Các Sở Giáo dục cả nước nên học tập Đà Nẵng

30/10/2017 06:20
Đỗ Quyên
(GDVN) - Các địa phương hãy vì con em của chúng ta mà học tập Đà Nẵng mạnh dạn bỏ hẳn những cuộc thi gây áp lực thành tích cho giáo viên và học sinh.

LTS: Tiếp tục bàn về việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh như hiện nay, cô giáo Đỗ Quyên đã đưa ra những phân tích và quan điểm về vấn đề này.

Theo đó, cô Quyên cũng thẳng thắn cho rằng, các cuộc thi tạo áp lực cho giáo viên và học sinh là đúng. Còn với nhà trường lại chưa hẳn thế.  

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều cuộc thi học sinh giỏi ở các trường học hiện nay không đơn thuần là tìm kiếm những nhân tố có khả năng đặc biệt để bổ sung vào đội tuyển tham dự các cuộc thi lớn hơn mà nó phải gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm.

Có danh hiệu cho bản thân để xét vào trường điểm, mang vinh quang về cho trường để giữ thương hiệu, mang thành tích về cho giáo viên để đổi lấy danh tiếng và sáng kiến kinh nghiệm.

Bởi thế, những cuộc thi này thường tạo ra áp lực cạnh tranh không hề nhỏ giữa các cá nhân, các giáo viên, các trường thậm chí các địa phương với nhau.

Giáo viên đôn đáo, tất tả lập đội tuyển, luyện "gà chọi", còn học sinh quay cuồng hết cuộc thi này đến cuộc thi khác mà bỏ bê việc học. Không ít phụ huynh cũng tất bật lo toan tiền bạc để con được ôn luyện.

Các Sở Giáo dục cả nước nên học tập Đà Nẵng ảnh 1

Ngành giáo dục chỉ nên tổ chức các cuộc thi, hội thi gì?

Dư luận lên tiếng về sự quá tải của các cuộc thi học sinh giỏi hiện nay và hệ quả mang lại đằng sau đó, vào tháng 12/2016 Công văn số 6254/BGDĐT-GDTrH về việc rà soát lại các cuộc thi do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kí được gửi tới Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo.

Công văn nêu rõ, mục tiêu của việc rà soát là loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực với học sinh, giáo viên và các nhà trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, gây băn khoăn cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Nội dung công văn chỉ nêu rằng, rà soát để “loại bỏ những cuộc thi không thiết thực, tạo áp lực với học sinh, giáo viên và các nhà trường…” mà không nêu tên đích danh cuộc thi nào.

Thế nên. hầu như các địa phương vẫn không có động thái gì, các cuộc thi học sinh giỏi vẫn diễn ra bình thường như từ trước đến nay.

Những cuộc thi mang tên “Thi học sinh giỏi” và nỗi nhọc nhằn của người tham gia

Có thể kể ra tên của các cuộc thi như: thi Violimpic Toán, tiếng Anh trên mạng, thi giải truyền thống gồm nhiều môn (Toán, tiếng Anh, Văn, Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục công dân), thi giải tin học trẻ không chuyên, giải toán trên máy tính cầm tay… những cuộc thi này đều trải qua 4 cấp (trường, huyện thị, tỉnh đôi khi là quốc gia).

Nếu như giáo viên cấp 2, 3 khi ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi thường được nhà trường tính bằng tiết dạy phụ trội, mỗi tiết từ 40-50 ngàn đồng, một tháng tiền bồi dưỡng nhận được cũng đủ tiền xăng xe, nước uống.

Thầy cô cũng hướng dẫn thêm để cho các em lên mạng tự giải bằng cách nạp tiền vào thẻ để vào vòng hướng dẫn luyện.

Một phụ huynh nói “tuy tốn một khoản tiền nhưng vẫn đỡ mất công chở đi đón về trong các lò luyện tại gia vì đôi khi ba mẹ cũng bận đi làm.

Riêng giáo viên tiểu học lại chẳng có một đồng tiền bồi dưỡng khi luyện thi cho các em. Ngoài tiết dạy chuẩn 23 tiết/tuần, thầy cô phải ở lại thêm mỗi tuần 2 tiết cùng học trò ôn luyện.

Thế nên, nói các cuộc thi tạo áp lực cho giáo viên và học sinh là đúng. Còn với nhà trường lại chưa hẳn thế. Bởi không ít trường nhờ vào những cuộc thi như thế này mà nổi tiếng đó sao.

Vì điều này, nhiều trường học càng tỏ ra ráo riết phát động các cuộc thi một cách rầm rộ. Người ta đưa chỉ tiêu số lượng học sinh tham gia dự thi từng cấp vào xét thi đua cho giáo viên. Tổ chức phát thưởng, tôn vinh những giáo viên có học sinh đạt giải…

Sự lập lờ khó hiểu của Công văn 1915/BGDĐT-GDTrH

Sau nửa năm rà soát để tìm ra những cuộc thi không cần thiết tạo áp lực lớn cho giáo viên và học sinh thì đầu tháng 5/2017 Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH về việc tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông.

Mặc dù, thời điểm này đã vào cuối năm học nhưng sự ra đời của công văn 1915/BGDĐT-GDTrH giống như làn gió mát giữa trưa hè oi bức. Ai cũng vui mừng phấn khởi vì từ này sẽ được “cởi trói” thật sự.

Các em học sinh tham gia cuộc thi giải toán qua mạng - violimpic (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn).
Các em học sinh tham gia cuộc thi giải toán qua mạng - violimpic (Ảnh minh họa: baogialai.com.vn).

Công văn nêu rõ “Sở Giáo dục Đào tạo chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh; không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.

Hình thức tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; giáo viên và học sinh được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí; khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia.

Trường hợp tổ chức thi trực tuyến phải có giải pháp đảm bảo mỗi giáo viên, học sinh có duy nhất 01 tài khoản do nhà trường xác nhận và quản lí để dự thi…”.

Đọc kĩ công văn, niềm vui mừng đã bị thay thế bằng nỗi thất vọng, bởi sau gần nửa năm kể từ khi ra đời của Công văn số 6254/BGDĐT-GDTrH về việc rà soát lại các cuộc thi thì nay tên cuộc thi sẽ tinh giản cũng chưa được xướng lên.

Vẫn cái giọng lấp lửng, nước đôi vì không ai có thể hiểu được cuộc thi nào sẽ nằm trong diện tinh giản, cuộc thi nào vẫn diễn ra tiếp tục?

Các Sở Giáo dục cả nước nên học tập Đà Nẵng ảnh 3

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ có "khẩu dụ“ dừng thi Toán, tiếng Anh qua mạng?

Công văn nói rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉ giữ lại một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh…

Nói như thế thì cuộc thi nào chẳng gắn liền với những hoạt động dạy và học như thế?

"Nay khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Trường hợp tổ chức thi trực tuyến phải có giải pháp đảm bảo mỗi giáo viên, học sinh có duy nhất 01 tài khoản do nhà trường xác nhận và quản lí để dự thi”. 

Theo Công văn này, nhiều người đồ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như vẫn muốn giữ lại hai cuộc thi được xem là đình đám nhất hiện nay là giải Toán qua mạng (Violimpic) và thi tiếng Anh qua Internet (IOE).

Mới đây, trong một bài trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Vietnamnet ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

"Bộ sẽ không ban hành các văn bản hướng dẫn mang tính chỉ đạo các địa phương phải thi hay tổ chức mà để các cuộc thi đúng nghĩa là sân chơi cho các em.

Các đơn vị vẫn có thể tổ chức các sân chơi trên mạng khi cuộc thi đó thực sự thu hút được đông đảo học sinh tham gia thì Bộ muốn cũng không dừng được. Bản thân học sinh nếu muốn thì tham gia.

Việc tạm dừng chỉ về phía Bộ, còn các cuộc thi diễn ra hay không thì Bộ không hề ngăn cấm”.

Nói thế cũng bằng không!

Trong khi đó Công văn 1915/BGDĐT-GDTrH lại nêu rõ: “Hình thức tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; giáo viên và học sinh được tham gia một cách tự nguyện…”.

Chúng ta có lẽ cũng đã được nghe nhiều từ “tự nguyện”. Đơn cử như việc đóng góp tự nguyện nhưng lạm thu xảy ra tràn lan đó sao? Học thêm tự nguyện nhưng đơn đăng kí đi học lại do chính giáo viên thảo sẵn…

Nay tổ chức thi học sinh giỏi tự nguyện, vậy ai sẽ là người kiểm soát đó thực chất là hoàn toàn tự nguyện hay tự nguyện trên tinh thần bắt buộc?

Các địa phương còn chờ đợi gì nữa?

Thế là đã rõ, quan điểm của Bộ “không hề ngăn cấm” và không ban hành các văn bản hướng dẫn mang tính chỉ đạo các địa phương phải thi hay tổ chức…”. Thế nên, các Sở Giáo dục đừng lấy lý do chờ công văn chỉ đạo tiếp theo của Bộ mới đưa ra quyết định dừng thi hay bỏ hẳn.

Các Sở Giáo dục cả nước nên học tập Đà Nẵng ảnh 4

Chờ Bộ quá lâu, Đà Nẵng dừng cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay

Mới đây, ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, địa phương này sẽ quyết định dừng cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định thi đi chăng nữa thì Đà Nẵng vẫn dừng và không tham gia.

Theo đó, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tinh giảm các cuộc thi trong nhà trường như dự thảo kế hoạch đã bàn thảo.

“Chúng ta không tổ chức dạy, bồi dưỡng môn thi giải toán trên máy tính cầm tay ở trường, Sở. Nhưng nếu phụ huynh đăng ký cho học sinh đi thi thì chúng ta vẫn đồng ý. Đây là cuộc chơi của các em nên chúng ta không ngăn cản.

Theo đó, sẽ chuyển đổi theo hình thức câu lạc bộ. Các em tự đi thi nhưng khi đạt giải cao thì chúng ta vẫn khen thưởng”.

Các địa phương hãy vì con em của chúng ta mà học tập Đà Nẵng mạnh dạn bỏ hẳn những cuộc thi gây áp lực thành tích cho giáo viên và học sinh, chỉ khuyến khích các em tự học, tự thi và khi có giải vẫn trao thưởng và ghi nhận những thành tích ấy.

Có thế, chúng ta vừa giảm được áp lực chạy đua vì thành tích, vừa tìm được nhân tố tiềm năng thật sự.

Tài liệu tham khảo:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tranh-luan-viec-tam-dung-cac-cuoc-thi-giai-toan-tieng-anh-qua-mang-393823.html

Đỗ Quyên