Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 - 2014:

Các cấp học ở Việt Nam: Càng lên cao càng tụt hạng?

17/09/2013 07:21
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Mới đây, Diễn đàn kinh tế thế giới công bố bản báo cáo "Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013-2014" thực hiện với 148 nước. Kết quả xếp hạng các hạng mục lớn của báo cáo này cho thấy: Về chất lượng giáo dục phổ thông, đại học Việt Nam thua kém nhiều nước trong khu vực Châu á.
Theo bản báo cáo này, Việt Nam chỉ có giáo dục bậc tiểu học được đánh giá cao nhưng xếp hạng chỉ dựa vào tiêu chí như đưa Internet vào nhà trường, tỉ lệ đi học cao còn về chất lượng giáo dục lại thua kém nhiều nước, trong đó có cả Thái Lan và các nước khác trong khối Asean.

Liên quan tới chủ đề này, ông Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên VTV, ông Thạch cho biết: đúng là giáo dục tiểu học Việt Nam được thế giới công nhận là nền giáo dục cho số đông (Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học), đây là một thành công rất lớn và là một sự cố gắng của rất nhiều cấp, bộ ngành.

Tuy nhiên, việc phổ cập tiểu học mà có quy mô lớn như vậy, đưa trẻ ra trường đúng như vậy thì không nói lên chất lượng, chất lượng là việc khác.
Ông Thạch cho biết: Nói tới chất lượng, chúng ta phải tính tới mấy yếu tố. Thứ nhất là chương trình, chương trình có tốt không? Thứ hai là người thực hiện (giáo viên) có tốt không. Thứ ba là đầu tư thực về tài chính, cơ sở vật chất cho giáo dục tiểu học có tốt không, thì cả ba cái này chúng ta đều yếu. Giáo viên yếu, không đủ trình độ khả năng, người học không tiếp cận được với chương trình tiên tiến, tài chính đầu tư một phần, cơ sở vật chất thì chắp vá, rõ ràng chất lượng không tốt là đúng.
Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Theo bảng xếp hạng này các cấp học ở Việt Nam thì càng lên cao càng tụt hạng, nhất là giáo dục nghề nghiệp và đại học, với thực tế ở Việt Nam ông nhìn nhận thế nào về đánh giá này?TS Trịnh Ngọc Thạch: Nói là càng lên cao càng tụt hạng là nói tương đối chính xác, nhưng cũng không hoàn toàn như vậy. Tuy vậy, giáo dục trung học phổ thông trở xuống thì nhà nước quan tâm, nước nào cũng vậy. Riêng giáo dục đại học bậc cao là nhân dân tự lo, dùng học phí để đảm bảo chất lượng nhưng ngược lại phổ thông nhà nước đảm bảo chất lượng bằng kinh phí. Ở Việt Nam đúng là học sinh càng lên cao thì càng ít được quan tâm, gần như là tự thả nổi. Giáo dục đại học phần lớn là tự học bằng nhiều kênh, trong đó có kênh giáo viên, kênh xã hội thì sự thả lỏng trong giáo dục đại học dẫn đến chất lượng không được đảm bảo như mục tiêu. Ở cấp dưới chúng ta quản lí tốt hơn do có nhiều người quan tâm hơn, gia đình, nhà trường, các cấp quản lí. Nên đầu tư giáo dục đại học hiện nay ở ta là thấp (mức đầu tư/sinh viên), thấp hơn nhiều so với thế giới, nên chất lượng giáo dục đại học thấp cũng có lí do.Chúng ta đã đầu tư rất lớn vào giáo dục với 20% ngân sách quốc gia, nếu tính cả khoản đầu tư của gia đình, xã hội thì khoản này không phải là nhỏ. Thực tế cho thấy chưa có nước nào đầu tư nguồn ngân sách lớn như vậy cho giáo dục, nhưng tại sao chất lượng vẫn thấp?TS Trịnh Ngọc Thạch: Thứ nhất phải nói, không được đồng nhất giữa đầu tư với chất lượng, không được nói là đầu tư cao thì cho chất lượng cao. Câu chuyện ở Hà Nội có trường chất lượng cao, tức là đóng nhiều tiền để mua bàn đẹp, bảng đẹp, ghế đẹp, điều hòa đẹp nhưng chất lượng có cao không? Chất lượng cao là trình độ học vấn thực của người học và người dạy tương đương với một đẳng cấp nào đó (thế giới hay khu vực). Mặc dù chúng ta đầu tứ tới 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng đích thực chỉ có 5%, còn lại gia đình đầu tư  rất nhiều, xã hội đầu tư nhiều nhưng không có chất lượng cao vì trình độ của người học và trình độ của giáo viên. Hiện nay mới chỉ có từ 10-12% giảng viên đại học nói chung là trình độ tiến sĩ, phó giáo sư chỉ có 3%  trong đại học, giáo sư chỉ khoảng hơn 1%. Việc đầu tư của chúng ta như vậy là chưa ăn thua và chất lượng của chúng ta không được đánh giá là có lí do.Thưa ông hiện nay học sinh của chúng ta vẫn bị nói là học quá nặng, học quá nhiều nhưng kiến thức phổ thông lại yếu hơn so với học sinh của các nước trong khu vực và trên thế giới, theo ông nguyên nhân này là do đâu?TS Trịnh Ngọc Thạch: Chúng ta đang bắt đầu hội nhập với thế giới, chúng ta đang bị chếnh choáng trong việc tìm chuẩn kiến thức, cái gì chúng ta cũng muốn học theo thế giới thì giờ chọn cái nào, hiện nay ta chưa xây dựng được chuẩn kiến thức và chuẩn kĩ năng cho học sinh. Chúng ta nhìn ra thế giới cái gì cũng muốn học và học rất nhiều, học nặng, học sinh học toán để trở thành nhà toán học, học văn để trở thành nhà phê bình văn học, chúng ta vẫn hiểu như thế. Do đó chúng ta dạy kiến thức cho học sinh là để trở thành nhà khoa học chứ không dạy để cho thực hành, vì vốn chưa xây dựng được chuẩn nên chúng ta không biết làm từ đâu trở đi.Chúng ta vẫn tự hào người Việt Nam thông minh, học sinh học giỏi các môn tự nhiên, nhất là Toán, ông trong bảng xếp hạng thế giới chúng ta lại xếp vị trí rất thấp, ông nghĩ sao?TS Trịnh Ngọc Thạch: Nếu nói là toán thì không thể nói là khoa học tự nhiên, hai cái này khác nhau, không ai nói toán học là khoa học tự nhiên, mà toán học là khoa học về tư duy  trừu tượng. Người Việt Nam được đánh giá có khả năng về tư duy trừu tượng, còn khoa học tự nhiên hoàn toàn khác, đó là khoa học gắn với công nghệ, ứng dụng. Ứng dụng thì chúng ta yếu, thi Robocon với thế giới chúng ta yếu, nhưng thi toán thì chúng ta sánh được. Các giải vàng toán thì có nhưng các giải vàng về công nghệ thì không có, người Việt Nam nói tư duy trừu tượng tốt chứ không phải tư duy tự nhiên tốt. Tôi cho rằng Việt Nam phải bồi dưỡng trình độ công nghệ nhiều hơn, không cần lắm bồi dưỡng tư duy trừu tượng, ai có tài năng thực sự về trừu tượng thì phát huy còn không thì chuyển sang đào tạo nghề hay đào tạo công nghệ thì Việt Nam mới theo được thế giới, còn như hiện nay chúng ta chỉ mãi đào tạo ra con gà nòi, chỉ có giỏi về tư duy logic nhưng khi vào thực tiễn thì không làm được.Nên thay đổi tư duy từ phụ huynh, thực tế nhiều người nói học sinh học kiến thức nặng như vậy thì khi ra đời có áp dụng không, hay học để làm gì, nhiều vấn đề cơ bản nhưng học sinh không giải quyết được. Vấn đề cơ bản chúng ta cải cách rất nhiều trong sách giáo khoa để mang kiến thức thiết thực tiễn cho học sinh, nhưng bao lần cải cách vẫn chưa giúp được, theo ông có giải pháp nào cho việc này?
TS Trịnh Ngọc Thạch:
Vấn đề này đang nằm trong lỗi hệ thống, bản thân nền giáo dục của ta là nền giáo dục ứng thí (học để thi, thi để được điểm cao, điểm cao được khen), gia đình nào cũng muốn con mình được khen, nhưng cái cuối cùng ra để làm gì thì lại không quan tâm.
Gia đình cứ đầu tư cho con học từ phổ thông, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, bằng đó là để vinh danh mà thôi, nhưng ta lại quên mất bằng đó dùng để làm gì. Lỗi này là lỗi cả xã hội, Việt Nam mình đang trong giai đoạn cần bằng cấp hơn là cần việc, nên giải pháp theo tôi sửa lại hệ thống, đi thẳng vào nghề nghiệp. Xin cảm ơn ông.
“Tôi cũng rất buồn nhưng không ngạc nhiên, tiêu chí giáo dục đại học ở Việt Nam được đánh giá ở mức độ thấp. Việt Nam được xếp ở 1 trong 30 nước có mức độ cạnh tranh thấp (70/148 nước), riêng giáo dục đại học xếp thứ 90/148 nước.

Nói so sánh thì khó nhưng nếu chỉ so sánh bức tranh đó với các nước xung quanh ta, như 10 nước trong Asean thì chúng ta chỉ hơn 4 nước (Lào, Campuchia, Bruney, Myanma) và có khoảng cách khá xa đối với nước thứ 5.

Cái tôi còn băng khoăn khi xác định nhân lực là quan trọng trong sự phát triển đất nước làm thế nào đẩy được vị thế của mình lên, nếu không có gì đặc biệt thì mãi mãi chúng ta ở vị trí thứ 6 trong các nước Asean, chưa kể Asean cộng một số nước xung quanh”.

TS Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT.
Xuân Trung (ghi)