Cách mạng 4.0 đang hiện hữu tại ngôi trường xa nhất tỉnh Bình Thuận

31/03/2020 08:09
Bài và ảnh: Lê Quang Trọng
(GDVN) - Trong mùa dịch bệnh Covid-19, học sinh Trường Ngô Quyền vẫn học tập đều đặn thông qua các tiết học trực tuyến trên nền tảng các công cụ dạy học hiện đại.

Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (đảo Phú Quý) là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được Microsoft cấp quyền tự tạo và quản trị hệ thống Office 365 Education cho nội bộ trường với 10.000 tài khoản được cho phép. Dung lượng lưu trữ đám mây cho mỗi tài khoản là 1024 GB (1 TB). 

Bên cạnh tài khoản lưu trữ đám mây dung lượng lớn do Microsoft cấp, tất cả giáo viên nhà trường còn được sở hữu 01 tài khoản lưu trữ đám mây không giới hạn dung lượng của Google.

Chia sẻ ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên trường, ảnh: Lê Quang Trọng.
Chia sẻ ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên trường, ảnh: Lê Quang Trọng.

Với tiền đề đó, tất cả giáo viên và học sinh toàn trường đang được trải nghiệm một hệ sinh thái phong phú, chuyên nghiệp cho công việc quản trị nhà trường và tổ chức hoạt động dạy-học.

Cùng với sự nỗ lực của tập thể nhà trường, việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy và quản lý từ những bước đầu khó khăn đã dần được cải thiện và đi vào quy củ.

Học sinh được hướng dẫn, tổ chức học tập, cộng tác trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Hệ thống sổ sách nhà trường từ ngày thành lập đã được số hoá qua ứng dụng Onenote.

Nhờ đó, dù ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại kết nối internet, mọi thành viên đều có thể truy xuất dữ liệu của cá nhân mình và nhà trường từ những năm trước một cách dễ dàng.

Các loại sổ sách nhà trường như báo giảng, sổ chủ nhiệm, sổ quản lý thiết bị,… trước kia phải thiết lập và lưu trữ thủ công, khó khăn trích xuất và tham khảo thì nay đã được số hoá để giáo viên có thể thao tác ở bất kỳ không gian nào.

Hệ thống phòng học toàn trường được gắn tivi màn hình lớn, kết nối internet và camera an ninh.

Học sinh được sử dụng điện thoại để tham gia học tập theo yêu cầu của giáo viên và được tài trợ gói dữ liệu 4G với lưu lượng cao, chi phí rất thấp.

Chính những chuyển động tích cực về công nghệ trong dạy học nói trên, ngay trong khi dịch bệnh nguy hiểm Covid-19 tiếp tục lan rộng, nhà trường vẫn luôn chủ động trong các khâu liên lạc và tổ chức dạy học.

Lớp học cùng công nghệ, ảnh: Lê Quang Trọng.
Lớp học cùng công nghệ, ảnh: Lê Quang Trọng.

Với ứng dụng Microsoft Team, nhà trường đã tổ chức hội họp, tập huấn trực tuyến và hiện nay đang tổ chức dạy học cho học sinh toàn trường.

Không chỉ dạy học, công cụ Team còn tích hợp để giáo viên có thể quản lý học sinh, giao bài tập, chấm điểm một cách chuyên nghiệp và dễ dàng.

Đội ngũ giáo viên nhà trường, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận với công nghệ.

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, trong nỗ lực chia sẻ và lan toả cùng nhau, nhiều người đã chủ động và làm chủ nhiều ứng dụng cho việc quản lý và dạy học hiệu quả.

Hệ sinh thái của Office 365 với những ứng dụng như: Onedrive, Onenote, Form, Team, To Do, Planner,…đã giúp cho công việc của giáo viên trở nên nhẹ nhàng, khoa học.

Cùng với các ứng dụng của Office 365 hiện có, kết hợp với mạng xã hội như Facebook, Zalo và ứng dụng quản lý nhà trường vnEdu, mọi hoạt động của nhà trường đã được quản lý, duy trì một cách toàn diện trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Chia sẻ công cụ dạy học cùng các trường bạn, ảnh: Lê Quang Trọng.
Chia sẻ công cụ dạy học cùng các trường bạn, ảnh: Lê Quang Trọng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vừa chia sẻ trong nội bộ nhà trường, vừa góp sức lan toả trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu góp sức để thay đổi nền giáo dục theo hướng hiện đại của Cộng đồng Giáo dục sáng tạo Việt Nam, 02 giáo viên của Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền đã được công nhận là Chuyên gia Giáo dục Sáng tạo Microsoft (Microsoft Innovative Educator Expert). 

Microsoft Innovative Educator là chương trình đặc biệt dành riêng cho những người làm giáo dục sáng tạo trên toàn cầu. Trong năm học 2019-2020, Việt Nam có 145 Chuyên gia Giáo dục Sáng tạo Microsoft (MIEE).

Bài và ảnh: Lê Quang Trọng