Bốn năm tới, bậc phổ thông dạy kiểu gì?

28/11/2012 07:19
Theo VNN
Nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề về dạy học tích hợp, dạy học phân hóa trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) cho việc triển khai đề án đổi mới sau năm 2015 của Bộ GD-ĐT đã được tranh luận tại hội thảo khoa học về dạy học tích hợp - dạy học phân hóa ở giáo dục phổ thông.

Học mô hình của nước ngoài?

Có mặt tại hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức ở TP.HCM ngày 27/11, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề quan trọng trong việc đổi mới chương trình - SGK. Nhiều mô hình về việc dạy học tích hợp - dạy học phân hóa của các nước có nền GD tiên tiến trên thế giới đã được nhiều nhà nghiên cứu hiến kế.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng nên nhìn chương trình giáo dục phổ thông của Hàn Quốc để đề xuất hướng tích hợp và phân hóa.

Ảnh minh họa, nguồn Internet
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Ông phân tích, ở Hàn Quốc, vấn đề tích hợp đang được thực hiện cao độ và đậm đặc ở lớp 1 và 2 với các nội dung như Chúng ta là một, cuộc sống dễ chịu, cuộc sống thông minh, cuộc sống kỉ luật. Ở các lớp từ 3 đến 10, nội dung tích hợp thể hiện rõ ở hai môn Khoa học và Tìm hiểu xã hội. Ngoài ra, ở nội dung từ lớp 1 đến lớp 10 cũng được phân hóa theo trình độ Toán và tiếng Anh, tiếng Hàn. Ở hai lớp 11 và 12, chương trình có sự phân hóa bằng cách tự chọn các khóa học tự chọn cơ bản và các khóa học tự chọn chuyên sâu.

Từ đó, PGS.TS Thống đề xuất, Việt Nam nên thực hiện tích hợp và phân hóa như: Hai lớp 1,2 cho HS học chỉ 3 môn Toán, Ngữ văn, Cuộc sống quanh ta (Ngữ văn và Cuộc sống quanh ta là môn học tích hợp); từ lớp 3 đến 5 học 7 môn: Ngữ văn, Khoa học/thực hành, Giáo dục sức khỏe (tích hợp) Tìm hiểu xã hội/đạo đức, Toán, Nghệ thuật/Âm nhạc và tiếng Anh; lớp 6 đến 9, HS học 7 môn: Ngữ văn, Tìm hiểu Xã hội, Khoa học/công nghệ/tin học, Giáo dục sức khỏe (môn học tích hợp), Toán, Nghệ thuật, tiếng Anh; lớp 10 học các môn chung gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, GD Công dân… HS lớp 11 và 12 học 3 môn học cơ bản bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 còn lại tự chọn các môn theo 2 bộ môn chuyên ngành hoặc tùy ý tự chọn 3 chủ đề thuộc các lĩnh vực nghề.

Trong khi đó TS Đỗ Xuân Hội, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), hiến kế nên triển khai các chủ đề hội tụ như chương trình dạy học và SGK của Pháp.

Theo TS Hội, các chủ đề hội tụ của giáo dục Pháp bao gồm 6 đề tài chung có tính thời sự và thể hiện mỗi liên hệ chặt chẽ với nhau như chủ đề Năng lượng, Môi trường và phát triển bền vững, Khí tượng học và khí hậu, Tầm quan trọng của tư tưởng thống kế trong cái nhìn khoa học về thế giới, Sức khỏe, An toàn. Các chủ đề này đã được đưa vào chương trình THCS. 6 chủ đề này cũng là phần học bắt buộc trong chương trình giảng dạy các môn học như Toán, Khoa học về sự sống và Trái đất, Vật lý- Hóa học, Công nghệ, Giáo dục thể chất và Thể thao, Lịch sử - Địa lý.

TS Hội lý giải, một số chủ đề hội tụ của Pháp cũng đã được trình bày trong các SGK của Việt Nam, tuy nhiên triển khai tùy tiện, thiếu hệ thống, theo ý kiến của từng nhóm tác giả sách, do không có một chỉ đạo chung, thiếu vắng ý thức và tầm quan trọng của việc “làm hội tụ”.

Chọn kiểu “tích hợp Việt Nam”

Theo TS Nguyễn Hồng Vân, Viện KHGD Việt Nam, sau năm 2015, cần tăng cường tích hợp trong nội bộ các môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 xây dựng hai môn học mới Khoa học và Công nghệ(dựa trên môn khoa học- công nghệ trong chương trình hiện hành) Tìm hiểu xã hội (trên cơ sở môn lịch sử,địa lý trong chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề mới) đối với hai lớp 4 và 5

Ở cấp THCS cần tăng cường tích hợp các nội bộ môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, GDCD..và xây dựng hai môn học mới: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Ở cấp THPT cần tích hợp các môn học và lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu…vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Đối với việc phân hóa, TS Vân cho rằng, có thể lựa chọn một số hình thức phân ban, phân ban kết hợp với tự chọn, tự chọn theo hướng học ít môn và cho HS tự chọn các môn học, chủ đề phù hợp với năng khiếu và khuynh hướng nghề nghiệp.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Trường ĐHSP TP.HCM nêu ý kiến cần chú trọng tích hợp tối đa ở các cấp học dưới và phân hóa các cấp học trên, nhất là các lớp cuối cấp. Việc thực hiện phân hóa nên chia thành hai giai đoạn theo kiểu “tú tài bán phần” và “tú tài toàn phần” trong giáo dục Việt Nam thời Pháp và Mỹ.

PGS.TS Nguyễn Lan Phương đề xuất, có thể lựa chọn các phương án như điều chỉnh cấp TH và THCS từ cấp phổ cập thành bắt buộc, THPT có thể chia thành hai giai đoạn định hướng và phân hóa sâu, hoặc khuyến khích khoảng 30% HS tốt nghiệp THCS, THPT chuyển sang đào tạo nghề, bổ sung chính thức các loại trường THPT kỹ thuật…

Quan trọng là giáo viên

Ý kiến của TS Vũ Thị Sơn ở Viện Nghiên cứu Sư phạm thuộc Trường ĐHSP Hà Nội cũng là băn khoăn của nhiều người: có thực hiện được tích hợp - phân hóa chương trình hay không còn phụ thuộc rất nhiều và chất lượng và trình độ tay nghề của giáo viên.

Vì vậy, giáo viên cần phải có các kĩ năng xác lập được mỗi liên hệ giữa mục tiêu, nội dung môn học chuyên ngành với mục tiêu, nội dung môn học khác trong chương trình, xác định mục tiêu tích hợp, kĩ năng xây dựng bộ cây hỏi, bài tập tích hợp, quản lý.

Có mặt tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, xét trong điều kiện hiện nay, các hướng dạy học tích hợp, dạy học phân hóa vẫn riêng lẻ là do việc thực hiện và đánh giá riêng lẻ và quá tải của nội dung. Sau năm 2015, việc dạy học này phải hợp với từng đối tượng học sinh, vùng miền cụ thể và đáp ứng được mục đích dạy học.

Cũng theo Thứ trưởng, trước đó vấn đề về dạy học tích hợp, dạy học phân hóa trong chương trình GDPT đã được đặt ra nhưng do đội ngũ GV chưa thực hiện được, nay phải thực hiện cho bằng được bằng cách xây dựng, soạn thảo chương trình, xây dựng đội ngũ GV cụ thể.

Theo VNN