 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 6254/BGDĐT-GDTrH về việc rà soát các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh.

Theo báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo và kết quả rà soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo; gây áp lực cho giáo viên, học sinh; 

Nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức; 

Đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi; không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao giải thưởng cuộc thi giải Toán qua mạng (ViOlympic) năm học 2015-2016 cho em Khổng Phương Thảo, THCS Minh Thành, Quảng Yên. Ảnh: quangninh.gov.vn.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao giải thưởng cuộc thi giải Toán qua mạng (ViOlympic) năm học 2015-2016 cho em Khổng Phương Thảo, THCS Minh Thành, Quảng Yên. Ảnh: quangninh.gov.vn.

(Trích Công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH ngày 5/5/2017 về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông).

“Cha nuôi” về hưu, ViOlympic và IOE không cần đến Bộ?

Cả Công văn 6254/BGDĐT-GDTrH ngày 22/12/2016 lẫn Công văn 1915/BGDĐT-GDTrH ngày 5/5/2017 đều không nhắc đến tên một cuộc thi cụ thể nào, bao gồm ViOlympic và IOE.

Tất nhiên người ký 2 công văn này không phải là Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, người đã quyết định đưa ViOlympic và IOE vào trường học bằng hệ thống quản lý ngành dọc dưới quyền và mệnh lệnh, công văn chỉ đạo.

Ông Hiển đã về hưu. 

Tiến sĩ Lê Thống Nhất xem FPT, VTC Online và trên nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo là “cha nuôi” của ViOlympic, IOE, còn ông Nhất là “cha đẻ”.

Nhưng thực sự với những gì Tiến sĩ Hiển đã làm, thì ông nguyên Thứ trưởng có lẽ mới là “cha nuôi” / “người đỡ đầu” thực sự cho ViOlympic và IOE.

Người ký 2 công văn rà soát các cuộc thi rất chung chung này là Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.

Tuy nhiên ngay sau thông tin Bộ rà soát các cuộc thi trên mạng, ngày 28/12/2016, Tiến sĩ Lê Thống Nhất đã bày tỏ quan điểm cá nhân về ViOlympic và IOE trên trang BigSchool, trong đó có đoạn:

6) Hãy coi đây (ViOlympic và IOE) là một sản phẩm giáo dục để phụ huynh, giáo viên, học sinh tự lựa chọn có dùng hay không. Bởi vậy Bộ (Giáo dục và Đào tạo) có thể không đứng ra tổ chức.

7) Một số cuộc thi trong khu vực, như cuộc thi SIMOC tại Singapore mà ban tổ chức có mời mình chứng kiến có học sinh của 14 nước tham gia (cả tiểu học và trung học cơ sở) thì Huy chương cũng là của một đơn vị (công ty tặng) chứ không phải Bộ Giáo dục Singapore tổ chức (một số các cuộc thi gọi là "quốc tế" khác cũng hơi giống vậy). 

Thế mà phụ huynh các nước vẫn bỏ tiền tốn kém cho con mình đi thi.

8) Với cuộc thi IOE mà mình vẫn đang theo dõi thì mình sẵn sàng đồng ý Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra ngoài cuộc thi để mình bàn với VTC Online có thể tự tổ chức hoặc hợp tác với các đơn vị không phải cơ quan quản lý nhà nước tổ chức. 

Như vậy chắc phù hợp hơn. Tránh được các nhược điểm do bị "biến tướng" tạo ra. [2]

Vậy vấn đề đặt ra là, nếu không có hoạt động vận động hành lang “tối 27/07/2008 gặp và đề xuất ý tưởng với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển” của Tiến sĩ Lê Thống Nhất [3], ViOlympic và sau này là IOE có vào được trường học với tốc độ chóng mặt, phạm vi bao trùm cả nước như vậy không?

Bộ Giáo dục âm thầm rút khỏi ViOlympic và IOE sau khi thầy Vinh Hiển về hưu? ảnh 2

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ có "khẩu dụ“ dừng thi Toán, tiếng Anh qua mạng?

Nếu để ViOlympic và IOE đấu thầu công khai, minh bạch với các nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ cho giáo dục khác, liệu FPT và VTC Online có chắc chắn thắng?

Cho dù có thắng thầu đi nữa, thì việc triển khai bằng chính sự hấp dẫn của chương trình, còn cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, phòng, nhà trường đứng ngoài, liệu ViOlympic, IOE có được tốc độ phủ sóng rộng khắp cả nước như ngày hôm nay?

Khi hệ thống thi trên mạng này đã ăn sâu bám rễ vào các trường học bằng một loạt chính sách có tổ chức mà chúng tôi xin phân tích trong một bài viết khác, thầy Nhất nói rằng lúc này Bộ có thể không đứng ra tổ chức để minh chứng cho sức sống của 2 “con đẻ” liệu có thuyết phục?

Quan trọng hơn là cách chơi như vậy có công bằng với các doanh nghiệp khác trên thị trường cung ứng dịch vụ giáo dục đang nở rộ như nấm sau mưa hiện nay? 

Đâu phải doanh nghiệp nào cũng “có cửa” để mà “gặp và đề xuất ý tưởng với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển” như Tiến sĩ Lê Thống Nhất và FPT?

Đặc biệt là khi FPT, VTC Online và Tiến sĩ Lê Thống Nhất đã “vận động” được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng cả bộ máy quản lý giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia dự án, chỉ đạo ngành dọc như thế, học sinh, phụ huynh và giáo viên còn có quyền “tự do lựa chọn” và quyết định tham gia hay không tham gia?

Cách triển khai này có nét gì đó rất giống với chỉ đạo “mở rộng VNEN trên tinh thần tự nguyện” của Bộ Giáo dục và Đào tạo thời Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phụ trách.

Sau 1 năm, VNEN lan từ 6 tỉnh ra 63 tỉnh thành của cả nước.

Bây giờ các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải “theo lao”, đá quả bóng trách nhiệm xuống các địa phương:

Triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyện, nhưng Bộ không hướng dẫn các sở, phòng và nhà trường áp dụng VNEN quy trình lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và học sinh một cách công khai, minh bạch để đảm bảo quyền "tự nguyện" lựa chọn VNEN hay không cho học sinh, giáo viên.

Ví dụ mà Tiến sĩ Lê Thống Nhất nêu ra về việc Bộ Giáo dục Singapore đứng ngoài việc tổ chức các cuộc thi trên mạng cho học sinh là minh chứng rõ nhất về sự liêm chính và văn minh của một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chỉ cần, chỉ nên và chỉ được tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, sản phẩm giáo dục cạnh tranh lành mạnh, kiểm tra và giám sát, chấn chính các hoạt động của những doanh nghiệp này trong trường học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhảy vào chỉ đạo trực tiếp các cuộc thi, sử dụng các dịch vụ giáo dục có trả phí khác nào cung ứng dịch vụ độc quyền? 

Các hoạt động như thế có vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh hay không?

Bộ Giáo dục âm thầm rút khỏi ViOlympic và IOE sau khi thầy Vinh Hiển về hưu? ảnh 3

Thầy Lê Thống Nhất "đẻ", Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển "nuôi" ViOlympic, IOE ra sao?

Làm thế nào để tránh được chuyện ban tổ chức lợi dụng các công cụ và bộ máy quản lý ngành dọc để ép buộc các nhà trường, học sinh tham gia càng nhiều, lợi nhuận thu về càng lớn?

Chúng tôi đồng ý với Tiến sĩ Lê Thống Nhất về quan điểm:

“Việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cũng như Thể lệ của 2 cuộc thi đều do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký thay Bộ trưởng. 

Vậy khi dừng 2 cuộc thi này cần có văn bản chính thức của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể cả bút phê ý kiến dừng 2 cuộc thi này của lãnh đạo cấp cao hơn khi Phó Vụ trưởng công bố với báo chí. 

Đây cũng là điều cần làm minh bạch.” [4]

Tiếc rằng đến giờ này Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc tổ chức, triển khai 2 cuộc thi này vào trường học vẫn giữ quyền im lặng.

Quyết định thay đổi nửa vời qua phát ngôn của Phó vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành

Chính vì sự im lặng từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cộng với sự sốt sắng khác thường của Phó vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, chúng tôi có thể hiểu được phản ứng của Tiến sĩ Lê Thống Nhất trước ứng xử của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 2 cuộc thi này:

“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không có văn bản nào thông báo với các đối tác FPT và VTC về việc dừng 2 cuộc thi mặc dù có ký kết hợp tác mà chỉ đơn phương cho Phó Vụ trưởng công bố qua báo chí (cũng không có Thông cáo báo chí mà chỉ phát biểu với báo Thanh niên) tuyên bố dừng cuộc thi (sau đó đính chính là đơn phương rút khỏi cuộc thi) là một cách đơn phương chấm dứt hợp đồng là thiếu chuyên nghiệp”. [4]

Điều này phải chăng chính là sự lúng túng của các lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay trong việc xử lý di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Vinh Hiển?

Bộ Giáo dục âm thầm rút khỏi ViOlympic và IOE sau khi thầy Vinh Hiển về hưu? ảnh 4

Cỗ máy kiếm tiền thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng hoạt động thế nào?

Nếu không nhận thấy những bất cập và hệ lụy to lớn từ cách tổ chức áp đặt 2 cuộc thi này vào trường học trên cả nước bằng bộ máy quản lý giáo dục ngành dọc, có lẽ Bộ đã chẳng tạm dừng / rút ra khỏi 2 cuộc thi.

Nhưng biết rõ những hệ lụy, bất cập, thậm chí có dấu hiệu của tham nhũng chính sách trong đó mà không dám nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận cái sai cho dù mình không trực tiếp gây ra mà là của người tiền nhiệm, thì chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mình vào thế bí.

Lập luận của ông Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành về lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng / rút ra khỏi ViOlympic và IOE cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức, đã bị Tiến sĩ Lê Thống Nhất bẻ gẫy một cách thuyết phục.

Bởi về mặt danh chính ngôn thuận, ông Lê Thống Nhất với ông Nguyễn Xuân Thành vẫn còn là “người một nhà”.

Ngày 11/4/2017 ông Nguyễn Xuân Thành ký công văn số 1471/BGDĐT-GDTrH về việc cử giám sát cho vòng toàn quốc cuộc thi giải Toán - Vật lý và Olympic tiếng Anh trên Internet cho học sinh phổ thông năm 2016-2017. [5]

Còn ông Lê Thống Nhất đến lúc này vẫn là Ủy viên Ban chỉ đạo cấp toàn quốc IOE [6]. Ông đã xin ra, nhưng chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định. [7]

Thế nên nghe lập luận của Phó vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành về lý do tạm dừng / rút ra khỏi ViOlympic và IOE của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trả lời báo Thanh Niên ngày 19/10 không “xuôi tai” tí nào. 

Và lẽ dĩ nhiên, Tiến sĩ Lê Thống Nhất chẳng khó khăn gì trong việc bác bỏ các lập luận của một Phó vụ trưởng vốn từng “cùng thuyền” ViOlympic, IOE.

Để rồi ngày 22/10/2017 ông Nguyễn Xuân Thành lại phải "trần tình" trên báo VietnamPlus:

“Tất nhiên, bản thân cuộc thi như Violympic là do các đơn vị tổ chức trên internet thì Bộ không can thiệp được, giống như các đài truyền hình vẫn tổ chức các sân chơi cho trẻ em. Bộ chỉ dừng sự phối hợp của Bộ."

"Theo đó, các năm trước, khi triển khai cuộc thi đều có văn bản từ Bộ thì năm nay sẽ không phát hành văn bản, không sử dụng kết quả thi để đánh giá học sinh, ưu tiên xét tuyển đầu cấp. Hãy để các sân chơi chỉ là sân chơi. 

Chơi có thưởng, nhưng thưởng lại trở thành chính sách thì cuộc thi mất ý nghĩa. Bản thân cuộc thi nếu tốt thì sẽ không cần chất xúc tác của cơ quan quản lý. Học sinh thi không phải vì cái gì đó mà vì sự ham mê, thích thú của các em”, ông Thành nói.

Bộ Giáo dục âm thầm rút khỏi ViOlympic và IOE sau khi thầy Vinh Hiển về hưu? ảnh 5

Chính thức dừng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng

Cũng theo vị lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, trước khi quyết định tham gia phối hợp tổ chức các cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thẩm định rất kỹ, bàn bạc nhiều lần. Bộ cũng muốn học sinh có sân chơi tốt.

Nhưng qua ý kiến phụ huynh và dư luận nói chung, cho thấy học sinh cũng chịu nhiều áp lực.

Trong khi đó, Bộ đang muốn giảm tải để dành thời gian cho các em phát triển năng lực phẩm chất, kỹ năng. Nếu chỉ thi luyện kiến thức thì lại tăng tải lên. 

“Bộ không tham gia nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các tổ chức làm giáo dục tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Bộ sẽ có chế tài quản lý trong nhà trường, tăng cường giáo dục đạo đức tư tưởng lối sống để học sinh có kiến thức để tự bảo vệ mình, biết chọn lọc trong việc tham gia các cuộc thi,” ông Thành chia sẻ. [8]

Nhưng ông Thành càng nói, càng lộ mâu thuẫn nội tại không dễ gì xử lý, khi người buộc dây đã hạ cánh an nhàn, còn người muốn “cởi” thì dường như lại không đủ thẩm quyền lẫn tư cách như câu hỏi đầy uy lực của Tiến sĩ Lê Thống Nhất:

Phó Vụ trưởng có được uỷ quyền tuyên bố không? [4]

Lập luận của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành ở đây có mấy vấn đề rất không ổn thỏa:

Một là, nói “bản thân cuộc thi như Violympic là do các đơn vị tổ chức trên internet thì Bộ không can thiệp được”.

Nói như vậy, phải chăng thầy Thành đã "sổ toẹt" các văn bản chỉ đạo, công văn giấy trắng, mực đen, dấu đỏ mà Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã ký, kể cả công văn số 1471/BGDĐT-GDTrH mà Phó giáo sư Thành mới ký tháng Tư vừa qua?

Hai là, câu sau “các năm trước, khi triển khai cuộc thi đều có văn bản từ Bộ thì năm nay sẽ không phát hành văn bản” đã đập lại ngay câu trước thầy Thành vừa nói: Bộ không can thiệp được.

Ba là, ông Thành nói “qua ý kiến phụ huynh và dư luận nói chung, cho thấy học sinh cũng chịu nhiều áp lực”.

Cũng chính Phó giáo sư Thành khẳng định: “trước khi quyết định tham gia phối hợp tổ chức các cuộc thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thẩm định rất kỹ, bàn bạc nhiều lần”.

Giải thích của Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành chỉ khiến dư luận thêm "băn khoăn", phải chăng "năng lực thẩm định” của quý thầy lãnh đạo Bộ bao gồm Tiến sĩ Thành có vấn đề?

Hay đằng sau chuyện này còn nguyên nhân nào khác khó nói, khiến Phó giáo sư Thành cứ phải vòng quanh, ví như lợi nhuận từ các cuộc thi mang lại cho một số cá nhân chẳng hạn?

Bốn là, Phó vụ trưởng Thành nói: “Bộ không tham gia nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các tổ chức làm giáo dục tạo sân chơi bổ ích cho học sinh”.

Vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa ra văn bản chính thức hủy bỏ các quyết định thành lập ban tổ chức, ban chỉ đạo, các tiểu ban nội dung và thể lệ 2 cuộc thi ViOlympic, IOE vẫn đang có hiệu lực?

Nếu các “ban” này vẫn tiếp tục hoạt động, mời gọi các sở, các phòng, các trường tổ chức cho học sinh dự thi mà không cần đến “công văn” của Bộ nữa và tạo ra nhiều hệ lụy, biến tướng thì ai sẽ chịu trách nhiệm đây?

Tại sao Tiến sĩ Lê Thống Nhất đã nói đến thế, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không lên tiếng, không công bố quyết định rõ ràng bằng văn bản, mà lại để Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành “truyền khẩu dụ”:

"Bắt đầu từ năm học 2017-2018, Bộ sẽ không chủ trì, tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh như Violympic, thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, thi dạy học theo chủ đề tích hợp…" ?[8]

Phải chăng đây là một sự “đầu hàng” trước nhóm lợi ích, “rút ra” để tránh áp lực dư luận trước mắt cũng như trách nhiệm sau này, còn học sinh vẫn tiếp tục để các nhóm lợi ích trục lợi, có vấn đề gì xảy ra thì bộ chủ quản vô can vì Bộ “từ nay không ra công văn nữa”?

Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tự đẩy mình vào thế bí, bỏ thì thương (người tiền nhiệm và uy tín / trách nhiệm của lãnh đạo ngành), vương thì tội (học sinh, giáo viên và xã hội).

Nhưng việc đã đến nước này mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn im lặng, không lên tiếng trước những lập luận và câu hỏi của Tiến sĩ Lê Thống Nhất, ông Nhất đánh giá Bộ “thiếu chuyên nghiệp” e là còn nhẹ.

Quan trọng hơn, hàng triệu học sinh phổ thông trên đất nước này đang là đối tượng của rất nhiều cuộc thi từ cấp bộ cho đến sở, phòng tổ chức, không biết đến khi nào mới thoát khỏi cách làm áp đặt gây hao tiền tốn của, mất thời gian công sức của cả thầy và trò?

Nếu Bộ mãi im lặng như cách phản ứng với các câu hỏi về việc độc quyền bán sách VNEN với giá cắt cổ, vấn đề thẩm định sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại, hay mới nhất là việc thay sách tin học để kiếm tiền trên lưng học sinh, dư luận sẽ không khỏi “băn khoăn”:

Phải chăng có "2 Bộ Giáo dục và Đào tạo" đang song song tồn tại?

Cứ xem việc xử lý các cuộc thi hiện nay, phải chăng "một Bộ" đại diện bởi Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, "một Bộ" kia ở chiều đối nghịch với ông Thành là Ban tổ chức mà ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng, cấp trên trực tiếp của ông Thành là trưởng ban? [9] 

Nếu Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển còn tại nhiệm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có lẽ mọi việc sẽ khác?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://bigschool.vn/ts-le-thong-nhat-bay-to-quan-diem-ca-nhan-ve-violympic-va-ioe

[2]https://bigschool.vn/y-kien-cua-ts-le-thong-nhat-ve-violympic-va-ioe

[3]http://lethongnhat.violet.vn/entry/show/entry_id/501285/cat_id/289904

[4]https://bigschool.vn/phai-chang-bo-gd-dt-khong-quan-ly-duoc-nen-dung-2-cuoc-thi-tren-mang

[5]http://ioe.go.vn/CongVanChiTiet.aspx?ID=1683

[6]http://ioe.go.vn/Ban-Chi-dao.html

[7]https://bigschool.vn/y-kien-cua-ts-le-thong-nhat-ve-violympic-va-ioe

[8]https://www.vietnamplus.vn/bo-giao-duc-tran-tinh-ve-viec-dung-tham-gia-cuoc-thi-violympic/462270.vnp

[9]http://ioe.go.vn/tin-tu-ban-to-chuc/ve-trien-khai-cuoc-thi-nam-hoc-2017-2018/1_3212.html

Hồng Thủy