Bộ tinh giảm nội dung, bài học mà giữ nguyên số tiết thì có cũng như không

13/05/2021 06:30
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi mong rằng Bộ giảm nội dung thì nên giảm số tiết tương ứng bởi giảm nội dung, giảm bài học mà vẫn duy trì số tiết như trước đây thì giảm cũng…như không.

Những năm học trước đây có 37 tuần, học kỳ I có 19 tuần, học kỳ II có 18 tuần, 2 tuần cuối của 2 học kỳ được xem là tuần dự trữ nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 thì đầu năm học 2020 -2021 này, Bộ đã có hướng dẫn tinh giản bớt 2 tuần, năm học còn lại 35 tuần thực học.

Bên cạnh việc tinh giản về thời gian thì ngày 27/ 8/2020, Bộ Giáo dục cũng ban hành Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH để hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học.

Rất nhiều bài học chính khóa trước đây đã được hướng dẫn: “Không dạy; Đọc thêm; Không làm; Không thực hiện; Không yêu cầu; Khuyến khích học sinh tự đọc; Khuyến khích học sinh tự học; Khuyến khích học sinh tự làm; Khuyến khích học sinh tự thực hiện”.

Nhưng…số tiết của năm học thì không được tinh giản, thành ra giáo viên và học sinh vẫn phải dạy và học số tiết như các năm trước đây.

Năm học này Bộ tinh giản nội dung nhưng không tinh giản số tiết học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Năm học này Bộ tinh giản nội dung nhưng không tinh giản số tiết học (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giá như Bộ tinh giản cả thời gian, nội dung và số tiết dạy

Bắt đầu từ học kỳ II của năm học 2019-2020 ngành giáo dục đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các địa phương phải liên tục cho học sinh nghỉ học trong nhiều tuần.

Chính vì vậy, các trường học phải chuyển đổi hình thức từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến. Năm học 2019-2020 phải kéo dài đến giữa tháng 7, kỳ thi trung học phổ thông cũng phải lùi lại sang đầu tháng 8 mới tổ chức được.

Chính từ những khó khăn về dịch bệnh nên đầu năm học 2020-2021 thì Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm hướng tới nhiều kịch bản cho năm học mới.

Trong đó, có việc tinh giản thời gian năm học xuống còn 35 tuần và ban hành Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH là những bước chuẩn bị rất cần thiết cho năm học. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì năm học này giảm mà lại cũng như không giảm bởi các lý do sau:

Thứ nhất: theo Khung kế hoạch năm học 2020 - 2021, Bộ quy định thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9, tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Thời gian kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2021, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2021, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2021.

Thực hiện xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở trước ngày 15/6/2021. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31/7/2021.

Riêng việc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi Học sinh giỏi quốc gia và thi Khoa học kĩ thuật cấp Quốc gia thực hiện theo hướng dẫn của Bộ.

Bộ yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch đảm bảo số tuần thực học của bậc mầm non, giáo dục phổ thông ít nhất 35 tuần, trong đó học kỳ I ít nhất 18 tuần và học kỳ II ít nhất 17 tuần.

Nếu so sánh với các năm học trước đây có 37 tuần, sau khi kiểm tra học kỳ thì các trường chỉ dạy một vài buổi là hết chương trình nên những ngày cuối của tuần dự trữ là học sinh nghỉ, thời gian thực học cũng chỉ có 35 tuần.

Năm học này nói là giảm 2 tuần nhưng học sinh cũng phải học 35 tuần, nếu hết học kỳ mà chưa hết bài thì các trường sẽ bố trí tăng tiết cho đủ số tiết theo quy định.

Vì vậy, về cơ bản thời gian thực học không hề giảm so với trước đây bởi số tiết theo phân phối chương trình vẫn được giữ nguyên vẹn như hàng chục năm qua.

Thứ hai: Bộ chủ trương giảm chương trình học, chuyển một số bài học sang hình thức: “Không dạy; Đọc thêm; Không làm; Không thực hiện; Không yêu cầu; Khuyến khích học sinh tự đọc; Khuyến khích học sinh tự học; Khuyến khích học sinh tự làm; Khuyến khích học sinh tự thực hiện” nhưng vẫn giữ nguyên số tiết như cũ.

Vì vậy, nhiều bài học trước đây được bố trí 1 tiết thì năm học này bố trí thành 2 tiết, thậm chí thành 3 tiết cho đủ số tiết quy định.

Những bài: “Đọc thêm; Khuyến khích học sinh tự đọc; Khuyến khích học sinh tự học; Khuyến khích học sinh tự làm; Khuyến khích học sinh tự thực hiện” vẫn được Hội đồng bộ môn hướng dẫn dạy bình thường, chỉ khác là không kiểm tra vào các đơn vị kiến thức này mà thôi.

Vì thế, giáo viên vẫn phải dạy cật lực các bài này, vì không dạy thì lớp ồn, khó quản được học sinh vì các bài này đã được biên chế số tiết dạy.

Những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương nhưng bài dạy chưa hết, một số địa phương phải chỉ đạo kiểm tra sớm để học sinh nghỉ học, hoặc chuyển sang hình thức dạy trực tuyến. Bởi theo khung thời gian năm học thì cuối năm 5 này mới hết chương trình.

Vì vậy, có những bài Đọc thêm; Khuyến khích học sinh tự đọc; Khuyến khích học sinh tự học; Khuyến khích học sinh tự làm; Khuyến khích học sinh tự thực hiện” thì đã dạy rồi nhưng có nhiều bài học chính khóa thì lại chưa dạy vì các trường bố trí các bài học này đan xen với nhau.

Giá như, ngay từ đầu năm học mà Bộ Giáo dục chủ trương giảm thời gian, nội dung học cùng với số tiết học thì có lẽ mọi thứ bây giờ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Đôi điều kiến nghị

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay ở nhiều nước trên thế giới và cả trong nước, dù có lạc quan đến đâu thì chúng ta cũng không tránh khỏi những lo lắng cho thời gian tới đây.

Chỉ mấy tháng nữa thôi, năm học 2021-2022 lại sẽ bước vào năm học mới và tất nhiên những khó khăn là điều khó tránh khỏi đối với ngành giáo dục và các nhà trường trên cả nước.

Chúng tôi mong rằng Bộ giảm nội dung chương trình học thì nên giảm bớt đi một số tiết tương ứng bởi giảm nội dung học, giảm bài học mà vẫn duy trì số tiết như trước đây thì giảm cũng…như không.

Giảm bài học nhưng số tiết vẫn như cũ thì các trường bắt buộc phải xây dựng phân phối chương trình học theo số tiết quy định của các Sở Giáo dục.

Các bài trước đây 1 tiết thì bây giờ bố trí thành 2-3 tiết, các bài đọc thêm, hướng dẫn đọc thêm cũng phải dạy như thường cho hết số tiết quy định thì việc tinh giản nội dung chương trình và thời gian không có nhiều ý nghĩa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH