Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Áp lực với giáo viên mầm non là rất lớn"

25/03/2019 13:33
Trinh Phúc
(GDVN) - Bộ trưởng căn dặn: “Những khó khăn có thể từng bước khắc phục nhưng nếu không tâm huyết với nghề sẽ có thể dẫn tới phát sinh “tai nạn nghề nghiệp”.

Trong chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Quảng Nam mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm, trò chuyện với giáo viên Trường Mầm non xã Quế Thuận

Thông tin được giáo viên Trường Mầm non xã Quế Thuận chia sẻ với người đứng đầu ngành Giáo dục là những nỗ lực, cố gắng của một tập thể với gần 30 giáo viên, chăm sóc, dạy dỗ trên 300 học sinh trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đời sống thu nhập của giáo viên, nhân viên còn nhiều khó khăn.

Đồng cảm với những khó khăn, áp lực của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, thời gian qua, giáo dục mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu và chưa thực sự tạo ra động lực để giáo viên yên tâm gắn bó với công việc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác tại Quảng Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong chuyến công tác tại Quảng Nam.

“Áp lực với giáo viên mầm non rất lớn, không chỉ nuôi mà còn phải dạy dỗ. Đòi hỏi của phụ huynh đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng ngày càng cao trong khi điều kiện làm việc, chế độ tiền lương chậm được cải thiện.

Tôi biết có những cô giáo ở đây, con mình thì gửi cho người khác trông, còn mình dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con người khác. Con mình ốm là chuyện nội bộ, còn các cháu ở trường ốm là chuyện công khai và đôi khi phải chịu áp lực từ phụ huynh.

Tôi rất hiểu và chia sẻ” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Áp lực với giáo viên mầm non là rất lớn" ảnh 2Phận giáo viên mầm non và nỗi lo bị quỵt lương

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đang xây dựng thang bảng lương mới, trong đó có lương giáo viên, đây sẽ cơ sở để tới đây sẽ có những đổi mới về chính sách tiền lương, tạo động lực cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Mặc dù còn nhiều vất vả nhưng trước yêu cầu đổi mới, Bộ trưởng mong muốn đội ngũ giáo viên mầm non sẽ không ngừng vươn lên học tập, cập nhật nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình đổi mới giáo dục mầm non, nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, tạo uy tín, niềm tin với phụ huynh và xã hội.

“Những khó khăn có thể từng bước khắc phục nhưng nếu không tâm huyết với nghề sẽ có thể dẫn tới phát sinh “tai nạn nghề nghiệp”.

Thời gian qua, chúng ta nghe chỗ  này, chỗ kia vẫn có một số sự việc xảy ra ở trường mầm non, đây là bài học để mỗi nhà trường, mỗi giáo viên có thêm kinh nghiệm trong quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hoàn thiện và tham mưu hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục mầm non phát triển.

Đồng thời, đề nghị chính quyền, ngành giáo dục địa phương có những chính sách hỗ trợ theo phân cấp, huy động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất trường mầm non, đảm bảo đủ định biên giáo viên mầm non và đảm bảo về giờ giấc làm việc để giảm áp lực cho giáo viên mầm non.

“Tất cả đều phải có trách nhiệm chung tay xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực sự tôn trọng, nâng niu trẻ.

Gia đình, cộng đồng xã hội cũng cần có cái nhìn thấu hiểu để chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn, áp lực của nhà trường và giáo viên.

Có như thế, giáo viên mới có động lực, niềm tin và niềm vui trong công việc” - Bộ trưởng nêu rõ.

Trinh Phúc