Chia giáo viên làm 3 hạng vừa tạo ra bất công, vừa không phù hợp Luật Giáo dục

07/02/2022 07:09
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật Giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy và giáo dục học sinh theo kế hoạch, chương trình giáo dục nên phân hạng giáo viên là bất hợp lí.

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.

Theo đó, giáo viên bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập được phân thành 3 hạng (hạng I, II, III).

Đầu tháng 2/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm ở trường phổ thông, trong đó viên chức giảng dạy bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng chia làm 3 hạng: giáo viên hạng I, II, III.

Cá nhân người viết cho rằng, sở dĩ Bộ Giáo dục phân hạng giáo viên vì căn cứ vào nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc phân giáo viên phổ thông làm 3 hạng là không phù hợp thực tế của ngành giáo dục (mặc dù có thể phù hợp với viên chức các lĩnh vực khác).

Việc phân hạng giáo viên ở trường phổ thông không phù hợp với thực tế của ngành giáo dục. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Việc phân hạng giáo viên ở trường phổ thông không phù hợp với thực tế của ngành giáo dục. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Bởi, Điều 69 Luật Giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ của nhà giáo như sau:

1. Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.

2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

4. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Ngoài ra, Điều 27 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau (trích):

a) Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và kế hoạch giáo dục của nhà trường. Chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách, bảo đảm quy định của chương trình giáo dục…

b) Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường; thường xuyên cập nhật những chỉ đạo của ngành; chuẩn bị, tổ chức dạy học và đánh giá học sinh theo quy định; thực hiện các hoạt động chuyên môn khác.

Cùng với đó, Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau (trích):

1. Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Trau đồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Có thể nhận thấy, nhiệm vụ chủ yếu của nhà giáo ở trường phổ thông là giảng dạy và giáo dục học sinh – kể cả hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên làm công tác kiêm nhiệm như tổ trưởng/tổ phó chuyên môn, chủ tịch công đoàn…

Vì vậy, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục phân hạng giáo viên theo vị trí việc làm ở trường phổ thông là không phù hợp với thực tế, vì giáo viên cơ bản chỉ có một vị trí việc làm, đó là giảng dạy và giáo dục học sinh.

Giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành nào thì giảng dạy chuyên ngành đó cho đến lúc nghỉ hưu. Ví dụ, giáo viên Toán thì dạy Toán, giáo viên Văn dạy Văn, giáo viên tiếng Anh dạy tiếng Anh…

Còn giáo viên nào có khả năng thực hiện các công việc khác như tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi; hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh… (Thông tư 04) thì được bồi dưỡng thêm chế độ.

Ở bậc trung học phổ thông, hiệu trưởng cũng phải dạy 2 tiết/tuần, hiệu phó dạy 4 tiết/tuần, tổ trưởng chuyên môn được giảm 3 tiết/tuần, tổ phó chuyên môn giảm 1 tiết/tuần…

Hiệu trưởng trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,70 (trường hạng II: 0,60; trường hạng III: 0,45). Phó hiệu trưởng trường hạng I phụ cấp chức vụ 0,55 (trường hạng II: 0,45; trường hạng III: 0,35).

Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,25; tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.

Hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn vừa được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lí vừa được giảm tiết dạy nên phân hạng giáo viên sẽ gây mất công bằng cho những giáo viên không giữ chức vụ.

Chưa kể, giáo viên không giữ các chức vụ như hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn… thì rất khó có cơ hội được hiệu trưởng cử tham gia thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Hay nói cách khác, giáo viên không có chức vụ sẽ rất thiệt thòi nếu Bộ Giáo dục phân hạng giáo viên như dự thảo.

Xét theo vị trí việc làm, ở trường học có 3 vị trí: viên chức quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó); viên chức là giáo viên (kể cả giáo viên kiêm nhiệm) và nhân viên. Tuy vậy, nhiệm kì của hiệu trưởng, hiệu phó là 5 năm, còn tổ trưởng, tổ phó chuyên môn thì được hiệu trưởng bổ nhiệm qua từng năm một.

Giả sử, sau khi được thăng hạng II, hạng I nhưng giáo viên không còn giữ chức vụ lãnh đạo nữa thì thầy cô trở về làm công tác giảng dạy, giáo dục học sinh. Và điều bất cập nảy sinh là, những giáo viên này vẫn hưởng hệ số lương cao (theo hạng I, hạng II) trong khi họ vẫn làm nhiệm vụ như những giáo viên hạng III, liệu có đúng?

Vậy nên, hàng năm ngành giáo dục chỉ nên tổ chức bồi dưỡng cho người làm công tác quản lí (nghiệp vụ) và người giảng dạy (chuyên môn) là hợp lí, không phải phân hạng, vừa rắc rối, vừa không phù hợp với nhiệm vụ chính của giáo viên ở trường phổ thông.

Như những gì bài viết đã phân tích, theo tôi, việc phân hạng giáo viên ở trường phổ thông là trái với quy định về nhiệm vụ của nhà giáo theo Luật Giáo dục 2019 và không phù hợp thực tế của ngành giáo dục. Tôi mong Bộ Giáo dục bỏ việc phân chia giáo viên thành 3 hạng như dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm đã đề cập.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên