"Chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia là hoàn toàn khả thi"

18/08/2013 07:01
Thái Minh Điển
(GDVN) - "Là người đã có thâm niên Chủ tịch hội đồng coi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhiều năm gắn bó với học sinh các trường vùng sâu. Tôi thiết nghĩ việc chỉ tổ chức một kì thi quốc gia như Bộ đã từng chủ trương là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được ngay.".
Trước hết, xin bắt đầu với vài con số thống kê tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2006 đến nay (nguồn từ các Báo cáo kết quả thi tốt nghiệp hằng năm của Bộ giáo dục & đào tạo):
Năm 2006 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 94 % 
Năm 2007tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 67 %
Năm 2008 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 76%
Năm  2009 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 84%
Năm 2010 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 93%
Năm  2011 trở đi  tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 95%

(Các năm 2007 và 2008 chỉ tính tốt nghiệp lần I. Từ 2011 trở về sau tỉ lệ tốt nghiệp giữ vững ở mức trên 95%)
Những con số thống kê trên đây nói lên điều gì?

Năm 2006 có thể xem là “đêm trước” của “hai không”, tiêu cực và bệnh thành tích đã lên đến đỉnh điểm, tỉ lệ tốt nghiệp ở hầu hết các địa phương đều cao ngất ngưởng khiến dư luận băn khoăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2007, tỉ lệ tốt nghiệp đột nhiên giảm đến 27% so với năm trước là do chủ trương và quyết tâm thực hiện thực hiện “hai không” của Bộ theo tinh thần Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8 tháng 9 năm 2006 của Thủ tường chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Bộ đưa ra nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tăng cường công tác thanh tra, với sự góp sức của các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Những người làm công tác thi đều nhớ rõ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (lần I) năm 2007 diễn ra trong không khí tương đối căng thẳng, nhưng nghiêm túc, đúng quy chế.

Sau cú sốc về tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007, nhiều trường Trung học phổ thông đã tăng cường phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu kém, nên đến kỳ thi năm 2008, mặc dù công tác coi thi nghiêm túc không kém năm 2007; con số tốt nghiệp vẫn nhích lên thêm 9%, phản ánh khá chính xác nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học của các địa phương.

Rất đáng tiếc là đến năm 2009 và các năm tiếp theo, có lẽ Bộ đã yên tâm với thành tích thực hiện “hai không”, hoặc do chi phí quá lớn cho công tác thanh tra, hoặc vì một lí do nào khác nên trong các kì thi từ năm 2009 đến 2011, lực lượng thanh tra của các trường đại học, cao đẳng giảm hẳn, không còn “cắm chốt” tại các hội đồng thi như hai năm trước, nhiều địa phương lại có tỉ lệ tốt nghiệp tăng vọt, kéo theo tỉ lệ chung cả nước vươn lên rõ rệt, khiến cho chủ trương tổ chức một kì thi quốc gia (chung cho cả xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học cao đẳng) không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội và của các trường đại học.

Là người đã có thâm niên Chủ tịch hội đồng coi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhiều năm gắn bó với học sinh các trường vùng sâu. Tôi thiết nghĩ việc chỉ tổ chức một kì thi quốc gia như Bộ đã từng chủ trương là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được ngay.

 Nếu lãnh đạo Bộ có can đảm, tạo điều kiện để học sinh nghèo vùng sâu có được cơ hội ngang bằng với học sinh thành phố khi xét tuyển vào đại học và cao đẳng, chỉ cần lưu ý một vài chi tiết mang tính kĩ thuật để bảo đảm cho kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đáp ứng được cả hai yêu cầu nâng cao dần tỉ lệ tốt nghiệp và đủ tin cậy để tuyển sinh đại học.

 Sau đây xin nêu lên một vài đề xuất:

Thời gian thi nên lùi lại đến giữa Tháng Sáu để học sinh có thể chuẩn bị tốt hơn.

Số môn thi vẫn giữ ổn định sáu môn, ba môn tự nhiên và ba môn xã hội, trong đó Ngữ văn và Toán là bắt buộc, bốn môn còn lại được thông báo vào cuối Tháng Ba như hiện nay.

Nội dung thi nên bao quát toàn bộ kiến thức trọng tâm của cấp trung học phổ thông.

Hình thức thi có thể là tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan, tuy nhiên nên chuyển dần các môn còn lại sang trắc nghiệm khách quan để giảm chi phí và tăng tính khách quan.

Chỉ có một đề thi chung cho cả  giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nhưng nên cho thêm điểm ưu tiên đối với giáo dục thường xuyên khi xét tốt nghiệp.

Đề thi nên có hai phần, tạm đặt tên là phần A và phần B, mỗi phần nên chia ra nhiều câu hỏi nhỏ để bao quát được chương trình:

Phần A chiếm 50% điểm bài thi, bao gồm các câu hỏi kiểm tra kiến thức kỹ năng chuẩn, chỉ yêu cầu thí sinh nhận biết, hoặc nếu có thông hiểu và vận dụng thì chỉ ở mức độ đơn giản, không quá một bước tư duy, tính toán;

Phần B chiếm 50% điểm bài thi bao gồm các câu hỏi yêu cầu học sinh phải thông hiểu, vận dụng với nhiều bước tư duy, tính toán.

Sử dụng các hệ số khác nhau ở hai phần để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học: 

Để xét tốt nghiệp nên chọn hệ số cao cho phần A và hệ số thấp cho phần B (ví dụ 3A và 1B).

Để lấy điểm sàn tuyển sinh đại học và cao đẳng nên chọn hệ số cao cho phần B và hệ số thấp cho phần A.

Thí sinh được đăng kí chỉ một nguyện vọng đại học hoặc cao đẳng trước khi thi (được ưu tiên xét tuyển trước sau khi có kết quả).

Căn cứ vào điểm sàn, các trường đại học và cao đẳng tự quyết định điểm chuẩn và thông báo thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 và thông báo xét tuyển nguyện vọng 2, 3….

Mọi học sinh có điểm từ điểm sàn trở lên đều có quyền đăng kí xét tuyển đại học và cao đẳng phù hợp với mức điểm chuẩn của các trường công bố.

Tất cả các khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi … đều phải có sự tham gia của các trường Đại học và Cao đẳng với tỉ lệ thích hợp, để bảo đảm quyền lợi tuyển sinh đúng đối tượng cho các trường này.

Các trường đại học và cao đẳng có yêu cầu năng khiếu hoặc những yêu cầu đặc biệt khác, nên tổ chức thi năng khiếu trước khi thi tốt nghiệp ít nhất hai tháng và thông báo sớm kết quả cho thí sinh, có thể thi theo cụm tỉnh, hoặc liên tỉnh và do các trường tự thu xếp.

Thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng chưa hài lòng với điểm xét tuyển có thể tự tìm chỗ học và đăng kí thi lại năm sau để lấy kết quả mới với chi phí hoàn toàn tự túc.

Những giả định trên đây cho thấy chỉ tổ chức một kì thi quốc gia là khả thi, có thể thử nghiệm ở các địa phương ngay trong kì kiểm tra học kì I năm học 2013-2014, trước khi chính thức áp dụng vào mùa thi tới
Thái Minh Điển