Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói gì về việc giao quyền tự chủ ĐH?

15/12/2011 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - “Cần thiết phải có  một cơ chế quản lý bình đẳng, khuyến khích tự chủ, tự chịu trách nhiệm tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững”.
Trên đây là ý kiến của PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội trong buổi tọa đàm “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo” chiều ngày 14/12 tại đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo PGS Nguyễn Cảnh Lương, hiện ở Việt Nam đang gia tăng số lượng và loại hình các trường ĐH, CĐ bao gồm cả trường công, dân lập, tư thục, trường quốc tế và diện liên kết. Từ sự phát triển về số lượng các trường, các loại hình trên gây nên những bất cập trong quản lý và có những hệ lụy riêng. Theo PGS Nguyễn Cảnh Lương những hệ lụy đó sẽ dẫn đến cơ chế  quản lý nhà nước không còn phù hợp đối với hệ thống phát triển nhanh, phức tạp và đa dạng như hiện nay.
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh Xuân Trung
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh Xuân Trung
“Những tồn tại đó có thể do Bộ GD&ĐT thiếu cơ chế giám sát toàn bộ hệ thống, lúng túng trong quản lí điều hành. Chưa có cách nhìn tổng thể trong quản lý và tìm kiếm những giải pháp trong phát triển hệ thống” PGS Nguyễn Cảnh Lương cho biết.
Từ những ý kiến trên, PGS Nguyễn Cảnh Lương cho rằng, trong các trường ĐH, CĐ hiện nay đang thiếu sự định hướng của Nhà nước, lúng túng trong  xây dựng chiến lược. Bị “trói buộc” bởi cơ chế quản lí lạc hậu, không có điều kiện phát huy tính năng động, tự chủ, tự  chịu trách nhiệm dẫn đến trì trệ. Hơn nữa, nguồn lực (tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật) đang rất thiếu thốn, bao cấp của Nhà nước không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển.
PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: Tự chủ và tự chịu trách nhiệm luôn song hành và có quan hệ hữu cơ. Trong đó, “tự chịu trách nhiệm” quyết định sự tồn tại và phát triển của một trường đại học . Ảnh Xuân Trung
PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: Tự chủ và tự chịu trách nhiệm luôn song hành và có quan hệ hữu cơ. Trong đó, “tự chịu trách nhiệm” quyết định sự tồn tại và phát triển của một trường đại học . Ảnh Xuân Trung

Từ những tồn tại trên dẫn đến những hệ lụy; môi trường không đảm bảo chuẩn mực, kém thu hút dẫn đến “chảy máu chất xám”, không đảm bảo hiệu quả các nguồn đầu tư. Và, chất lượng đào tạo, theo đó khó đảm bảo dẫn tới nguy cơ tụt hậu. Theo PGS Nguyễn Cảnh Lương, tự chủ và tự chịu trách nhiệm phải là quan hệ hữu cơ hình thành theo quy luật tự nhiên thì mới phát triển được bền vững.

Trong  tự chủ đại học, PGS Nguyễn Cảnh Lương đánh giá cao các bước của một trường đại học cần có, đó là tính “tự chủ về học thuật”, “tự chủ về tài chính”, “tự chủ về tổ chức cán bộ”, và phải tự chịu trách nhiệm đối với xã hội (chất lượng dịch vụ đào tạo, các chính sách xã hội, quyền lợi và sự công bằng đối với người học), có trách nhiệm đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với chính mình (giữ gìn, củng cố thương hiệu vì sự phát triển).

“Tự chủ và tự chịu trách nhiệm luôn song hành và có quan hệ hữu cơ. Trong đó, “tự chịu trách nhiệm” quyết định sự tồn tại và phát triển của một trường đại học trong cơ chế tự chủ. Vấn đề này cần phải được gấp rút thực hiện, triển khai theo từng bước với hoàn cảnh cụ thể của hệ thống đại học Việt Nam” PGS Nguyễn Cảnh Lương kết luận.
PGS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa. Ảnh Xuân Trung
PGS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa. Ảnh Xuân Trung

Trên quan điểm xây dựng một nền giáo dục Việt Nam giàu mạnh, PGS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa cho rằng, trước hết phải đổi mới hệ thống bằng cấp và mô hình đào tạo.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn đó là nền tảng cốt yếu và động lực cho đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục. “Hệ thống bằng cấp quốc gia phải rõ ràng, thống nhất, đối chiếu được các hệ thống thông dụng trên thế giới. Mô hình đào tạo phải phù hợp với hệ thống bằng cấp, mềm dẻo và liên thông để có thể xây dựng các chương trình đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học”.

Từ những ý kiến đó, PGS Hoàng Minh Sơn cũng kiến nghị, đổi mới mô hình đào tạo theo mô hình Anh – Mỹ hoặc  mô hình của Châu Âu. Định nghĩa lại hệ thống tín chỉ quốc gia để làm cơ sở chuyển đổi liên thông  trong nước và quốc tế.

Đặc  biệt, cần bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo thuộc mọi loại hình. Bình đẳng cũng không có nghĩa là “cào bằng”, làm được như vậy đó chính là môi trường cạnh tranh bình đẳng và là động lực quan trọng để phát triển nền giáo dục.

“Tự chủ đại học là chìa khóa cho đổi mới quản lí đại học, cùng với tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ phát huy tối đa nội lực của các cơ sở đào tạo, kết hợp với môi trường cạnh tranh lành mạnh, sự phân cấp quyền tự chủ cho các trường sẽ phát huy  tối đa sức  mạnh tổng thể của cả hệ thống”, PGS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải làm theo kế hoạch, không thể nóng lòng được.

Để đảm bảo tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm, Bộ trưởng cũng thông báo, sẽ nghiên cứu để có một khung luật đối với các trường nghiêm túc, đào tạo chú ý đến uy tín, đặt mục tiêu phát triển lâu dài vì lợi ích cộng đồng, những trường như vậy sẽ được cảm thấy “tự do” hoàn toàn.

“Chúng ta sẽ chuyển quản lí từ sự phát triển xin cho sang việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển lành mạnh. Vấn đề này sẽ thực hiện phân cấp từng bước một, nhưng không phân cấp một cách đồng loạt. Trong quá trình đào tạo nếu trường vi phạm có thể thu lại quyền tự chủ”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.
Xuân Trung