Con em giáo viên chưa mặn mà với việc nối nghiệp vì cơ hội việc làm, thu nhập?

24/11/2020 05:59
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Con cái giáo viên đã được trải nghiệm đầy đủ cung bậc vui, buồn của nghề giáo, minh chứng là bố mẹ mình từ khi ... lọt lòng.

Theo những gì người viết quan sát được trong thực tế cuộc sống chung quanh, hiện nay trong xã hội chúng ta, bố mẹ làm nghề y, dược, con thường sẽ thích nghề y, dược; bố mẹ là kinh doanh, con cũng dễ nối nghiệp kinh doanh...

Thế nhưng khi bố mẹ là giáo viên, rất nhiều đồng nghiệp của người viết ở khắp mọi miền chia sẻ rằng con cái họ không thích, không theo nghề bố mẹ.

Sau khi Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết trải lòng của cô giáo Phan Tuyết “Vợ chồng tôi đã thất bại khi không hướng được con nối nghiệp dạy học”, bài viết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người trong cuộc, thể hiện rõ nét nhất qua những bình luận mà người viết cho rằng, vẫn chưa hết.

Vì sao con trẻ không thích theo nghề giáo của bố mẹ? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Vì sao con trẻ không thích theo nghề giáo của bố mẹ? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tại sao có những bạn trẻ không thích theo nghề giáo của bố mẹ?

Câu trả lời theo người viết rất đơn giản, có những bạn trẻ đã được trải nghiệm đầy đủ cung bậc vui, buồn của nghề giáo, minh chứng là bố mẹ mình.

“Mẹ ơi! Vì sao tết đến các bạn con ai cũng có mấy bộ đồ đẹp nhưng nhà mình mẹ chỉ mua cho hai chị em có 2 bộ thôi?”; “Sao ba, mẹ lại chỉ mặc quần áo cũ, mà không mua đồ mới?”.

“Sao nhà mình không xây nhà như bạn con? Sao nhà mình cứ ở mãi nhà tập thể?”; “Sao hè nhà mình không đi du lịch? Nhà của các bạn con đi chơi vui lắm” vv... Bố mẹ chỉ biết nói với con: “Vì nhà mình không có tiền” ... con hỏi vặn: “Tại sao lại không có tiền?” cha mẹ nào dám nói “Vì bố mẹ làm nghề giáo viên”.

Nghề giáo vẫn còn có những thầy cô thu nhập không đủ sống. Với những ai đã vào biên chế hưởng lương ngân sách còn đỡ, còn thầy cô nào vẫn thân phận giáo viên hợp đồng thì còn cơ cực hơn nhiều.

Khi có bố mẹ là nhà giáo nghèo, lương ba cọc ba đồng, hình ảnh ấy có thể đã ăn sâu vào tiềm thức con trẻ, là động lực để cho trẻ thoát khỏi, vươn lên nghề khác để có cuộc sống sung túc hơn bố mẹ mình chăng?

Khi so sánh nghề giáo của bố mẹ với những nghề khác mà mình có thể nhắm đến và đủ năng lực để thi vào được, con cái giáo viên sẽ không theo nghề giáo, dù những nghề khác có nhiều góc khuất mà nó không nhìn thấy.

Thế nhưng cũng có một khía cạnh khác người viết muốn nhấn mạnh ở đây là, thực tế con em giáo viên đã được đầu tư học hành ngay từ nhỏ.

Vì vậy ý thức học tập, năng lực học tập của con cái giáo viên cũng hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa đặc biệt là ... hơn hẳn bố mẹ chúng.

Thực tế xung quanh người viết, số con cái của đồng nghiệp theo nghề giáo có nhưng rất ít, có thể nói là không đáng kể.

Người viết có dịp tâm sự với đồng nghiệp, học sinh cũ, con của giáo viên, cô giáo (xin giấu tên) chia sẻ: “Em theo nghề vì do chiều lòng bố mẹ, thật ra em không thích nghề giáo, nói thật với thầy vì lương em không đủ sống. Cuộc sống của em hiện tại chính là hình ảnh cuộc sống của bố mẹ em trước đây.

May mà còn làm thêm được, lấy nghề tay trái nuôi nghề giáo. Nhiều khi thấy em vất vả đóng hàng cả đêm để kịp sáng mai chuyển cho khách, bố mẹ em lại nói “phải chi để con đi học ngoại thương, giờ này như mấy đứa...”, em lại cười khì để ông bà khỏi áy náy”.

Khi thu nhập từ nghề giáo không đủ nuôi sống nhà giáo thì liệu chất lượng giáo dục có như mong muốn? Vì vậy, ngoài chính sách miễn học phí, trợ cấp sinh hoạt phí cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng, việc làm, chế độ đãi ngộ phù hợp mới có thể thu hút được người giỏi vào sư phạm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến