Bộ Giáo dục và GS. Thuyết không lường hết sự phức tạp, hậu quả của 108 tổ hợp

26/03/2022 07:13
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết phản biện Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, về triển khai môn học tự chọn đối với lớp 10.

Ngày 24/3/2022, trong chương trình Diễn đàn VOV2, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định, về lý thuyết việc có bao nhiêu tổ hợp môn khi triển khai chương trình lớp 10 đã được ban soạn thảo dự đoán. Và việc triển khai cũng không quá phức tạp. [1]

Thế nhưng, cá nhân người viết nhận thấy, Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn khiến cho việc triển khai môn học tự chọn đối với lớp 10 quá phức tạp, rối rắm.

Nhằm góp thêm một tiếng nói cho ngành giáo dục khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 năm học 2022-2023, tôi xin phản biện Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết một số nội dung sau đây.

Việc triển khai Chương trình mới quá phức tạp. (Ảnh minh họa: PL)

Việc triển khai Chương trình mới quá phức tạp. (Ảnh minh họa: PL)

Chương trình mới phức tạp vì "đẻ" ra 108 nhóm môn

Giáo sư Thuyết cho rằng, "về lý thuyết việc có bao nhiêu tổ hợp môn khi triển khai chương trình lớp 10 đã được ban soạn thảo dự đoán. Và việc triển khai cũng không quá phức tạp."

Xét về nội hàm câu chữ, cách nói "việc triển khai cũng không quá phức tạp" tức là đã có yếu tố phức tạp. Ví như, khi thầy giáo nói với học sinh trong lớp học, "bài toán cũng không quá phức tạp, các em hãy cố gắng làm", thì xác suất cao là nhiều học sinh không thể giải được - trừ một số em giỏi.

Vậy nên tôi cho rằng, ít nhiều Giáo sư Thuyết và cộng sự của ông - ban soạn thảo, đã thấy được sự phức tạp khi Chương trình mới "đẻ" ra 108 nhóm môn. Và tôi cũng nghi ngờ rằng, lời của giáo sư cũng là một cách trấn an dư luận, khi các cơ quan quản lí giáo dục, lãnh đạo trường trung học phổ thông vẫn chưa giải ra bài toán đối với nhóm môn tự chọn.

Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu dạy học

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, “không phải bây giờ mới tính được về mặt lý thuyết sẽ có bao nhiêu tổ hợp. Nhưng trong tính toán, chúng tôi xác định 2 dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường.

Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế".

Tôi nhận thấy, Giáo sư Thuyết và ban soạn thảo đã tính toán sai lầm nghiêm trọng về các dữ kiện: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và nguyện vọng của học sinh (trong việc chọn môn). Tôi chỉ lấy dẫn chứng về các dữ kiện này ở Thành phố Hồ Chí Minh những mong giáo sư được rõ.

Thứ nhất, về đội ngũ giáo viên (chỉ bàn môn Âm nhạc, Mỹ thuật): ngày 22/2/2022, trang thông tin điện tử Trường Đại học Sài Gòn thông báo tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022 (dự kiến) như sau: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật mỗi ngành 30 chỉ tiêu.

Tuy vậy, theo Tiến sĩ Võ Văn Thật - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, những năm gần đây trường chỉ tuyển được khoảng phân nửa chỉ tiêu, riêng năm 2021 trường tuyển được khoảng 70 - 80% chỉ tiêu. [3]

Theo tìm hiểu của tôi, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa có mã ngành đào tạo giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ cho bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. [4]

Ở Sài Gòn hiện có khoảng 200 trường trung học phổ thông công lập và ngoài công lập. Cứ cho mỗi trường cần 2 giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật thì tổng nhu cầu tuyển dụng là 400 giáo viên. Nhưng, ngay cả bậc trung học cơ sở cũng rất khó tuyển dụng giáo viên dạy 2 môn này nói gì đến bậc trung học phổ thông.

Năm học 2021-2022, huyện Bình Chánh cần hơn 20 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ nhưng không có giáo viên nào tham gia thi tuyển. Tình trạng này cũng xảy ra ở quận 8 và nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. [3]

Đối với hai môn học rất mới của bậc trung học phổ thông là Âm nhạc và Mỹ thuật, Giáo sư Thuyết cho rằng, "có thể hiện tại nhu cầu lựa chọn học hai môn này chưa cao nhưng trong tương lai có thể nhiều học sinh sẽ quan tâm" - dự đoán này khác nào "đếm cua trong lỗ".

Để khắc phục khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên, giáo sư Thuyết mở đường, "cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, các trường chuyên nghiệp".

Cơ sở nào để sở, phòng điều động giáo viên từ cấp học này sang cấp học khác? Giáo viên bậc trung học cơ sở dạy đủ 19 tiết/tuần là xong nghĩa vụ mà không phải đi đâu cả. Chưa kể, anh trả tiền tiết dạy thấp (mặt bằng chung khoảng 70-80 đồng/tiết) thì tôi cần gì kí hợp đồng?

Hoặc, "ngành giáo dục cũng có thể cho phép học sinh học những môn này ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, công nhận kết quả học tập của các em như đối với các môn học ở trường trung học phổ thông" - xét các yếu tố như: không gian, thời gian, thời khóa biểu, quản lí học sinh... đều không có cơ sở thực hiện.

Thứ hai, về cơ sở vật chất: chỉ riêng môn Âm nhạc, Mỹ thuật, đòi hỏi các trường phải có phòng bộ môn riêng chứ giáo viên không thể cứ lên lớp cố định theo tiết là có thể dạy học được. Phòng bộ môn nhạc cần trang bị thiết bị đàn, âm thanh; phòng bộ môn Mỹ thuật thì có giá vẽ, cọ, màu, giấy...

Ở các tỉnh, thành có điều kiện, việc trang bị cơ sở vật chất có thể lấy từ nguồn xã hội hóa giáo dục (cùng với kinh phí Nhà nước), còn ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa dễ gì một sớm một chiều trang bị đủ cơ sở vật chất cho học sinh chọn môn.

Thứ ba, về nguyện vọng của học sinh: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gợi ý, "học sinh chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, ví dụ Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Ngoài ra, các em có thể chọn thêm 2 môn học ở nhóm khác như Sinh học, Tin học (hoặc Công nghệ, Âm nhạc)."

Thưa Giáo sư Thuyết, học sinh 15, 16 tuổi - độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới, liệu bao nhiêu em có thể định hướng nghề nghiệp cho cuộc đời mình? Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 10 chủ yếu do cho mẹ (người thân), thầy cô - và ngay cả người lớn cũng đang lơ mơ với mớ bòng bong (rối ren) 108 nhóm môn của các vị.

Giáo sư Thuyết và ban biên soạn đưa bài toán tổ hợp (108 nhóm môn) để các trường giải thì làm gì có lời giải chung. Cho nên tới đây hầu hết các trường sẽ đưa ra một số tổ hợp (ấn định) giúp học sinh chọn môn, chứ không trường nào đủ khả năng đáp ứng hết nhu cầu cả.

Đừng "đá quả bóng trách nhiệm" cho nhà trường

Về phía nhà trường, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gợi ý, "cách đơn giản nhất là tổ chức các lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như trước nay. Thứ hai, tổ chức các lớp học chuyên đề và xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định."

Xin thưa với Giáo sư Thuyết, dạy học chuyên đề là một trong những phương pháp được giáo viên lựa chọn giúp học sinh có những hiểu biết về những kiến thức cơ bản của chương trình, sách giáo khoa cần đạt được.

Từ những kiến thức đó, học sinh có thể tổng kết, hệ thống hoá kiến thức, củng cố, thực hành, rút ra quy luật, bài học... và tự nghiên cứu, đào sâu kiến thức đã học - chứ liên quan gì đến việc các em chọn nhóm môn?

Còn "nếu sĩ số đăng ký vượt với sĩ số lớp học theo quy định thì học sinh chuyển sang nguyện vọng 2. Căn cứ để xếp học sinh nguyện vọng 1 là “độ dốc” của điểm thi đầu vào lớp 10 trung học phổ thông hoặc điểm tổng kết môn học đó ở trung học cơ sở" - vậy thì học sinh bị nhà trường o ép chứ đâu còn được chọn môn theo sở thích, nguyện vọng.

Thiết nghĩ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy bình tĩnh lắng nghe dư luận - đó là các nhà quản lí giáo dục, chuyên gia, giáo viên - đừng cố trấn an dư luận bằng giải pháp ngôn từ nữa.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/hon-100-to-hop-mon-hoc-lop-10-tong-chu-bien-chuong-trinh-noi-gi-33334.vov2

[2] //tuyensinh.sgu.edu.vn/thong-tin-tuyen-sinh-dai-hoc-he-chinh-quy-nam-2022.html

[3] //giaoducthoidai.vn/giao-duc/do-mat-tuyen-giao-vien-my-thuat-am-nhac-VCwAk707g.html

[4] //diendantuyensinh24h.com/truong-dai-hoc-su-pham-tp-ho-chi-minh-tuyen-sinh/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên