Chỉ 1-2 tiết/tuần khiến GV luôn lo "cháy" giáo án nên Lịch sử chưa hấp dẫn HS

24/07/2022 06:43
Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hoàn toàn đồng tình với kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử nhưng nhiều giáo viên, chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là đổi mới phương pháp dạy học.

Theo Kế hoạch 770/KH-BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.

Hoàn toàn đồng tình với kế hoạch điều chỉnh môn Lịch sử trung học phổ thông từ tự chọn sang bắt buộc; tuy nhiên, nhiều giáo viên, chuyên gia cho rằng việc này chưa giải quyết tận gốc được vấn đề. Theo đó, điều quan trọng nhất vẫn là đổi mới phương pháp dạy học.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Phương Thảo – Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, việc dư luận xã hội vừa qua quan tâm đến “số phận” môn Lịch sử giúp cho đội ngũ giáo môn này thêm động lực, nhận thức được vai trò của mình, tự ý thức được việc trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy, thay vì “thầy đọc – trò chép”.

Theo cô Thảo, việc dạy và học môn Sử như thế nào không hoàn toàn chỉ nằm về phía giáo viên, mà còn do nhận thức của phụ huynh, học sinh. Tâm lý chung của xã hội là “học gì thi nấy”, do đó học sinh không lựa chọn theo đuổi môn này thì rất dễ học theo kiểu “đối phó”.

Cô Nguyễn Phương Thảo (bên trái) - Tổ trưởng bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Phương Thảo (bên trái) - Tổ trưởng bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Với trường chuyên của tỉnh Bắc Ninh, cô Thảo chia sẻ đội ngũ giáo viên thuận lợi hơn rất nhiều vì có hệ thống khối chuyên Sử. Các em đều là những học sinh xuất sắc, tinh túy nên rất có ý thức cùng sự nghiêm túc, say mê. Các hoạt động trải nghiệm, học nhóm liên quan đến môn Sử diễn ra sôi nổi, tự giác cao độ.

“Chúng tôi thường giao cho các em nhiệm vụ tìm hiểu trước. Lên lớp, các em sẽ làm việc nhóm, tự do đưa ra những chính kiến của mình. Sau đó, thầy cô sẽ đưa ra những định hướng và chốt vấn đề cho các em.

Bên cạnh đó, môn Sử được nhiều em (nhất là lớp học sinh đại trà) đánh giá là khô khan, khó nhớ các sự kiện.

Vì vậy, chúng tôi thường lồng ghép những câu chuyện, trải nghiệm lịch sử từ chính bản thân mình đã trải qua, địa danh mình từng đặt chân đến để học sinh có thêm hứng thú với môn học”, cô Phương Thảo chia sẻ.

Hoàn toàn ủng hộ về việc điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Duyệt – Tổ trưởng Bộ môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông Quế Võ số 1 (Bắc Ninh) cho rằng điều này vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Theo đó, việc giảng dạy, nội dung sách giáo khoa lâu nay gây nhàm chán cho học sinh nên nếu bắt buộc, các em có thể chỉ học để đối phó. Đòi hỏi phải học thực sự, có chăng chỉ là Lịch sử phải thi hoặc là môn điều kiện để thi đỗ.

“Vấn đề quan trọng vẫn phải là thay đổi phương pháp giảng dạy giúp cho các em hứng thú, bớt nhàm chán. Mỗi thầy cô sẽ một phương pháp riêng cho mình. Cá nhân tôi trước khi vào bài học, thường kể các câu chuyện lịch sử nhẹ nhàng để các em thêm hào hứng.

Với sự điều chỉnh của Bộ, sắp tới, tổ chuyên môn Lịch sử chúng tôi sẽ cố gắng họp bàn tìm ra những cách dạy phù hợp nhất để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy”, cô Duyệt nói.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng – nguyên Phó trưởng khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc học nói chung, môn Sử nói riêng thì yếu tố con người (thầy và trò) là quan trọng nhất; các yếu tố phụ khác như chương trình, sách giáo khoa, phương tiện dạy học, kiểm tra đánh giá chỉ là phương tiện, điều kiện vật chất.

Theo thầy Tùng, nói đến Lịch sử là nói đến quá khứ - lịch sử xã hội loài người hoàn toàn khách quan, có tính trung thực.

Tiếc rằng, có nhiều lý do, môn học này chưa thực sự phản ánh đúng với sự khách quan đó, đôi khi phản ánh hơi một chiều.

Do đó, chưa kích thích được hoạt động học tập; vấn đề gợi mở, tích cực hóa quá trình nhận thức, lớp học ít khi có những cuộc tranh luận sôi nổi để nảy sinh vấn đề.

Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng (bên phải) – nguyên Phó trưởng khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử (Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: Giaoduc.net.vn

Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng (bên phải) – nguyên Phó trưởng khoa Lịch sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử (Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh: Giaoduc.net.vn

“Tôi cho rằng môn Lịch sử tại nhà trường hiện nay chưa cụ thể, hấp dẫn, sinh động. Lịch sử phải có hoạt động của con người, gắn liền với không gian, thời gian, trong đó, con người có ý định, dự kiến gì, họ thực hiện ra sao. Nếu bài học đáp ứng được như vậy thì mới gây được hứng thú cho học sinh.

Lịch sử có hai chức năng quan trọng là khôi phục bức tranh quá khứ và "ôn cố tri tân" (xem lại cái cũ, biết cái mới – phóng viên). Không có ít nhất một trong hai chức năng này thì không còn là Sử nữa. Muốn như thế phải cần có thời gian để dạy, nhưng hiện nay trong Nhà trường, 1 tuần mới có khoảng 1,5 tiết dạy nên giáo viên phải chạy đua với thời gian, tránh "cháy" giáo án, nên rõ ràng không đảm bảo được điều này”, thầy Tùng trăn trở.

Một số chuyên gia cho rằng những môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật đòi hỏi có phòng thí nghiệm, công cụ phục vụ việc dạy học thì môn Lịch sử cũng vậy. Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Tuy vậy, điều này là quá lý tưởng bởi nhiều khi giáo viên, học sinh, không phải ai cũng có điều kiện về thời gian, kinh tế để đáp ứng.

Do vậy, cần phải khắc phục bằng các nguồn sử liệu, phim ảnh, nhân chứng, câu chuyện lồng ghép vào bài giảng của người giáo viên.

Bàn về giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, thầy Tùng cho rằng để giải quyết không phải chuyện một sớm, một chiều.

Đòi hỏi thầy trò, phụ huynh, toàn xã hội phải giải thích, khuyến khích con em mình hiểu đúng về giá trị của việc học môn Sử, không còn nhận thức môn này là môn phụ, học thuộc lòng.

“Điều quan trọng nhất phải nâng tầm đội ngũ giáo viên lên. Tôi quan sát thấy nhiều em sinh viên sau khi ra trường thì bằng lòng ngay với kiến thức/kỹ năng ở trường đại học, không học thêm, nâng cao trình độ mà có gì dạy nấy.

Tôi mong mỏi đội ngũ giáo viên, các cơ quan quản lý cần có ba giải pháp căn cơ mới nâng cao được chất lượng dạy học gồm nâng cao trình độ giáo viên thật giỏi môn Sử, giỏi nghiệp vụ sư phạm và phải đam mê, sống chết với nghề”, thầy Tùng bày tỏ.

Kim Sơn