“Bó tay” trước bài toán nâng cao số lượng và chất lượng giáo dục?

23/08/2013 06:25
Diện Hứa
(GDVN) - Một lãnh đạo nguyên là trợ lí của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thừa nhận rằng, trong 20 năm qua chúng ta đặt ra khẩu hiệu “mở rộng quy mô nâng cao chất lượng”, nhưng thực tế chúng ta hy sinh chất lượng vì số lượng. Bối cảnh hiện nay làm thế nào để nâng cao chất lượng thì vị này xin không có lời giải là chịu “bó tay”.
Khẳng định trên là của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong Hội nghị “Hướng tới xã hội học tập, hỗ trợ chất lượng dạy và học ở Việt Nam” được tổ chức trong hai ngày 22 và 23/8.Bài toán nào cho chất lượng giáo dục? Hiện chúng ta đang ở giai đoạn 2 của chủ trương xây dựng xã hội hóa trong xã hội học tập. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định, hơn 20 năm qua giáo dục của chúng ta vẫn chủ yếu phát triển theo chiều dọc (đó là quy mô giáo dục), do đó chất lượng giáo dục kém chất lượng và dẫn đến gây bức xúc trong xã hội. Với bài toán nâng cao chất lượng giáo dục trong xã hội học tập là rất khó.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giải bài toán chất lượng không chỉ ở hệ chính quy mà mở rộng ra toàn xã hội để xây dựng xã hội học tập (giáo dục mở rộng về số lượng ra ngoài xã hội), vậy làm thế nào để nâng cao được chất lượng? Tôi xin thưa là không có lời giải và tôi xin bó tay ở đây. Ảnh Xuân Trung
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giải bài toán chất lượng không chỉ ở hệ chính quy mà mở rộng ra toàn xã hội để xây dựng xã hội học tập (giáo dục mở rộng về số lượng ra ngoài xã hội), vậy làm thế nào để nâng cao được chất lượng? Tôi xin thưa là không có lời giải và tôi xin bó tay ở đây. Ảnh Xuân Trung
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến thừa nhận, chất lượng giáo dục Việt Nam có phát triển ở trong chính nó nhưng lại tụt hậu so với sự phát triển của xã hội, kéo dài và gây bức xúc (đặc biệt là Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục Đại học). Theo cách tiếp cận của tổ chức giáo dục Emis thì Việt Nam là một trong những nước thiếu thông tin để xây dựng giáo dục, thiếu tự chủ về nhân sự. Dẫn đến tất cả những cách làm của chúng ta từ trước tới nay là đơn yếu tố và nhất thiết phải giải quyết đồng bộ trong chính sách (như chính sách giáo viên, cải cách tiền lương cho giáo viên). TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến kiên quyết đề nghị: Một trong những yếu tố giúp cho sự đảm bảo chất lượng giáo dục là có một sự đồng bộ thực sự giữa giáo dục chính  quy và giáo dục thường xuyên. Vì hiện nay chính sách giáo dục thường xuyên không có gì, điển hình nhất là tấm bằng tại chức lâu nay bị coi thường. “Chúng ta đã có khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” từ trong Hiến pháp năm 1992 nhưng đến nay đã thực hiện được đến đâu? Chỉ cần tuyên bố đúng mức và làm đúng chất lượng thì bài toán sẽ được thực hiện” TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định. Đứng trước thách thức này, ông Vũ Văn Đức, nguyên là cán bộ Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) đặt câu hỏi: “Tại sao qua nhiều năm giáo dục chúng ta vẫn ì ạch không có chuyển biến? Nên chăng hãy tìm ra 1-2 điểm khởi đầu”. Và ông Đức gợi ý rằng, có thể tìm ra các điểm khời đầu trong sự ách tắc đó là: Giáo dục cho nhân dân và học sinh nhận thức về ý thức trách nhiệm của việc học. Thứ hai, hãy nâng cao nhận thức và khả năng tự học của người dân và học sinh. Đồng ý với quan điểm này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng lời giải cho bài toán này có nhiều cách từ đơn yếu tố tới đa yếu tố, nhưng một lời giải tổng thể là không có mà chỉ tìm ra một lời giải cho từng phần. Đó là đổi mới giáo dục sau năm 2015 theo hướng phát triển năng lực cốt yếu là năng lực tự học. Khó có lời giải cho bài toán nâng cao quy mô và chất lượng giáo dục Trước thực trạng của nền giáo dục hiện nay, GS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập Việt Nam bức xúc nêu thực trạng và đặt câu hỏi với các diễn giả rằng: Chúng ta có định hướng coi trọng chất lượng hạn chế số lượng, vậy mối quan hệ giữa chúng là như thế nào, phải chăng chúng ta đang bóp số lượng lại để cho được chất lượng?
GS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị, không phân biệt công tư, hãy đối xử các trường thật bình đẳng để có quyền tự chủ trong giáo dục. Ảnh Xuân Trung
GS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị, không phân biệt công tư, hãy đối xử các trường thật bình đẳng để có quyền tự chủ trong giáo dục. Ảnh Xuân Trung
Quan điểm của GS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, bài toán về số lượng của chúng ta hiện nay chưa phải là nhiều, nhưng bên cạnh đó chất lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bài toán ở đây phải giải được là vừa nâng cao chất lượng và giải quyết được số lượng. “Tôi lấy ví dụ ở Việt Nam có hơn 400 trường Đại học, theo tôi không phải là nhiều so với số lượng dân. Nhưng khi chúng ta phát triển số lượng đại học như vậy thì chất lượng của nó như thế nào. Ở Hàn Quốc cũng phát triển nhưng cần tăng cường bài học tự chủ cho tất cả các trường, tăng cường giám sát kiểm tra, kiểm định thì đó là vừa tăng số lượng và chất lượng” GS Nhĩ dẫn chứng. Và ông cũng cho rằng ở Việt Nam có phát triển về số lượng nhưng lại không tạo điều kiện tự chủ cho các trường, chính vì vậy dẫn đến chất lượng giảm sút. “Chúng ta đang hướng đến xã hội học tập, xây dựng xã hội học tập thì con người phải được học, học liên tục, học suốt đời, nếu như vậy tôi cho rằng giáo dục phải được mở rộng mới có thể nâng cao vị thế của đất nước. Nhưng mở rộng phải nâng cao chất lượng, chính đây là bài toán mà chúng ta phải tìm lời giải”. GS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ. Với quan điểm này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định,  câu hỏi của GS Trần Xuân Nhĩ là câu hỏi khó. Trả lời mong muốn này có hai cách trả lời, cách thứ nhất là có sự đánh đổi giữa số lượng và chất lượng, muốn làm số lượng phải hy sinh chất lượng. Cách nữa, không nhất thiết phải đánh đổi, có thể chất lượng và số lượng giải quyết bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng thẳng thắn nói rằng, trong 20 năm qua chúng ta đặt ra khẩu hiệu, mở rộng quy mô nâng cao chất lượng, nhưng thực tế chúng ta hy sinh chất lượng vì số lượng, đây là một thực tế không chối cãi được. “Giải bài toán chất lượng không chỉ ở hệ chính quy mà mở rộng ra toàn xã hội để xây dựng xã hội học tập (giáo dục mở rộng về số lượng ra ngoài xã hội), vậy làm thế nào để nâng cao được chất lượng? Tôi xin thưa là không có lời giải và tôi xin bó tay ở đây” TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh. Với nhận định này, GS Trần Xuân Nhĩ khẳng định lại, Việt Nam vẫn coi trọng xã hội hóa nhưng không phải ai muốn làm gì thì làm, nhất thiết phải có sự quản lí của Nhà nước. “Quan điểm của tôi là phát triển cả số lượng kèm theo đó là nâng cao chất lượng. Các trường chưa đạt được chất lượng thì Nhà nước phải tạo điều kiện cho các trường phát triển. Ngoài công lập và Công lập giống như cánh của một con chim, cần phải được đối xử công bằng thì mới bay được” GS Trần Xuân Nhĩ mượn hình ảnh để nói về mức độ ưu tiên phát triển ở hai hệ Công lập và Ngoài công lập.
Bộ GD&ĐT đang triển khai giải pháp

“Đảng và Nhà nước luôn khẳng định sự phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội.

Nâng cao chất lượng dạy và học không chỉ là trách nhiệm của các thầy cô giáo, riêng của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, của các ban ngành, đoàn thể thể hiện qua các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đồng thời, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam cũng đang phối hợp mạnh mẽ với Bộ GD&ĐT để hỗ trợ chất lượng dạy và học. Tháng 4 vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với liên minh vì giáo dục cho mọi người phát động tuần lễ toàn cầu vì giáo dục với chủ đề “Đội ngũ giáo viên có năng lực và tâm huyết cho mọi người học” và thông điệp chính “Học sinh nào cũng có quyền có giáo viên tốt”.

Bộ GD&ĐT đã và đang có những giải pháp để giải quyết vấn đề này như đổi mới quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới chương trình giáo dục ở các cấp bậc học đại học, cao đẳng, TCCN, phổ thông và mầm non, chú trọng nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh sinh viên, tăng cường gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số. (theo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2012-2020)”.

Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Diện Hứa