Bộ Giáo dục nên sửa Quy chế, kẻo ra lò tiến sĩ "ao làng"

16/07/2021 08:25
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Các trình độ khác chấp nhận cả chuẩn “ao nhà”, biển, đại dương nhưng trình độ cao nhất thì phải so với biển, đại dương để làm chuẩn”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2021) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành đã gây tranh cãi gay gắt về tiêu chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ, tính hội nhập quốc tế.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thừa nhận, Quy chế đào tạo tiến sĩ vừa ban hành có chuẩn thấp hơn năm 2017.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trong các trình độ đào tạo của bậc giáo dục đại học (cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) thì tiến sĩ là trình độ cao nhất trong thang trình độ quốc gia Việt Nam, bậc 8/8.

Trong Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản dưới luật đều quy định đào tạo tiến sĩ chỉ có 1 loại đó là theo hướng nghiên cứu còn các bậc học thấp hơn thì có cả hướng nghiên cứu và ứng dụng.

Những quy định như vậy cho thấy đối với bậc học cao nhất đòi hỏi phải hướng tới tiếp cận với chuẩn quốc tế còn các bậc học thấp hơn thì có thể chấp nhận cả chuẩn quốc tế, khu vực, quốc gia, địa phương…

Quy chế năm 2017 ban hành trước đây cố gắng hướng tới chuẩn quốc tế, theo kiểu tiến ra biển, đại dương nhưng nếu giờ đây Quy chế 2021 không chấp nhận chuẩn đó để rồi “hạ chuẩn” có nghĩa là chỉ quanh “ao nhà”.

“Các trình độ khác chấp nhận cả chuẩn “ao nhà”, biển, đại dương nhưng trình độ cao nhất là tiến sĩ thì phải so với biển, đại dương để làm chuẩn”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ảnh minh họa: nguồn Báo Kinh tế đô thị

Ảnh minh họa: nguồn Báo Kinh tế đô thị

Bởi theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trong thực trạng Việt Nam còn sính bằng cấp, nặng về bệnh thành tích …thì chuyện chấp nhận chuẩn “ao nhà” là không hợp lý, sẽ làm giá trị của nền giáo dục đại học đỉnh cao của Việt Nam dưới góc nhìn từ quốc tế sẽ bị thấp xuống”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Chuyên gia này cho rằng, Bộ Giáo dục đào tạo nên lắng nghe ý kiến từ các học giả, nhà khoa học và các cơ sở giáo dục đại học để phân tích, tiếp thu, nếu cần thì cần điều chỉnh cho phù hợp chứ không nên “cố đấm ăn xôi”.

Cùng quan điểm này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra Quy chế 2021 vừa ban hành có những điểm tiên quyết về chuẩn chất lượng và ngoại ngữ như Quy chế 2017 đã bị hạ thấp.

Cụ thể, Quy chế mới bỏ hoàn toàn yêu cầu yêu cầu về công bố quốc tế với nghiên cứu sinh, cũng như thầy hướng dẫn và thành viên hội đồng. Chuẩn đầu ra của Quy chế cũ 2017 cũng chưa phải là cao so với khu vực, chỉ yêu cầu phải có tối thiểu 1 bài trên tạp chí ISI, hoặc 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện (chưa yêu cầu phải ISI/Scopus), hoặc 2 bài đăng Kỷ yếu hội thảo quốc tế, viết bằng tiếng nước ngoài có phản biện. Chuẩn đầu ra của Quy chế mới lạc hậu, quay trở về như Quy chế tiến sĩ cách đây hơn 20 năm về trước.

Thứ hai là, là yêu cầu về ngoại ngữ, theo quyết định khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành, Tiến sĩ phải có trình ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 (B2), Quy chế mới quy định điểm TOEFL iBT 46 điểm là quá thấp (B2 phải tối thiểu 72 điểm). Quy chế 2017 cũng yêu cầu nếu nghiên cứu sinh có ngoại ngữ khác đã đạt chuẩn B2, thì vẫn phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, Quy chế 2021 bỏ hẳn đi.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên quy định chuẩn chung, các trường đại học khác có thể quy định cao hơn, vì hiện nay tự chủ đại học và Quy chế mới như vậy là phù hợp. Lập luận đó nghe tưởng như hợp lý nhưng Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng ở Việt Nam hiện nay, tiến sĩ tốt nghiệp ở trường tốp đầu hay tốp sau đều được xem là tiến sĩ như nhau cả, chưa có sự phân biệt lớn, vì vậy nếu hạ chuẩn sẽ dẫn đến hiện tượng ngại chỗ khó làm chỗ dễ. Các trường hàng đầu có tiêu chí cao càng khó tuyển nghiên cứu sinh, trong khi những trường giữ mức chuẩn đầu ra theo quy chế mới (dễ và thấp hơn) sẽ thu hút đào tạo nghiên cứu sinh ào ạt, dẫn đến hiện tượng lại tạo nên những “lò ấp tiến sĩ “ chất lượng thấp, như tình trạng trước năm 2017.

Và điểm cuối cùng mà Giáo sư nguyễn Đình Đức băn khoăn, nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp như thế, sau 5 hay 10 năm tới, khi lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng phó giáo sư, giáo sư của chúng ta sẽ như thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của Việt Nam. Quy chế 2017 đang thực hiện, chưa hết một khóa đào tạo, cũng chưa có tổng kết đánh giá.

Ngày nay, công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín vẫn là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực và trình độ nghiên cứu của nhà khoa học. Không có công bố quốc tế, các trường đại học sẽ không có nội hàm để tham gia xếp hạng đại học và hội nhập. Mà thực tiễn trên thế giới cho thấy nghiên cứu sinh chính là lực lượng quan trọng thực hiện các ý tưởng của các giáo sư hướng dẫn và qua đó thúc đẩy công bố quốc tế của các trường.

Vì vậy, yêu cầu ngoài công bố trên các tạp chí trong nước, nghiên cứu sinh, giáo sư, phó giáo sư nhất định phải có công bố quốc tế. Công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/scopus có uy tín vừa xem như một điều kiện cần, một công cụ quan trọng đánh giá khách quan chất lượng luận án tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ, còn có ý nghĩa góp phần quan trọng thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của khoa học và giáo dục đào tạo của Việt Nam.

Do đó, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, Bộ Giáo dục đào tạo nên cân nhắc và tiếp thu ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học, sửa đổi Quy chế vừa ban hành cho phù hợp hơn.

Quy chế mới nếu không cao hơn, thì cũng nên chí ít giữ nguyên chuẩn đầu ra về chất lượng, có điều chỉnh những khiếm khuyết cho hoàn thiện hơn. Nếu bỏ đi chính sách yêu cầu về công bố quốc tế, hạ chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh trong toàn ngành là chúng ta đang đi thụt lùi và ngành Giáo dục khó có thể thực hiện được Nghị quyết của Đảng theo hướng thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam tiên tiến, hiện đại, hội nhập trong thời gian tới.

Thùy Linh