Cảm phục thầy - thầy thật dũng cảm

12/04/2018 07:37
Phan Tuyết
(GDVN) - Khâm phục thầy vì hàng trăm hiệu trưởng vẫn đang tìm mọi cách để giấu nhẹm, để bao biện hòng chối bỏ trách nhiệm thì thầy lại đứng ra nhận tội cho mình.

LTS: Bày tỏ niềm khâm phục trước quyết định nộp đơn từ chức của thầy Huỳnh Hà Thắng - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A khi cho rằng mình mắc sai phạm trong quản lý giáo dục, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin “Ông Huỳnh Hà Thắng - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã nộp đơn từ chức gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo, đồng thời mong muốn được làm giáo viên”.

Ông Huỳnh Hà Thắng - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (Ảnh minh họa: K.T).
Ông Huỳnh Hà Thắng - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (Ảnh minh họa: K.T).

Đọc thông tin trên, tôi thật sự bất ngờ và cảm phục thầy. Bất ngờ vì hình như từ trước đến nay có quá ít vị hiệu trưởng dám dũng cảm từ chức (dù trong số đó không ít người vướng khá nhiều sai phạm) đặc biệt là từ chức vì trong trường có học trò lớp 2 chưa biết đọc.

Ngoài ra, chúng tôi cũng khá thất vọng khi thanh tra phát hiện ông Thắng có nhiều sai phạm trong quản lý giáo dục. 

Cụ thể, ông đã thiếu kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh chưa kịp thời chất lượng giờ học của một số giáo viên; chất lượng giảng dạy và nề nếp học tập của học sinh ít được quan tâm; đánh giá chưa đúng thực chất năng lực của học sinh.

Cũng theo kết luận thanh tra, trong giờ dạy một số giáo viên còn làm thay nhiệm vụ của học sinh, giáo viên sử dụng chưa linh hoạt các phương pháp dạy học, còn rập khuôn, máy móc, một số giáo án thiếu nội dung điều chỉnh, bổ sung ở từng giai đoạn”...[1]

Với những lỗi vi phạm như trên, là giáo viên có khá nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tôi có thể khẳng định rằng phải đến 90% (nếu không muốn nói 100%) các trường tiểu học công lập hiện nay đều mắc những sai phạm giống hệt như thế.

Cảm phục thầy - thầy thật dũng cảm ảnh 2Cách nào cho học sinh nghỉ học vì học yếu

Chuyện học sinh ngồi nhầm lớp (đặc biệt là trường chuẩn quốc gia) không chỉ xảy ra ở một trường, một địa phương mà đã trở thành phổ biến ở nhiều trường học trong cả nước.

Mỗi trường đều có cách làm riêng để hợp thức hóa số học sinh quá yếu này một cách hợp lý.

Ví như học sinh đang bình thường bỗng trở thành học sinh khuyết tật bởi cái giấy chứng nhận của trạm xá.

Có em được vận động cho chuyển trường. Em lại học ngoài sổ. Em sáng học lớp 5 chiều học lớp 1…Cách nào cũng được miễn không thể ở lại lớp.

Nhà trường, giáo viên buộc phải làm thế vì khá nhiều lý do nhưng chủ yếu là lý do sợ ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua.

Để chuyện buồn như thế xảy ra, nguyên nhân chính không phải từ giáo viên, cũng không hẳn do phía nhà trường hay do phòng, do sở giáo dục.

Căn nguyên chính là do khá nhiều thông tư của Bộ Giáo dục hiện nay quy định về tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng, tỉ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi, tỉ lệ hiệu quả đào tạo sau 5 năm…với trường chuẩn quốc gia tỉ lệ càng càng sít sao hơn.

Cũng bởi tại chỉ tiêu luôn cao ngất ngưỡng mà sau khi tìm đủ mọi biện pháp kèm học sinh vẫn không tiến bộ, giáo viên không thể cho các em ở lại lớp (trừ một vài trường hợp đặc biệt).

Còn sai phạm mà thanh tra kết luận ở Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A: “trong giờ dạy, một số giáo viên còn làm thay nhiệm vụ của học sinh, giáo viên sử dụng chưa linh hoạt các phương pháp dạy học, còn rập khuôn, máy móc, một số giáo án thiếu nội dung điều chỉnh, bổ sung ở từng giai đoạn”...

Những cái gọi là sai phạm như trên thì dự bất kì tiết học nào của giáo viên ở bất kì trường học nào trong cả nước cũng có thể nhận xét như thế.

Cảm phục thầy - thầy thật dũng cảm ảnh 3Cái tâm của người hiệu trưởng

Những nhận xét trong một tiết dạy có thể nói chỉ là do cảm tính của người dự, do cách nhìn nhận của từng người (liên quan đến trình độ nhận thức và chuyên môn của người đó).

Thế nên, cùng một tiết dạy người bảo rằng hay, sinh động nhưng có người lại nói giáo viên nói nhiều, học sinh thụ động, thầy cô làm hết việc của trò…người khen thì xếp loại tốt, người chê chỉ xếp loại khá…nên những kết luận mà thanh tra nêu trên không phải là sai phạm.

Nếu muốn gọi tên chính xác chỉ là những tồn tại (những khuyết điểm) của tiết dạy cần khắc phục mà thôi. Vì vậy, chỉ vì những lý do trên mà hiệu trưởng phải đưa đơn xin từ chức quả là đáng khâm phục.

Khâm phục vì thầy dám chịu trách nhiệm trước tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp (trong khi tình trạng này gần như khá phổ biến ở các trường học hiện nay đặc biệt là trường chuẩn quốc gia).

Khâm phục vì hàng trăm hiệu trưởng vẫn đang tìm đủ mọi cách để giấu nhẹm, tìm đủ mọi cách để bao biện (kể cả đổ tội cho giáo viên) hòng chối bỏ trách nhiệm thì thầy lại đứng ra nhận tội cho mình.

Cũng may là chưa có ai noi gương thầy để xin từ chức. Vì nếu tất cả các hiệu trưởng đều làm thế sẽ lấy ai làm hiệu trưởng đây?

Việc thầy Thắng xin từ chức cũng chẳng làm bức tranh giáo dục nước nhà sáng sủa hơn. Bởi, học sinh khắp nơi vẫn sẽ ngồi nhầm lớp cho đến khi những Thông tư về các chỉ tiêu chất lượng được bãi bỏ. 

Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/hoc-tro-lop-2-chua-biet-doc-hieu-truong-truong-chuan-quoc-gia-tu-chuc-20180409144703104.htm[1]

Phan Tuyết