Cho trẻ đi học sớm: Đừng ngộ nhận thần đồng

23/12/2012 07:30
Theo Tien phong
Một số phụ huynh có con sinh đầu năm hoặc thấy con mình khoẻ mạnh, trí tuệ phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa muốn cho con đi học sớm hơn quy định. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, nên để trẻ chơi hết “hạn ngạch”.

Khi trẻ sớm tự biết đọc, biết làm tính

Tháng 2/2013 này, cháu H.T - con trai chị L.V (phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) tròn 5 tuổi. Theo chị L.V, hiện tại cháu H.V đã thuộc “nhẵn mặt” bảng chữ cái, đếm được đến 1 triệu, biết tính toán các phép cộng trong phạm vi 10… và điều quan trọng là cháu rất sốt ruột muốn được đi học lớp một.

“Nhưng theo quy định, những cháu sinh năm 2009 (dù sinh đầu năm hay cuối năm) tháng 9/2014 mới được vào lớp Một. Ở lớp mẫu giáo cháu chỉ chơi và xem ti vi, tôi thấy thế lãng phí nên muốn sửa giấy khai sinh để con đi học sớm nhưng bố cháu không đồng ý”, chị L.V nói.

Suy nghĩ chị L.V là mối bận tâm của nhiều phụ huynh có con sinh đầu năm hoặc thể chất và khả năng nhận thức phát triển hơn so với trẻ cùng lứa tuổi.

Do Luật Giáo dục quy định, tuổi của học sinh vào học lớp một là 6 tuổi, nhiều phụ huynh đã “xé rào” bằng cách làm lại giấy khai sinh cho con.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng đồng tình với cách giải quyết này, đặc biệt là liên quan tới việc phải sửa giấy khai sinh.

Anh N.P, phụ huynh có con học lớp 1A5, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội tâm sự: “Con tôi sinh đầu năm 2007, lẽ ra tháng 9/2013 mới vào lớp một. Vợ tôi tự ý đi làm lại giấy khai sinh cho con nên hiện giờ cháu học cùng các bạn sinh năm 2006. Việc đã lỡ, tôi buộc phải theo nhưng rất buồn. Ông bà có câu, hơn một ngày hay một lẽ, điều này càng đúng với trẻ con. Bậc học phổ thông dài 12 năm, sớm được một năm để làm gì? Bắt con đi học sớm là bớt đi tuổi thơ của con. Giờ đây thay vì con vẫn được vui chơi ở mẫu giáo thì phải ngồi tập trung học bài trong lớp học”.

Cô Phạm Hà Thanh, GV Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội và cũng là phụ huynh không đồng tình việc cho con đi học sớm.

Cô Thanh nói: “Hồi nhỏ tôi đi học sớm một năm vì thấy các anh chị đi học cứ đòi đi theo. Kết quả học tập ở phổ thông của tôi cũng ổn, nhưng càng lớn tôi càng thấy mình thiệt thòi vì cảm giác mình luôn phải cố gắng nhiều hơn các bạn trong lớp. Vì thế, con tôi đọc thông viết thạo từ khi còn học mẫu giáo nhưng tôi vẫn không cho học sớm, thậm chí tôi còn muốn giá như các con được chơi thêm một năm nữa, 7 tuổi mới phải vào lớp một”.

Không nên ngộ nhận

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định trẻ 6 tuổi đi học là có cơ sở khoa học sư phạm cũng như khoa học tâm lý.

“Không phải chỉ nước mình mà cả thế giới người ta quy định 6 tuổi là tuổi vào lớp một. Đến độ tuổi đó trẻ con mới đủ điều kiện về thể chất, tâm lý để có thể thực hiện các nghĩa vụ học hành ở cấp tiểu học. Đi học sớm hơn là tước quyền được vui chơi của đứa trẻ. Phụ huynh phải hiểu tuổi thơ của trẻ là đáng quý không nên vì một chút nôn nóng mà bắt con phải học trong khi những đứa trẻ khác được chơi”, ông Nguyễn Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT nói.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, sự phát triển về nhận thức của trẻ 5 - 6 tuổi rất khác nhau. Trong khi nhiều em gặp khó khi nhận mặt chữ, con số thì có em đã biết đọc, biết tính toán.

“Phụ huynh đừng nhầm lẫn hiện tượng đó là thần đồng. Trẻ học mẫu giáo học theo kiểu chơi chơi, thích cái gì thì say sưa với cái đó. Trong khi trẻ con tiểu học thì học là một nhiệm vụ, giờ nào việc đó và khi học phải tập trung liên tục trong ít nhất 30 phút.

Nhưng cũng nên khích lệ trẻ tìm hiểu, khám phá kiến thức trong quá trình vui chơi nếu điều đó làm cho các em thích thú”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng ý rằng, trẻ sau khi vào lớp một, có biểu hiện vượt trội về năng lực thì có thể cho học vượt lớp.

“Nhiều nước còn dạy học theo mô hình cá biệt hóa, cho từng học sinh học vượt lớp tuỳ môn học. Chẳng hạn một học sinh đồng thời học hai lớp, môn toán học với các anh chị lớp trên, các môn còn lại học với bạn bè cùng tuổi”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Theo các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, trẻ được học vượt lớp (trong cùng cấp học) nhưng trên thực tế ở các cấp học thấp như tiểu học và THCS trường hợp này hiếm xảy ra.

Chỉ có ở những trường THPT chuyên, một số học sinh lớp 10, 11 được học vượt lớp một môn chuyên của mình và cũng chỉ là một vài trường hợp xuất sắc.

Lý giải nguyên nhân này, TS Ngô Thị Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục, NXB Giáo dục cho rằng, chương trình giáo dục hiện nay chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh.

“Một chương trình học tốt là chương trình đáp ứng được yêu cầu phát triển của mọi học sinh”, TS Ngô Thị Tuyên nói.


Theo Tien phong