Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: 'Đã đề xuất cải cách tiền lương giáo viên'

11/02/2013 09:48
Lý Hà/ Thời báo kinh tế Việt Nam
"Bộ GD – ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có đề xuất, kiến nghị về vấn đề tiền lương và thu nhập của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục...", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Cũng như mọi ngành khác, ngành giáo dục và đào tạo (GD – ĐT) Việt Nam đã “nặng nề” vượt qua năm 2012 – một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Và trong bối cảnh đó chúng ta rõ thêm những mảng “sáng, tối” của nền giáo dục Việt Nam trong năm qua. Điều đó lý giải tại sao chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách giáo dục nhưng lần này lại phải quyết liệt đặt vấn đề “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. 
- Nhìn lại ngành giáo dục trong năm 2012, ngoài những điều tâm đắc, cá nhân ông cảm thấy còn những trăn trở gì, thưa ông? 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Hiện nay, trăn trở lớn nhất của tôi là những yếu kém, bất cập và tiêu cực của ngành giáo dục vẫn còn, những chuyển biến về chất lượng đã có nhưng chưa đồng đều và chưa mạnh mẽ, lòng tự trọng, tự hảo của một bộ phận thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa được phát huy.
Còn trong năm qua, điều mà tôi thấy tâm đắc nhất là sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân đối với giáo dục. Năm 2012 là một năm khó khăn của nhiều ngành, nhiều địa phương trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và thế gưới, nhưng phần đầu tư cho giáo dục vẫn giữ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương ưu tiên đảm bảo.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Các gia đình rất quan tâm, chăm lo cho con em mình học tập. ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cùng với các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, sĩ số học sinh đến trường được giữ ổn định, kể cả sau những đợt giá rét kéo dài hoặc thiên tai, bão lũ.
Hình ảnh các cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở các xã, thôn, bản cùng với các thầy cô giáo đi vận động , động viên các em học sinh đến trường đã giúp cho những người làm giáo dục như chúng tôi cảm thấy ấm lòng và tăng thêm quyết tâm.
Điều thứ hai là về giáo dục đỉnh cao. Năm 2012, chúng ta có 29 em học sinh đi dự thi 31 lượt ở các kỳ thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế thì tất cả đều đoạt giải. Trong số này có mộ em được Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế là học sinh lớp 11 của tình Sơn La, một tỉnh còn nhiều khó khăn thuộc vùng tây Bắc. Năm nay, lần đầu tiên học sinh THPT Việt Nam đạt giải nhất cuộc thi học sunh thế giới về nghiên cứu khoa học kỹ thuật (Intel ISEF).
- Về giáo dục phổ thông, dư luận đang “phàn nàn” về tình trạng học thêm, dạy thê,, lạm thu, quá tải… đến nỗi nhiều học sinh mất hứng thú mỗi khi đến trường. Ông có nhận xét gì về những quyết sách mà Bộ đưa ra trong năm qua để giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong năm qua, Bộ có ra hai văn bản chấn chỉnh vấn đề dạy thêm học thêm và lạm thu. Qua dư luận có thể thấy các văn bản này đã bước đầu đi vào cuộc sống. Theo thông tin chúng tôi có, việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan và lạm thu đầu năm học đã được triển khai tích cực ở nhiều địa phương.
Ví dụ tại Hà Nội, HĐND TP trực tiếp giám sát tình hình ở các cơ sở giáo dục, yêu cầu sở GD – ĐT giải trình về vấn đề này. Sở GD – ĐT Hà Nội đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử lý các vi phạm, yêu cầu hoàn trả các khoản thu sai quy định. 
Ở Đà Nẵng, có hiệu trưởng đã bị miễn nhiệm vì không làm đúng chức trách. Tại Quảng Ninh, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc cùng ngành giáo dục thực hiện chấn chỉnh tình trạng dạy hoc thêm và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Về tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục vẫn là những vấn đề vẫn còn tồn tại. Năm 2012, đối với những tiêu cực được phát hiện, chúng tôi đã xử lý nghiêm túc, kiên quyết cả cá nhân tập thể, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu theo đúng tinh thần Nghị quyết TW 4, như ở vụ Đồi Ngô.
Bên cạnh đó, trong năm 2012, lần đầu tiên chúng tôi đã cho chấm thanh tra gần 17.000 bài thi của 16 tỉnh có kết quả tốt nghiệp THPT tăng đột biến. Sau khi chấm lại, chúng tôi đã gửi kết quả này cho Bí thư, chủ tịch UBND tỉnh kèm theo công văn, trong đó chỉ rõ việc coi thi chưa tốt, chấm không nghiêm túc, công tác chỉ đạo quản lý chưa sâu sát.
Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng năm 2012, Bộ chỉ gửi các địa phương theo đường công văn mật, còn năm 2013, thông tin này sẽ được công bố công khai.
- Thưa ông người xưa có nói “có thực mới vực được đạo” nhưng với nghề “làm thầy” thì đây quả là mộ điều tế nhị, khó nói. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi biết, về đời sông của các nhà giáo hiện nay còn có những bất cập. Thứ nhất là việc cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp thâm niên, trong khi phần lớn cán bộ quản lý giáo dục đều đã là giáo viên xuất sắc, có cống hiến lâu năm. Bất cập này đã được bàn bạc nhưng chưa giải quyết được vì vướng quy định của Luật Công chức.
Sau khi bàn bạc kĩ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho bảo lưu phụ cấp thâm niên trong 3 năm đối với các nhà giáo được điều động lên làm công tác quản lý ở sở, phòng GD – ĐT. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất giải quyết sự bất hợp lý này trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới.
Bất cập thứ hai là phụ cấp thu hút đối với giáo viên làm việc tại vùng khó khăn, sâu sa. Theo quy định hiện nay, phụ cấp này chỉ có cho giáo viên trong 5 năm. Trên thực tế, nhiều giáo viên sau 5 năm không có điều kiện luân chuyển về cùng thuận lợi, vẫn tiếp tục công tác ở vùng khó khăn nhưng không còn hưởng phụ cấp. Bộ GD – ĐT đã đề nghị tiếp tục có phụ cấp  thu hút cho các nhà giáo có thâm niên làm việc lâu năm ở vùng sâu vùng xa lại có thu nhập thấp hơn nhà giáo vừa mới ra trường nên công tác ở cùng trường.

Mặt khác,  Bộ GD – ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có đề xuất, kiến nghị về vấn đề tiền lương và thu nhập của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vấn đề này sẽ được xem xét, xử lý trong tổng hòa các mối quan hệ và tương quan với các ngành nghề khác. Hy vọng tới đây, việc cải cách chế độ tiền lương sẽ có những điều chỉnh mang tính lâu dài và đảm bảo được cuộc sống cho các nhà giáo.

Các nhà giáo, nhà khoa học nói gì về giáo dục Việt Nam năm 2013
GS Phạm Minh Hạc: “Chương trình SGK, đặc biệt là Toán, văn vẫn còn nhiều bất cập và hết sức nặng nề. Khi tôi làm Bộ trưởng, tôi ra quyết định là bỏ hết các bài toán sao và các cháu chỉ học rất cơ bản. Còn ngày nay thì những bài toán khó lại được in tràn lan.

Ai đời sách tham khảo môn Toán có đến hơn 100 cuốn. Có những người dạy Toán cả một đời nói với tôi, chương trình Toán phổ thông thừa đến 50 – 60%. Vậy học sinh có học được, nhớ được hết không? Còn môn Văn thì dạy quá nhiều định nghĩa, văn phạm, nhưng ngữ văn thực hành thì rất kém.
Năm 2015 mới có bộ SGK mới, vậy chúng ta, con em chúng ta phải đợi lâu quá! Mà chưa chắc năm 2016 đã có thể sử dụng bộ sách mới bởi còn phải tập huấn thí điểm! Năm học 2011 – 2012, Bộ tiến hành giảm tải chương trình sách giáo khoa. Nhưng thực tế, giảm tải mang tính hình thức, vụn vặn, không đến nơi, đến chốn”.
GS. Văn Như Cương: "Nền giáo dục chúng ta đang ở trong trạng thái của một nền “giáo dục ứng thí”, mục đích đi học chỉ là để đi thi, đi thuê để có một văn bằng, càng cao càng tốt. Nếu chưa có việc thì dùng văn bằng để tìm việc, nếu đã có việc rồi thì dùng văn bằng để thăng quan tiến chức. Đây là sự chênh lệch hướng lớn nhất kéo theo mọi lệch hướng khác. 
Giáo dục bây giờ chỉ hơn nhau bằng cách lấy lòng cấp trên, hơn nhau ở chỗ được lòng thầy chứ không hơn nhau bằng thực lực. Một chương trình không tạo ra thực lực mà thực lực cho con người tạo ra là sự lèo lá, sự khôn khéo, những cái đó ra đời thì vô nghĩa".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Năm vừa qua, dư luận lại được một phen “choáng váng” khi xem nhưng hình ảnh hàng trăm phụ huynh chen chúc xếp hàng từ nửa đêm đợi xin học cho con tại trường THCS Thực nghiêm (Hà Nội). Tuy nhiên, với tôi, hiện nay bình thường mà cũng không bình thường.
Bình thường ở chỗ, bậc cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình, Chính vì thế, chọn một trường có thầy tốt cho các con cũng là điều bình thường và hết sức dễ hiểu. Không bình thường chính là mong muốn chính đáng đó của người dân lại chưa được đáp ứng. Chất lượng giáo dục của các trường không được đồng đều, nói chung là chưa thực sự cao.
Chính vì vậy, trong cả một hệ thống giáo dục hơn 35.000 trường học lại chỉ có một ít trường danh tiếng thì tất nhiên là các bậc phụ huynh phải chọn những trường tốt cho con em của họ nên mới xảy ra tình trạng chen lấn như ở Trường Thực nghiệm vừa rồi…”

Vài mảng sáng, tối của ngành GD – ĐT năm 2012

- Lần đầu tiên trong lịch sử dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa dành cho học sinh THPT, 29 em học sinh của 6 đội tuyển quốc gia đi dự thi 31 lượt ở các kỳ thi học sinh giỏi đều đoạt huy chương: trong đó có 5 huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc, 11 huy chương Đồng. Đội tuyển quốc gia môn Hóa học, với 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng. Cũng lần đầu tiên các học sinh THPT Việt Nam dự thi và đạt giải nhất cuộc thi học sinh thế giới về nghiên cứu khoa học kỹ thuật diễn ra tại Mỹ.

- Nạn học thêm, dạy thêm, lạm thu, quá tảu và bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông vẫn dai dẳng và trỗi dậy với nhiều biểu hiện trầm trọng.

- Về đại học, cao đẳng: mùa tuyển sinh năm 2012 nhiều ngành học trong nhiều đại học công lập, tư thục bị người học “chê” nên không đủ sinh viên để tuyển, việc liên thông liên kết đào tạo đang bị biến dạng méo mó dẫn đến nhiều tỉnh, TP tuyên bố không tuyển công chức có văn bằng hệ đại học tại chức, liên thông, dân lập, tư thục
Lý Hà/ Thời báo kinh tế Việt Nam