Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: trường sư phạm nên xem xét xu hướng đào tạo đa ngành

27/04/2022 10:40
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong các trường sư phạm hiện nay đào tạo đa ngành là một xu hướng lớn, trường Đại học Sư phạm TPHCM nên phân tích xem xét mở rộng thêm những ngành nghề khác.

Đó là một trong những nội dung phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi làm việc với trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/4.

Cân nhắc lựa chọn xu hướng đào tạo đa ngành

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục đào tạo, yếu tố có tính chất nền tảng then chốt, thậm chí là mang tính quyết định đối với chất lượng giáo dục đào tạo, quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới chính là ở lực lượng giáo viên và vai trò của các trường khối ngành sư phạm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

“Đối với các trường khối ngành sư phạm có vai trò rất quan trọng, nhân tố có tính chất hạt nhân, quyết định cho khâu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, mà ở đây là giáo dục phổ thông. Trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, khối sư phạm có vai trò hết sức quan trọng. Cho nên, việc quan tâm, đầu tư, định hướng, chỉ đạo đối với hệ thống các trường sư phạm, lãnh đạo Bộ Giáo dục rất quan tâm, nhất là quan tâm đến đội ngũ các thầy cô”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng lưu ý vài tuần nữa Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trên cơ sở đó Bộ sẽ làm quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và hệ thống giáo dục cả nước. Dịp này, theo Bộ trưởng, trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần rà soát lại định hướng phát triển của trường vì khối sư phạm liên quan trực tiếp và quan trọng đến các định hướng lớn của ngành.

Trường cần cân nhắc lựa chọn phù hợp với những xu hướng lớn dựa trên lợi thế của trường mình. Trong các trường sư phạm hiện nay đào tạo đa ngành là một xu hướng lớn, nhà trường nên phân tích xem ngoài trách nhiệm đào tạo giáo viên thì mở rộng thêm những ngành nghề khác. Nếu đào tạo đa ngành thì tính đến đào tạo giáo viên với cử nhân khoa học cộng với nghiệp vụ sư phạm, kèm theo đó tính cơ cấu bên trong hệ thống ngành nghề và những cơ sở, chi nhánh, phân hiệu cũng nên rà soát lại.

Nối tiếp điều đó, Bộ trưởng cho rằng việc nhập lại hai trường cao đẳng sư phạm ở Long An và Gia Lai thành các phân hiệu là một điều tốt bởi vì hệ thống các trường cao đẳng sư phạm hiện nay chỉ đào tạo giáo viên mầm non thì không thể đủ sức tồn tại và phát triển tốt được. Tuy nhiên đưa các trường cao đẳng sư phạm vào thì hướng phát triển họ thế nào là câu chuyện cần trường chú trọng.

Tập trung cao độ nghiên cứu khoa học giáo dục

Ông Nguyễn Kim Sơn đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế của trường rất đáng mừng. Với một trường sư phạm cần tập trung cao độ vào nghiên cứu khoa học giáo dục và công nghệ giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, trường cần đầu tư nhiều vào các nghiên cứu ứng dụng vì trong đổi mới giáo dục - đào tạo và đổi mới giáo dục phổ thông thì một trong các vấn đề quyết định sự thành bại chính là phương pháp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành và triển khai, học liệu được chuẩn bị mới nhưng phương pháp không theo kịp và kiểm tra, đánh giá, đo lường trong hoạt động giáo dục mà không được triển khai một cách mạnh mẽ thì khó đạt được kết quả mong muốn”, Bộ trưởng Kim Sơn nói.

Bộ trưởng cũng tán thành việc trường tăng cường các trường thực hành nhưng cho rằng cách triển khai nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới thì không phải chỉ ở một trường thực hành là đủ mà kết nối giữa trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông là cực kỳ bức thiết và khăng khít. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị trường điều chỉnh tăng mạnh đào tạo giáo viên khối Mỹ thuật, Nghệ thuật vì đây là khối hiện đang có nhu cầu giáo viên rất lớn. Tuy nhiên việc đào tạo cũng cần khảo sát, dự báo, tính toán nhu cầu nếu không sẽ bị dư dôi.

Bên cạnh đó, với khó khăn của các trường đào tạo giáo viên với các ngành nghệ thuật do thiếu đội ngũ có trình độ tiến sĩ, Bộ trưởng Kim Sơn cho rằng cần có giải pháp vĩ mô về chính sách để tháo gỡ chung cho các trường trong đào tạo khối ngành này.

Nhắc nhở chung với Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Trường có nhà xuất bản, một trong các cơ sở đang tham gia tổ chức xuất bản sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông. Bên cạnh các nhóm tác giả tổ chức biên soạn, cần tăng cường công tác trách nhiệm biên tập, kiểm soát của nhà xuất bản để đóng góp nâng cao chất lượng sách giáo khoa”.

Khảo sát nhu cầu nhân lực giáo viên ở một số ngành

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường sẽ đầu tư nguồn lực và đầu tư thời gian tối đa để các bên liên quan cùng rà soát định hướng chiến lược phát triển của trường, nhất là chú ý tầm nhìn và vị thế của trường.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Lê Phương)

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Lê Phương)

Trường cũng tập trung xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng về xu hướng đa ngành hoá, xác định mô hình đào tạo giáo viên, đào tạo song song và đào tạo tiếp nối. Bên cạnh đó xác định cơ cấu ngành và tiếp thu đầy đủ để quản lý hiệu quả các cơ sở, phân hiệu trong tầm nhìn phát triển tổng thể.

Trường cũng sẽ tập trung phát triển nhân lực có trọng điểm và chiến lược, thời gian qua trường cùng làm rất quyết liệt. Đồng thời hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định trường sẽ tập trung phát triển các chuyên gia đầu ngành, các chuyên sư phạm và mô hình đào tạo giáo viên, nhất là rèn luyện những kỹ năng của người học. Trường tiếp tục phát triển những chuyên gia về thực hành giáo dục phổ thông vốn là ưu thế của trường.

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, nhà trường cũng sẽ chú ý khảo sát nhu cầu và dự báo nhu cầu giáo viên ở một số ngành, đặc biệt là ngành mới.

Lê Phương