Bộ Giáo dục chậm hướng dẫn dạy học và kiểm tra môn tích hợp, giáo viên gặp khó

18/08/2021 07:09
Đỗ Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phần lớn giáo viên cấp phổ thông, đặc biệt là những người sẽ trực tiếp đảm nhận dạy các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên vẫn còn băn khoăn.

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32/2018 về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông mới ra đời, ngành giáo dục đã tiến hành nhiều hoạt động chuyên môn như mở các lớp tập huấn bồi dưỡng giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý phổ thông cốt cán theo các module bồi dưỡng thường xuyên, điều chỉnh nội dung dạy học lớp 5, lớp 9 hiện hành đáp ứng yêu cầu chương trình mới…

Với các hoạt động tập huấn chuyên môn cho lực lượng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán và đại trà trong ba năm qua, ngành giáo dục hy vọng sẽ giúp lực lượng giáo viên dạy lớp 1, lớp 6 năm học 2021-2022 đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, phần lớn giáo viên cấp phổ thông, đặc biệt là những người sẽ trực tiếp đảm nhận dạy các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên lớp 6 vẫn có nhiều điều băn khoăn chưa được giải đáp.

Giáo viên lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch dạy học

Kế hoạch dạy học bộ môn được coi là kim chỉ nam để giáo viên thực hiện tốt kế hoạch năm học. Trước đây việc xây dựng kế hoạch dạy học được thống nhất thực hiện theo kế hoạch chung của Sở hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Theo định hướng sắp tới, việc xây dựng kế hoạch của các môn học theo chương trình năm 2018 do các trường chủ động xây dựng. Điều này giúp cho giáo viên, tổ bộ môn căn cứ vào tình hình thực tiễn của đơn vị để chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học.

Tuy nhiên để xây dựng kế hoạch dạy học cho môn Lịch sử và Địa lí hay Khoa học tự nhiên lớp 6 theo chương trình mới một cách phù hợp là điều không hề đơn giản khi đây là hai môn học lần đầu tiên thực hiện dạy học tích hợp.

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đa số giáo viên môn Lịch sử và Địa lí còn một số băn khoăn sau đây:

Thứ nhất, theo quy định về tổng số tiết trong môn Lịch sử và Địa lí 6 là 105 tiết/năm, trong đó Lịch sử 45 tiết, Địa lí 45 tiết, 10 tiết đánh giá định kỳ = 100 tiết, vậy còn 5 tiết sẽ giải quyết như thế nào?

Nhiều giáo viên đã tách nội dung các bài học để thêm tiết vào hoặc đưa thêm các tiết học địa phương.

Tuy nhiên cả 2 phương án đều chưa đúng. Bởi lẽ khi đã quy định 45 tiết cho một phân môn/năm học thì không thể thêm các tiết vào được.

Còn các nội dung thuộc địa phương thì đã có nội dung giáo dục bắt buộc của địa phương với thời lượng là 35 tiết/năm.

Thứ hai, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra đánh giá đối với các môn tích hợp. Do đó khi xây dựng chương trình chung, giáo viên hoàn toàn gặp lúng túng.

Một số giáo viên băn khoăn rằng Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có thể áp dụng được với chương trình lớp 6 năm học này hay phải có một thông tư riêng?

Thứ ba, nội dung giáo dục bắt buộc của địa phương là một nội dung mới với nhiều môn học (lịch sử, địa lí, văn học, giáo dục công dân, mĩ thuật, âm nhạc). Do đó khi tiến hành giảng dạy, mỗi giáo viên các bộ môn sẽ đảm nhận phần việc của mình.

Tuy nhiên việc kiểm tra đánh giá thường xuyên hoặc định kỳ sẽ do ai thực hiện và thực hiện như thế nào? Vì nếu tất cả các môn học đều đánh giá thường xuyên thì sẽ vượt quá số lần kiểm tra theo quy định. Ngược lại, chỉ chọn một số môn để đánh giá thường xuyên sẽ dẫn đến việc học sinh học tủ, học lệch.

Bộ Giáo dục còn chậm trễ trong việc hướng dẫn năm học mới

Ba năm qua kể từ khi chương trình 2018 ra đời, việc chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp vẫn chưa thực sự được chú trọng. Bởi lẽ khi tập huấn các module của môn Lịch sử và Địa lí, giáo viên vẫn phải tập huấn đơn môn, nghĩa là môn học nào tập huấn theo môn học đó.

Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp diễn ra chưa đồng bộ ở các địa phương. Một số tỉnh như Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch bồi dưỡng chứng chỉ môn học thứ hai cho các giáo viên đơn môn, do đó họ có đủ giáo viên để dạy các môn học này. Còn phần đông các địa phương giáo viên phải tự bỏ tiền túi đi học hoặc chờ chủ trương bồi dưỡng của tỉnh.

Vì vậy không ít giáo viên vẫn chưa hiểu rõ về nội dung, hình thức và chuẩn bị tâm thế để dạy các môn học tích hợp.

Năm học 2021- 2022 sắp bắt đầu nhưng nhiều trường học, cơ sở giáo dục cấp Trung học cơ sở vẫn chưa hoàn thành xong việc xây dựng kế hoạch dạy học.

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một kế hoạch dạy minh họa cho tất cả các môn học để các trường trung học cơ sở tham khảo. Từ đó các nhà trường có cơ sở để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của đơn vị mình.

Đồng thời Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng một trang web riêng để giải đáp những thắc mắc của giáo viên trong việc thực hiện thực hiện kế hoạch dạy học theo chương trình mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Hùng