Các trường song bằng biết rõ việc dừng tuyển từ đầu, vì sao vẫn giấu phụ huynh?

24/04/2021 06:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tất cả các nhà trường đã được nghiên cứu kỹ. Theo lộ trình, năm học này dừng tuyển sinh lớp 6, chỉ dạy tiếp từ lớp 7 chứ không phải là các trường không biết.

Về việc các trường trung học cơ sở tại Hà Nội dừng tuyển sinh học sinh lớp 6 vào học chương trình song bằng năm học 2021-2022, ngày 23/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí để thông tin chính thức về vấn đề này. Chủ trì cuộc trao đổi là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – ông Phạm Xuân Tiến.

Năm học 2021-2022, Hà Nội dừng tuyển học sinh lớp 6 chương trình song bằng

Theo đó Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Căn cứ Quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 8/6/2018 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án “Thí điểm chương trình đào tạo song bằng trung học cơ sở Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội” (gọi tắt là Đề án), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học cơ sở triển khai thực hiện theo đúng các nội dung Đề án.

Thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định 2830, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tiến hành hội nghị với các trường triển khai Đề án, nghe các trường trung học cơ sở tham gia Đề án báo cáo quá trình triển khai thực hiện, đồng thời rà soát các nhiệm vụ theo tiến trình thời gian được quy định trong Đề án.

Kết quả rà soát về nhiệm vụ công tác tuyển sinh vào lớp 6 chương trình song bằng theo tiến trình thời gian được quy định trong Đề án cụ thể như sau:

“Đề án thí điểm trong 6 năm:

Năm học 2018-2019: tuyển sinh mới lớp 6;

Năm học 2019-2020: tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7;

Năm học 2020-2021: tuyển sinh mới lớp 6 và dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8;

Năm học 2021-2022: dạy tiếp học sinh được lên lớp 7,8,9. Không tuyển mới học sinh lớp 6;

Năm học 2022-2023: dạy tiếp học sinh được lên lớp 8,9;

Năm học 2023-2024: dạy tiếp học sinh được lên lớp 9 và đánh giá toàn bộ Đề án”.

Với kết quả rà soát về nhiệm vụ công các tuyển sinh vào lớp 6 chương trình song bằng như trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường không tuyển mới học sinh lớp 6 chương trình đào tạo song bằng IGCSE tại các trường trung học cơ sở tham gia Đề án từ năm học 2021-2022 theo tiến trình thời gian quy định trong Đề án.

Theo lộ trình của Đề án, đến năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ phối hợp với các Sở, ngành tiến hành đánh giá toàn bộ Đề án. Trên cơ sở đánh giá kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; bài học kinh nghiệm… Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các Sở, ngành liên quan, tham mưu với Thành phố, Bộ Giáo dục và đào tạo về kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Rõ ràng lộ trình đề án là như vậy tuy nhiên, trong hướng dẫn tổ chức tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội vào ngày 13/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn nêu tuyển sinh chương trình này ở lớp 6 khiến phụ huynh bất ngờ.

Chủ trì cuộc trao đổi là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – Phạm Xuân Tiến (ngồi giữa)

Chủ trì cuộc trao đổi là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – Phạm Xuân Tiến (ngồi giữa)

Ông Phạm Xuân Tiến cho biết hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp là hướng dẫn chung. Còn việc tuyển sinh song bằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải chờ ý kiến của thành phố đồng ý mới thông báo riêng.

Lộ trình Đề án chưa được thông tin rộng rãi nên phụ huynh chưa nắm được rõ

Trước khẳng định này lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi Đề án do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng, Hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2021-2022 cũng do Sở ban hành, vậy tại sao, biết lộ trình như vậy mà Sở vẫn đưa nội dung tuyển sinh vào lớp 6 chương trình song bằng trong hướng dẫn? Hiện phụ huynh, học sinh đã chuẩn bị tâm thế để học tập, ôn luyện thi vào chương trình song bằng. Giờ không thực hiện tuyển sinh chương trình này thì ai là người chịu trách nhiệm?”.

Câu hỏi này được ông Phạm Xuân Tiến trả lời rằng: “Khi triển khai Đề án, tất cả các nhà trường đã được nghiên cứu kỹ. Theo lộ trình, năm học này dừng tuyển sinh lớp 6, chỉ dạy tiếp từ lớp 7 chứ không phải là các trường không biết việc này. Có thể cũng do thông tin từ Sở cũng như các phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chưa được rộng rãi nên phụ huynh chưa nắm được rõ”.

Câu trả lời của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không giải đáp được thắc mắc của dư luận, bởi lẽ nếu đúng như lời ông Tiến khẳng định, Sở biết, phòng biết, các trường biết ngay từ đầu rằng năm học 2021-2022 dừng tuyển sinh thì vì sao các trường vẫn đăng ký chỉ tiêu song bằng lớp 6, vẫn thông báo với phụ huynh là sẽ tuyển sinh?

Hơn nữa, nếu Đề án được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt ghi rõ năm học 2021-2022 dừng tuyển sinh lớp 6 song bằng, vì sao Sở còn phải "chờ xin ý kiến thành phố" mới thông báo cho phụ huynh khi chỉ còn 2 tháng là tới kỳ thi, làm nhiều trường, nhiều phụ huynh trở tay không kịp?

Về băn khoăn nhiều phụ huynh học sinh lớp 5 đã chuẩn bị cho con học tập, rèn luyện trong thời gian dài để thi tuyển sinh học chương trình song bằng, nay lại đột ngột dừng tuyển sinh, ông Phạm Xuân Tiến bày tỏ lấy làm tiếc khi thông tin về Đề án chưa được công bố rộng rãi trước đó.

Theo ông Tiến, học sinh mong muốn học chương trình song bằng có thể đăng ký vào trường ngoài công lập hoặc quốc tế. Trong nhóm bảy trường triển khai đề án, Trung học cơ sở Thanh Xuân và Trung học cơ sở Cầu Giấy đã được công nhận đạt tiêu chí chất lượng cao và có thể chủ động xây dựng đề án để thực hiện tiếp chương trình này. Nếu Ủy ban nhân dân quận, huyện đồng ý cho triển khai, các trường này sẽ được tuyển sinh lớp 6 hệ song bằng.

Trước ý kiến băn khoăn về việc dừng đề án thì bố trí đội ngũ giáo viên và các điều kiện cơ sở vật chất đã đầu tư được thực hiện ra sao, có ảnh hưởng gì không, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, các điều kiện cơ sở vật chất đều được thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, giáo viên là hợp đồng nên không ảnh hưởng.

Về việc nhiều phụ huynh lo lắng khi trên địa bàn Thành phố Hà Nội chỉ có 2 trường trung học phổ thông công lập là trung học phổ thông Chu Văn An và trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam với chỉ tiêu song bằng hằng năm là 100 (mỗi trường 50 em), trong khi số học sinh hoàn thành chương trình này ở 7 trường trung học cơ sở là 350 em thì Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở cũng đã tính toán phương án.

“Trước hết, chúng tôi khẳng định học sinh học chương trình song bằng này được học đủ và đảm bảo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chương trình Cambridge của Anh. Những nội dung kiến thức trùng giữa 2 chương trình sẽ được tích hợp để tránh việc các em học một nội dung ở hai chương trình. Vì vậy, khi kết thúc chương trình học lớp 9, học sinh sẽ hoàn thành cả 2 chương trình.

Do đó, cơ hội để các em lựa chọn vào các trường trung học phổ thông là rất rộng, các em có thể học theo chương trình trung học phổ thông bình thường của Bộ mà cũng có thể học theo chương trình Cambridge ở các trường quốc tế; hoặc vẫn có thể theo học các chương trình song bằng ở các trường trung học phổ thông Chu Văn An, trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam,...

Hoặc cũng có thể học ở các trường tư thục có đào tạo theo hệ Cambridge hoặc theo chương trình nước ngoài như Trung học cơ sở - trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, Trường Phổ thông song ngữ WellSpring, Trường Phổ thông liên cấp Olympia,...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tính toán việc tăng số lớp song bằng ở trường trung học phổ thông Chu Văn An và chuyên Hà Nội - Amsterdam, đồng thời mở rộng số trường trung học phổ thông được đào tạo chương trình song bằng trong năm học tới, đảm bảo tỷ lệ học sinh học song bằng ở bậc trung học cơ sở đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập đào tạo song bằng đạt 60%, tương tự tỷ lệ học sinh sẽ trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập bình thường", ông Tiến nói.

Phát biểu của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có vẻ trái ngược với nhận định của một vị Trưởng phòng giáo dục tham dự cuộc họp ngày 20/4 rằng, nếu học sinh cấp 2 song bằng thi trượt lớp 10 song bằng sẽ "rất khó hòa nhập" vào các trường bình thường khác.

Từ năm học 2018-2019, Hà Nội thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại 7 trường Trung học cơ sở gồm: Chu Văn An, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên, Thanh Xuân và hệ Trung học cơ sở của trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Mỗi trường tuyển hai lớp với 50 học sinh.

Để trúng tuyển, học sinh phải vượt qua bài thi tiếng Anh và Toán bằng tiếng Anh. Sau khi hoàn thành bậc trung học cơ sở song bằng, học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, đạt trình độ tiếng Anh B1, có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác.

Thùy Linh