Cả nước vẫn thiếu gần 23.000 giáo viên mầm non

26/12/2012 06:48
XT
(GDVN) - Theo báo cáo giải trình của Chính phủ, cả nước hiện còn thiếu khoảng gần 23.000 giáo viên mầm non, hiện vẫn còn 3,8% giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn nghề nghiệp.
Trong những năm qua, các chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non đã được cải thiện nhiều song chưa đồng đều giữa các vùng miền, điều đó phụ thuộc vào điều kiện KT - XH của từng địa phương.  
Mặc dù có nhiều cải tiến trong chính sách đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế, tuy nhiên các chính sách vẫn thể hiện nhiều bất cập. Điều này được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, đối với các giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được biên chế, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với các địa phương đề nghị cần có chủ trương trên tinh thần các chính sách cụ thể đã được Nhà nước và Chính phủ quyết, phải vận dụng trong điều kiện ngân sách của mình để hỗ trợ cho các nhà giáo.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong 3 năm qua các địa phương đã chi khoảng 840 tỷ đồng cho phát triển giáo dục mầm non, tuy nhiên vẫn thiếu trường lớp nghiêm trọng, số lớp ghép từ 2-3 độ tuổi ở các vùng dân tộc miền núi còn nhiều. Ở một số nơi vẫn còn tình trạng chênh lệch về thu nhập giữa giáo viên mầm non trong và ngoài biên chế, thậm chí một số địa phương như Quảng Trị, Quảng Nam… mức thu nhập của giáo viên mầm non còn thấp hơn mức lương tối thiểu.

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận chương trình SGK còn nặng và mang tính hàn lâm, điều đó đã gây khó khăn cho giáo viên và sự tiếp thu của học sinh. Chưa có chương trình chỉnh thể xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, không có tổng chủ biên chương trình. Hiện nay trong một số SGK còn xuất hiện nhiều thuật ngữ trừu tượng, ôm đồm, sự kiện, số liệu còn thiếu tính nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học. Việc này Bộ GD&ĐT sẽ tháo gỡ dần từ nay tới năm 2015.

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCSHCM về việc có phản ánh, hiện nay cứ mỗi dịp kiểm tra cuối kỳ của học sinh thường được điểm cao từ 9-10, với phổ điểm như vậy liệu có đánh giá và phân loại được học sinh? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, sắp tới bộ sẽ phải xem xét để tính toán trong lần thiết kế chương trình sắp tới, học và thi cử cần được cân đối “Chúng ta không nên bắt ép các cháu, cháu nào cũng phải thành thiên tài cả, như vậy là thiếu thực tế” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về mầm non và phổ thông, khẩn trương ban hành những văn bản còn thiếu và sửa đổi những văn bản không còn phù hợp. Chỉ đạo tốt các đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, đề án phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Tập rung chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng, thực chất, tránh nặng nề tốn kém. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tới đây, UBTVQH sẽ triển khai giám sát việc thực hiện  chính sách  Giáo dục phổ thông trên toàn quốc.
XT