Cà phê cuối năm với GS Võ Tòng Xuân

10/02/2013 07:00
Thanh Niên Online
Chiều 29 Tết, phóng viên đã có một buổi cà phê cuối năm với Giáo sư Võ Tòng Xuân cùng các bạn trẻ tại Bến Ninh Kiều, Cần Thơ.

Giáo sư Võ Tòng Xuân khoe, trong ngày hôm nay ông đã đi một vòng một số tỉnh miền Tây Nam bộ, từ Long An - nơi ông đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, vòng về Long Xuyên - nơi giáo sư đang gây dựng một trường Mẫu giáo quốc tế, và qua đến mảnh đất Tây Đô - nơi ông cùng các cộng sự gây dựng Trường ĐH Nam Cần Thơ.

Giáo sư Võ Tòng Xuân (thứ hai từ phải qua) cùng các cựu sinh viên khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ
Giáo sư Võ Tòng Xuân (thứ hai từ phải qua) cùng các cựu sinh viên khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ

Câu chuyện chiều cuối năm cứ lan man với việc ngày nay người nông dân miệt vườn ăn Tết ra sao. Nhiều bạn trẻ cứ tiếc nuối vì cùng với tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì theo đó phong vị Tết nhất cùng ngày càng mai một. Ví như, ngày xưa ai cũng nôn nao chờ đến Tết để được ăn dưa hấu, để được ngâm củ kiệu... Những cây trái đó bây giờ nông dân canh tác quanh năm nên chẳng mấy ai đợi đến Tết.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nói thêm: "Anh nông dân bây giờ thấy cái gì có lợi - dù biết là có lợi trước mắt - là họ làm liền, đôi khi rất cảm tính. Ví như vụ mùa cũng vậy. Ngày xưa, tháng này là xong mùa gặt, nhà nhà thảnh thơi ăn Tết, vui chơi. Nhưng nay, có nhà lại đang sạ lúa vụ mới. Có mấy khi cả xóm cùng ăn Tết như xưa. Phong tục ngày xưa cũng lần lần phai lợt đi".

Phóng viên nhờ giáo sư Võ Tòng Xuân tư vấn xem ngày Tết nên chọn đặc sản gì của xứ mình để ăn Tết? Giáo sư Xuân hóm hỉnh nói: "Thiệt tình mà nói thì dân mình hiện nay đang bơi giữa một biển thông tin quảng cáo. Tỷ như, họ biếu nhau gạo đặc sản Nàng Thơm Chợ Đào. Mà thiệt ra xứ Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An có 500ha đất canh tác. Lọt ra khỏi vùng đất đó là gạo hết thơm. Dân xứ đó trồng không đủ ăn lấy đâu mà bán. Tôi có xem thử gạo được quảng cáo hà rầm trên thị trường là Nàng thơm Chợ Đào, thật ra là pha một phần gạo Jasmine có mùi thơm và một phần gạo OM4900 cho có độ dẻo".

Giáo sư Xuân bật mí, ông tín nhiệm gạo ST20 của xứ Sóc Trăng, nếp thì nếp cái Hoa vàng ngoài Bắc. Giáo sư Xuân tiếc là nhiều loại nếp miền Tây nay đã mai một, không còn nữa như nếp Thủ Thừa, nếp than...

Một buổi tiệc chiều cuối năm với những cô cậu học trò khoa Nông nghiệp ngày xưa có cháo sò huyết, có thịt heo kho hột vịt, có cá lóc đồng nướng trui. Tất cả vật phẩm đều đánh bắt từ thiên nhiên mà ra chứ không nuôi trồng. Ai cũng mong, nông dân nhà mình ngày càng tập trung chế biến thực phẩm sạch. Giáo sư Xuân cho rằng, ông đau lòng nhất là sinh viên khoa Nông nghiệp khi ra trường lại đổ xô đi bán... thuốc bảo vệ thực vật, cũng như ở các thành phố lớn dược sĩ đi làm trình dược viên.

Giáo sư Xuân cho biết, ngày mồng 3 Tết ông sẽ có chuyến xuất hành đầu năm để dự một hội thảo ở Nhật Bản với nội dung bàn mô hình kinh doanh lớn có lợi cho nông dân.

Chia tay về đón giao thừa, Giáo sư Xuân gửi lời chúc đầu năm Quý Tỵ 2013 với người nông dân miền Tây Nam bộ là: Nông dân được làm giàu từ mảnh đất của mình và có sự trợ giúp để sản xuất ra dòng sản phẩm sạch hơn, ngon hơn.

>>Xem thêm: Ông tiến sĩ bán nhà làm giáo dục

Thanh Niên Online