Các giáo sư, họ đi đâu cả rồi?

19/09/2013 08:14
TS Dương Xuân Thành
(GDVN) -Theo TS. Trịnh Ngọc Thạch, Phó CN UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “giáo dục ĐH hiện nay chỉ có từ 10-12% giảng viên trình độ tiến sĩ, phó giáo sư chỉ có 3%, giáo sư chỉ khoảng hơn 1%”
Ảnh chỉ mangt ính minh họa.
Ảnh chỉ mangt ính minh họa.

Ngày 11/9/2013, Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 - 2012  được tổ chức với sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Một trong những kết luận của Hội nghị là: 

“Xây dựng quy hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cầu, đảm bảo về chất lượng, phấn đấu đến năm học 2014-2015 phải chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học”.

Hồi đầu tháng 7/2013 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn một đoàn cán bộ về thăm và làm việc tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội (ĐHNNHN). Báo Giáo dục và Thời đại, cơ quan của Bộ GD&ĐT đưa tin: “Phó Thủ tướng yêu cầu nhà trường chọn ra một giảng viên xứng đáng để được công nhận chức danh Giáo sư. Trong 5 năm qua, trường có 28 giảng viên được công nhận hàm Phó giáo sư nhưng chưa có học hàm Giáo sư. Phấn đấu đào tạo sau ĐH tối thiểu trên 20% quy mô hiện tại, tăng số lượng giảng viên có học hàm tiến sĩ”.

Loại trừ sơ xuất nhỏ về “học hàm tiến sĩ”, các tin trên đều liên quan đến đối tượng giảng viên đại học. Ở diện rộng, cấp quốc gia là phải loại trừ tình trạng “đại học dạy đại học”. Còn ở diện hẹp, cụ thể là trường ĐHNNHN, phải xóa bỏ tình trạng 5 năm không thêm được Giáo sư nào.

Theo TS. Trịnh Ngọc Thạch, Phó CN UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng  của Quốc hội: “ giáo dục ĐH hiện nay chỉ có từ 10-12% giảng viên trình độ tiến sĩ, phó giáo sư chỉ có 3%, giáo sư chỉ khoảng hơn 1%” (giaoduc.net.vn ngày 17/09/2013). 

Như vậy nếu một trường số GS chiếm 5% thì kéo theo 4 trường khác “trắng” không có GS nào. Thực ra thì tình trạng “trắng” GS có thể tìm thấy khắp nơi, ví dụ ngày 17/9/2013 tra cứu thông tin ba công khai của ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận được số liệu: “65% giảng viên có trình độ trên đại học, 5% có trình độ Tiến sĩ”, không thấy ghi có một GS hoặc PGS nào. Còn ĐH Ngoại Thương Hà Nội cũng chỉ có duy nhất 01 GS.

Không nói tới các trường mới nâng cấp như ĐH Công Nghiệp Hà Nội, ĐH Sư Phạm Kỹ thuật Hưng Yên…, với ĐHNNHN sau gần 60 năm xây dựng, được xếp là trường trọng điểm quốc gia, mỗi năm tuyển tới 8.000 sinh viên, vì sao ngôi trường anh hùng này hiếm Giáo sư  trong biên chế cơ hữu như vậy? (ở độ tuổi 60, chỉ còn 02 GS là Đỗ Kim Chung sinh 1956 và Nguyễn Văn Đĩnh sinh 1953).

Các Giáo sư , họ đi đâu cả rồi?

Người ngoài, chắc chắn khó mà lý giải điều gì đang xảy ra ở ngôi trường có bề dày truyền thống này, còn người trong cuộc hẳn có nhiều lý do để “khó nói”. Hy vọng bài viết này sẽ là một vị thuốc đắng, một lời nói thật, dẫu có làm mất lòng ai đó thì cũng chỉ là để cho ngôi trường đáng kính này mãi mãi giữ được hình ảnh đẹp trong lòng các thế hệ cán bộ, sinh viên.

ĐHNNHN là một trong số ít trường đầu tiên mà nền Giáo dục cách mạng Việt Nam tạo dựng. Trường đã được tặng tất cả các danh hiệu cao quý nhất của nhà nước: Huân Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì ba; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng, Danh hiệu Anh hùng lao động… 

Nhà nước năm nào cũng có các đợt xét duyệt và phong học hàm GS, PGS vậy mà nhiều năm qua ĐHNNHN không có người nào được công nhận GS. Sự thật “tưởng như đùa”  này không phải là lỗi của hôm nay, nó bắt nguồn từ vài chục năm trước. Theo thứ tự thời gian, xin kể vài câu chuyện liên quan đến công tác cán bộ, hy vọng nó sẽ giải thích được phần nào câu hỏi “các Giáo sư,  họ đi đâu cả rồi” nêu trên. 

Truyện thứ nhất: Hơn 20 năm trước, vào khoảng năm 1990, có một vị Phó tiến sĩ (PTS) nhận quyết định của Bộ về ĐHNNHN công tác. Ông vốn là giảng viên đại học được cử đi nghiên cứu và bảo vệ luận án PTS tại châu Âu, nguyện vọng của ông là về làm giảng viên khoa Cơ Điện. Thời bấy giờ, chỉ tiêu biên chế và đăng ký hộ khẩu thường trú là vô cùng khó khăn nhưng nó đã được Bộ giải quyết.

Nộp hồ sơ và quyết định của Bộ, chờ mãi vị PTS nọ vẫn không được phân công về bộ môn giảng dạy. Là người mới về trường, chưa quen biết ai và cũng  “chưa kịp” mâu thuẫn với bất kỳ ai, tại sao nguyện vọng làm “thợ dạy” lại khó khăn đến thế? Sau nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo, cuối cùng ông đành phải “vui vẻ” với công tác bàn giấy tại Phòng Khoa học.

Ít lâu sau, một vị GS lãnh đạo trường (lúc đó là PGS), trong một lần tâm sự mới nói thật: “vì chú là PTS nên tôi không thể nhận chú về bộ môn được, nếu chú là kỹ sư tôi nhận chú được ngay”. Qua tìm hiểu hóa ra vị phó ở bộ môn nọ chỉ mới là kỹ sư nên bộ môn không thể nhận thêm PTS. 

Truyện thứ hai: Thầy Nguyễn Đình Hiền là thầy dạy từ khóa 1 của trường, tuổi thầy đã vượt cái ngưỡng “xưa nay hiếm”. Gần đây thầy vẫn đi xe bus đến trường giảng dạy cho các lớp cao học. Lớp trẻ trong bộ môn hỏi sao thầy không làm đặc cách phó giáo sư, thầy cười vì không thích “đặc cách”.

Kỷ niệm thành lập trường, thầy được “đặc cách” mời tham dự, lãnh đạo trường giới thiệu bảy tám khách mời là cựu sinh viên khóa 1 của trường, chỉ có thầy dạy khóa 1 là “quên” không giới thiệu. Về bộ môn uống nước, thầy bảo “dạy khóa 1 chỉ còn lại vài người, thế mà họ quên mình”.

Kể cũng lạ, họ “quên” thầy sao còn mời thầy đến dự? Thực ra khi nghỉ hưu, thầy vẫn chỉ là “thầy giáo”, không học hàm, học vị, có lẽ vì thế nên “khó” cho người giới thiệu? Những thế hệ thạc sĩ, tiến sĩ ở ĐHNNHN mấy ai không đọc giáo trình thầy viết, nhiều người còn được thầy trực tiếp giảng dạy.

Học trò của thầy ở lại trường công tác, có người không có một giờ giảng dạy, chỉ làm công tác đảng, đoàn vẫn nghiễm nhiên là giảng viên cao cấp. Nghe nói gần đây, sau nhiều cố gắng (hay là do bị dư luận?) nhà trường đã mua tặng thầy một cái máy tính xách tay để thầy soạn bài dậy cho cao học. Chuyện ấy trôi qua cũng được một hai năm rồi, chẳng mấy ai biết ngoại trừ các đồng nghiệp cùng bộ môn với thầy. 

Truyện thứ ba là ở khoa Công nghệ Thông tin. Từ ngày thành lập đến nay, lãnh đạo khoa luôn là người từ các ngành khác điều đến. Hiện nay Trưởng khoa là một giảng viên ngành Đất và Môi trường, phó khoa là một giảng viên Vật lý, cả hai vị tiến sĩ này chắc là rất thành thạo Tin học văn phòng nên mới được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm lãnh đạo khoa Công nghệ Thông tin.

Chỉ có điều trong khoa có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành Công nghệ Thông tin, là đảng viên, lại được đào tạo tại châu Âu (Pháp, Bỉ…), tuổi đời cũng xấp xỉ bốn mươi nhưng không ai đủ “tiêu chuẩn” lãnh đạo nên trường phải đưa Đất Môi trường lên lãnh đạo. Nghe nói đầu tháng 9 vừa qua cuối cùng thì cũng có một giảng viên trẻ, đúng chuyên ngành được đề bạt làm phó khoa, dẫu muộn mằn, dù sao cũng là điều đáng mừng.

Kể ra thì còn khối chuyện “hay” hơn nữa, nhưng mà xin tạm dừng. Cổ nhân có câu: “không nằm trong chăn sao biết chăn có rận”. Chăn không có rận hoặc là rất sạch, hoặc là rận sợ, không dám ở trong chăn. 

Trở lại chuyện Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm ĐHNNHN, báo nongnghiep.vn ngày 3/7/2013 viết: “theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám (Bộ NN-PTNT) do công trình xây dựng cơ bản, quy định ngân sách và tài chính không cho phép Bộ NN-PTNT phân bổ ngân sách cho các đơn vị ngoài Bộ nên vấn đề này phải do đơn vị chủ quản của nhà trường là Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm triển khai”. Hóa ra khái niệm “đơn vị chủ quản” lại có ý nghĩa sâu sắc đến như vậy.

Sau ý kiến của Phó Thủ tướng, ai sẽ được chọn để trở thành vị giáo sư “mới” của trường ở thời điểm hiện tại? 

Muốn mở một ngành đào tạo trình độ đại học phải có tối thiểu 01 tiến sĩ và 03 thạc sĩ, đây là quy định trong điều lệ trường đại học. Muốn là trường trọng điểm quốc gia, phải có giáo sư, điều này tuy không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định nhưng “cái lý” nó phải thế.  Việc lựa chọn, bầu bán giáo sư ở ĐHNNHN không thể ngày một ngày hai là xong vì ở đây vốn có nhiều nhân tài xuất chúng trong khi gợi ý của Phó thủ tướng là chỉ chọn một mà thôi.

Việc bầu GS theo kiểu “truyền thống” của trường không hiểu sẽ đi đến đâu. Giả sử có bầu được một GS đi nữa thì cũng chỉ như muối bỏ biển vì ĐHNNHN hiện nay có tới 3 vạn sinh viên, với khoảng 600 cán bộ giảng dạy.  Có lẽ phương án tốt nhất, nhanh nhất là ĐHNNHN nên kiến nghị Bộ GD&ĐT đòi lại cho một ít GS đã “chuyển giao” cho các bộ ngành khác, nhất là những người đã chuyển sang cho ngành Nông nghiệp.

 Vì sao lại đòi, vì Giáo sư, theo truyền thống của các nước có nền giáo dục phát triển là “đặc sản’ của các trường đại học và đương nhiên Bộ chủ quản của họ phải là Bộ GD&ĐT chứ không phải các bộ khác. Chuyển giao rất nhiều GS theo tinh thần hợp tác nhưng không được “lại quả” đồng nào vì cơ chế “bộ chủ quản”, tội gì không đòi?

Có một chuyện không phải dân gian vì chỉ được truyền khẩu trong phạm vi nhà trường nên tạm gọi là “trường gian” kể về sinh viên nhà trường đi thi “Rung chuông vàng”, theo kịch bản mà vị cán bộ nọ biên soạn, các sinh viên thực hiện ba động tác “chui, bò, quỳ” đố đội bạn giải đáp đó là gì.

Đội bạn thua tâm phục,  khẩu phục và đề nghị giải thích. Đáp án là từ trung tâm Thủ đô, muốn đến ĐHNNHN, bạn phải lần lượt “chui, bò, quỳ” nghĩa là phải đi qua ba địa danh: “Cầu Chui”, “Cây đa nhà Bò” và “Trâu Quỳ”. Với sự siêu việt như thế, bao giờ ĐHNNHN mới có đủ GS cho sự nghiệp đào tạo nhân tài ngành Nông nghiệp? 

Truyện của thầy giáo già khiến cho người viết nhớ đến câu văn trong truyện ngắn “con chim cu gáy” của Puskin: “có một con cu gáy đậu trên cành cây khô, nó cất tiếng gáy trầm buồn trong một chiều hoàng hôn đang xuống: Cúc cu, cuộc sống đẹp vô cùng, bạn đời ơi, hãy sống đi, hãy yêu đi, còn tôi, tôi chỉ có một mình, cúc cu, cúc cu…”
Tài liệu tham khảo:

[1]http://gdtd.vn/channel/3005/201307/truong-dh-nong-nghiep-hn-can-dau-tu-cho-co-so-vat-chat-1970545/

[2] http://haui.edu.vn/media/23/uftai-ve-tai-day23181.pdf

[3] http://www2.ftu.edu.vn/index.php/vi/tin-tuc/congkhai/163-bao-cao-cac-noi-dung-thuc-hien-quy-che-cong-khai-theo-quy-dinh-cua-thong-tu-092009tt-bgddt
TS Dương Xuân Thành