Bộ Giáo dục sửa nhiều quy trình, tiêu chuẩn biên soạn sách giáo khoa

19/08/2021 15:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đơn vị tổ chức thẩm định không còn mặc định là Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học mà "là đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và do Bộ trưởng phân công".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để lấy ý kiến. Bộ lấy ý kiến góp ý dự thảo này đến hết ngày 2/10/2021.

Ở Điều 9 về quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, dự thảo này bổ sung thêm các yêu cầu và quy trình đối với việc thực nghiệm sách. Cụ thể, dự thảo yêu cầu: “Các bài dạy thực nghiệm được lựa chọn đối với mỗi bản mẫu sách giáo khoa phải bảo đảm tính đại diện các bài học trong sách giáo khoa, thể hiện rõ điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đối với các mạch nội dung trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Trường được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm bảo đảm tính đại diện vùng, miền; tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại; mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 02 (hai) lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài dạy thực nghiệm và dạy thực nghiệm lần thứ hai;

Đối tượng học sinh được lựa chọn để thực nghiệm là học sinh thuộc khối lớp có sách giáo khoa được thực nghiệm; bài dạy thực nghiệm được thực hiện đối với tất cả học sinh của lớp tham gia học tập; giáo viên dạy học và giáo viên dự giờ bài thực nghiệm là những người đang trực tiếp giảng dạy tại các trường phổ thông; một bài dạy thực nghiệm bảo đảm có ít nhất 03 (ba) giáo viên dự giờ;

Bài dạy thực nghiệm được đánh giá về nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, ngôn ngữ sử dụng và hình thức trình bày của sách giáo khoa theo các quy định”.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Đối với sách giáo khoa biên soạn sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa quy định thì cần đồng thời thực hiện các yêu cầu:

- Lựa chọn tối đa không quá 5 tác giả cho mỗi bản thảo sách giáo khoa của một môn học;

- Tập huấn tối đa không quá 1 (một) lần cho tác giả, chủ biên, tổng chủ biên của mỗi môn học, hoạt động giáo dục của một lớp học;

- Tổ chức trại biên soạn sách, tối đa không quá 2 (hai) trại cho mỗi bản thảo hoặc bản mẫu sách giáo khoa của một môn học;

- Họp nhóm tác giả tối đa không quá 5 (năm) cuộc họp cho mỗi bản thảo hoặc bản mẫu sách giáo khoa của mỗi môn học.".

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 về tiêu chuẩn của tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Theo đó, tiêu chuẩn đưa ra là: “Có đội ngũ biên tập viên đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Luật xuất bản hoặc được một nhà xuất bản thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản sách giáo khoa phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản đảm nhận tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp tổ chức thực nghiệm và đề nghị thẩm định sách giáo khoa.".

Dự thảo đã siết chặt hơn ở tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Cụ thể, Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 11 thành:

"Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên với chuyên môn phù hợp; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 03 (ba) năm trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa môn học, hoạt động giáo dục được biên soạn. Riêng sách giáo khoa các môn học tiếng dân tộc thiểu số, người biên soạn sách giáo khoa có trình độ từ trung cấp trở lên, am hiểu về tiếng dân tộc thiểu số của sách giáo khoa được biên soạn".

Cùng đó, tiêu chuẩn thành viên hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa cũng được nâng lên, theo đó khoản 2, khoản 3 Điều 13 được quy định như sau:

"Có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được thẩm định. Riêng đối với sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, thành viên Hội đồng có trình độ từ trung cấp trở lên.

Đã từng tham gia một trong các công việc sau: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa, có ít nhất 03 (ba) năm trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp với môn học và hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được thẩm định hoặc có ít nhất 03 (ba) năm trực tiếp dạy học môn học có nội dung phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được thẩm định.".

Hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa cũng được yêu cầu chặt chẽ hơn.

Cụ thể, việc thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định không chỉ gồm tên sách giáo khoa; tên tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu có); mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung; quá trình, kết quả thực nghiệm như ở điểm c khoản 1 Điều 17 thông tư trước đây; dự thảo lần này có yêu cầu có thêm việc “tiếp thu các ý kiến nhận xét, đánh giá bản mẫu sách giáo khoa của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giáo viên; các thông tin liên quan khác (nếu có)”.

Ngoài ra, theo dự thảo này, đơn vị tổ chức thẩm định sách giáo khoa sẽ không còn mặc định là Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) mà được điều chỉnh thành “là đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và do Bộ trưởng phân công”.

Xem toàn bộ dự thảo, TẠI ĐÂY.

Thùy Linh