Chỉ cần bỏ cộng điểm và tuyển thẳng, kỳ thi học sinh giỏi sẽ lành mạnh trở lại

29/04/2022 08:47
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Áp lực thành tích, thi cử ngày một nặng nề hơn khiến giáo viên và học sinh “sợ” khi phải đối diện với việc bồi dưỡng và thi học sinh giỏi.

Giữ hay bỏ kỳ thi học sinh giỏi ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục được mổ xẻ, phân tích trên nhiều diễn đàn giáo dục trong nước thời gian gần đây.

Kỳ thi học sinh giỏi các cấp huyện, tỉnh, quốc gia diễn ra hàng chục năm nay nhưng ngày càng áp lực thành tích, thi cử ngày một nặng nề hơn khiến giáo viên và học sinh “sợ” khi phải đối diện với việc bồi dưỡng và thi học sinh giỏi.

Sau khi thi đạt danh hiệu học sinh giỏi là một chuỗi vất vả và cả đánh đổi nhiều thứ của thầy và trò. Hư danh học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh chỉ làm gia tăng căn bệnh ngụy thành tích trầm kha trong giáo dục nên một số giáo viên, học sinh có đề xuất bỏ kỳ thi học sinh giỏi để chuyên tâm vào dạy thật, học thật và hướng đến nền giáo dục thật, có tri thức, đạo đức, kỹ năng sống,….

Người viết cho rằng suy cho cùng việc thi học sinh giỏi cũng giống như bao kỳ thi khác, giống như thi đấu một giải thể thao, giống như cuộc thi vẽ tranh giáo dục, thi kỹ năng sống khác,…vẫn có những giá trị tích cực, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh không sa đà vào các trò chơi bạo lực, phản cảm,…

Ảnh minh họa - MĐ

Ảnh minh họa - MĐ

Cách luyện học sinh giỏi còn nhiều bất cập, nếu giữ kỳ thi học sinh giỏi thì nên đổi mới cải tiến như thế nào để cả thầy và trò không phải chịu nhiều áp lực sẽ được tôi bàn trong bài viết này.

Luyện thi học sinh giỏi không giống ai

Theo tìm hiểu của người viết, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến vẫn có tổ chức kỳ thi học sinh giỏi, tiêu biểu nhưng không có nơi nào có kiểu luyện thi học sinh giỏi như ở ta, việc luyện thi này được ví von với kiểu “luyện gà chọi” để thi đấu.

Ở một số nước, việc thi học sinh giỏi là các em tự nguyện đi thi từ học sinh ở các lớp, các em tự học và thi, không có bất kỳ áp lực nào. Việc đạt hay không đạt không quan trọng.

Việc luyện thi học sinh giỏi ở ta lại theo thành tích, thi đua của trường nên bắt đầu từ đầu năm lớp 9, lớp 12 (thậm chí có nơi bắt luyện học sinh từ lớp 8, lớp 10), giáo viên đã "chọn gà” và bắt đầu quá trình luyện “gà chọi” để thi học sinh giỏi.

Quá trình luyện thi học sinh giỏi kéo dài nhiều tháng, nhiều giáo viên, học sinh phải làm việc cật lực, luyện ngày, luyện đêm, thậm chí có phụ huynh học sinh còn phải thuê thêm thầy khác để hy vọng được giải trong kỳ thi học sinh giỏi.

Đều đặn hằng năm phòng/sở giáo dục và đào tạo đều "khoán" chỉ tiêu học sinh giỏi về các trường, trường lại "khoán" cho giáo viên. Quá trình luyện “gà”, chạy theo chỉ tiêu thành tích để đạt học sinh giỏi xuất hiện từ đó, nhiều năm qua, việc chọn lọc, bồi dưỡng học sinh giỏi là áp lực, gánh nặng với nhiều giáo viên.

Áp lực từ dạy học trên trường, soạn giáo án, giảng dạy, chấm bài đến tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, kèm cặp học sinh giỏi… Bỏ bao tâm huyết, vất vả, nỗ lực là thế nhưng nghịch lý là dù có giải cao, công lao mà giáo viên được trả không hề tương xứng.

Giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi bỏ bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt nhưng khi học sinh đạt thì giáo viên được tuyên dương, được khen thưởng, được nhận tiền bồi dưỡng.

Giáo viên bồi dưỡng không đạt thì lại bị bỏ rơi, nhiều người tủi thân, chạnh lòng và có khi phải dự cuộc họp mổ xẻ, phân tích nguyên nhân thất bại, lý do thường được nêu ra là tại sao người ta dạy đạt, anh chị lại dạy không đạt,… rất tức tưởi cho giáo viên bồi dưỡng không đạt.

Nhiều học sinh sau khi đạt danh hiệu học sinh giỏi môn này thì sức học đi xuống ở nhiều môn khác, nhiều em mất sức khỏe, tâm lý cho quá trình thi học sinh giỏi. Các em đánh đổi quá nhiều thứ để được danh “ảo” mà không mang lại gì trong hành trang kỹ năng sống cần thiết.

Học sinh đoạt giải I, II tại kỳ thi chọn học sinh giỏi có thể được hưởng điểm khuyến khích, tuyển thẳng vào đại học, có suất du học. Thầy cô có học sinh giỏi thì được khen thưởng, tăng lương trước thời hạn, xem xét cất nhắc, đề bạt, tạo thương hiệu để dạy thêm...

Trường có học sinh giỏi thì hiệu trưởng được vinh danh, cạnh tranh danh hiệu thi đua với trường khác,...

Thực trạng ấy khiến thời gian gần đây, kỳ thi chọn học sinh giỏi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, làm biến tướng mục đích ban đầu. Có người mua ắt có người bán, mà thi chọn học sinh giỏi không là ngoại lệ, có cả những nghi vấn “lộ, lọt” đề thi học sinh giỏi.

Học sinh thì lao vào các môn thi học sinh giỏi, các môn học còn lại thì sa sút, học với tâm thế nhởn nhơ, thi đạt học sinh giỏi thì tự cao, ăn mừng,…học sinh không đạt thì chán nản, tuyệt vọng, mất phương hướng,…

Nhiều em đạt các danh hiệu học sinh giỏi nhưng lại thất bại trong tuyển sinh đại học, thất bại trong tìm việc,… là một trong nhiều mặt trái của việc thi học sinh giỏi.

Nhiều đề thi học sinh giỏi bậc trung học cơ sở còn khó hơn cả đề thi đại học chính là nguyên nhân các giáo viên phải luyện “gà chọi” để hy vọng mang lại thành tích cho trường, địa phương.

Thi học sinh giỏi như thế nào để chấm dứt áp lực?

Theo tôi, kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng có nhiều cái hay như khuyến khích giáo viên tự học, nâng cao tay nghề, giúp học sinh thêm cơ hội mở rộng, chuyên sâu kiến thức, kỹ năng; tạo cơ hội cho thầy trò các trường giao lưu, học hỏi; đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; đáp ứng mục tiêu bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, đất nước.

Nên người viết cho rằng nếu đổi mới phù hợp, khoa học thì vẫn duy trì nên kỳ thi học sinh giỏi cho các em có trải nghiệm, sân chơi, tăng tính tự học và sáng tạo.

Để giảm áp lực, trước hết nên chấm dứt việc giao chỉ tiêu, chấm dứt việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi (chấm dứt chi trả kinh phí bồi dưỡng), chấm dứt việc đạt học sinh giỏi được ưu tiên cộng điểm, tuyển thẳng trong các kỳ tuyển sinh đại học,…tất cả các em thi học sinh giỏi là tự học, tự nguyện và kỳ thi mang tính chất thử sức với chính mình, trải qua áp lực thi cử, học hành.

Kỳ thi học sinh giỏi chỉ nên mang tính giao lưu, học hỏi chứ không phải thi để xếp hạng, lấy thành tích.

Cũng không nên công bố điểm thi học sinh giỏi, không nên so sánh học sinh với nhau, nên không có cả những hoạt động tuyên dương, khen thưởng cho học sinh giỏi và giáo viên bồi dưỡng. Các phụ huynh cũng không có tâm lý "con nhà người ta", so sánh con mình với con người khác để tạo áp lực cho các em.

Mục đích chính của kỳ thi phải là khiến các em tự vượt qua bản thân mình nói cách khác các em sẽ phải thi đấu với chính mình chứ không phải ai khác. Mục đích giúp các em đạt kết quả tốt hơn năm trước, chứ không phải để vượt qua bất kỳ một bạn nào trong lớp, trường, huyện, tỉnh.

Theo tôi, trước thời điểm thi học sinh giỏi một tháng, sau khi sở giáo dục công bố thể lệ thi học sinh giỏi, các em học sinh có điều kiện đăng ký với nhà trường và dự thi trên tinh thần tự nguyện, không có việc học bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có thể tự học và nhờ giáo viên hỗ trợ những kiến thức chưa nắm được.

Sau kỳ thi, chỉ có em học sinh biết được kết quả thi của mình, giải thưởng không phải bằng tiền hay hiện vật hay điểm ưu tiên, tuyển thẳng,…mà đó là sự ghi nhận sự tự học, sự nỗ lực, phấn đấu của các em trong học tập và rèn luyện.

Nếu vẫn giữ kỳ thi học sinh giỏi để tạo sân chơi cho học sinh như bao phong trào khác thì dứt khoát phải bỏ những thành tích, áp lực của kỳ thi trên, chỉ hướng đến một kỳ thi nhẹ nhàng, thiết thực, không áp lực thành tích, chỉ tiêu, thi đua cho cả thầy và trò, không thể theo kiểu “luyện gà chọi” phải hướng đến việc học thật, thi thật, nhân tài thật như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên