Chọn nguyên bộ sách hay chọn mỗi bộ vài môn?

16/02/2020 06:31
Đỗ Quyên
(GDVN) - Một trường mà có đến mấy bộ sách chẳng khác gì kiểu năm cha bảy mẹ, ông chẳng bà chuộc thì việc quản lý dạy học sẽ vô cùng khó.

Thời gian này nhiều tỉnh thành trong cả nước đang chuẩn bị cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. Dù Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT đã quy định rất rõ những tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa để các trường, các địa phương chọn được bộ sách tốt nhất phù hợp với học sinh quê mình.

Giáo viên đang nghiên cứu để chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Giáo viên đang nghiên cứu để chọn lựa sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thế nhưng trên thực tế vẫn còn những băn khoăn như việc chọn sách theo bộ hay chọn theo từng môn trong mỗi bộ sách?

Chọn nguyên bộ sách hay chọn mỗi bộ vài môn?

Hiện sẽ có 5 bộ sách đủ tiêu chuẩn để các trường chọn lựa lấy một bộ sách đưa vào giảng dạy. Một số thầy cô cho rằng nên chọn nguyên bộ của một nhóm tác giả để có sự liên kết cao.

Người lại, có ý kiến cần chọn theo từng môn của nhiều bộ sách sẽ có được những cuốn sách hay.

Chọn nguyên bộ sách hay chọn mỗi bộ vài môn? ảnh 2
Địa phương cần tiêu chí nào để chọn sách giáo khoa mới?

Ví như bộ sách A. chọn 2 môn Toán, tiếng Việt.

Bộ sách B. chọn môn Tự nhiên xã hội và Đạo đức.

Bộ sách C. chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật, những môn còn lại chọn của bộ sách D…

Ý kiến của những chuyên gia giáo dục

Ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Mọi sách giáo khoa đều phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mới được phê duyệt, cho phép sử dụng.

Trong cùng một bài học hay chủ đề theo chương trình môn học, với cùng nội dung kiến thức, các sách giáo khoa khác nhau có cách thể hiện khác nhau, sử dụng ngữ liệu, thông tin khác nhau nhưng đều phải chuyển tải cùng nội dung kiến thức đó.

Vì vậy, các trường có thể sử dụng các sách giáo khoa khác nhau cho cùng một môn học, hoạt động giáo dục nhưng không ảnh hưởng hay khó khăn gì trong quản lý, kiểm tra, đánh giá. {1}

Ngược lại, thầy X. tác giả của một trong 5 bộ sách giáo khoa đang được lựa chọn cho biết: “Nếu chọn một bộ sách sẽ tốt hơn mỗi bộ sách chọn 1-2 cuốn.

Ví như, bộ sách A. có ý tưởng xây dựng hệ thống các nhân vật xuyên suốt bộ sách. Ý tưởng này triển khai được ở tất cả các môn.

Nhưng ta lại chọn một cuốn sách của một bộ sách nào đó thì ý tưởng mạnh các nhân vật xuyên suốt bộ sách sẽ bị phá vỡ.

Một trường mà có đến mấy bộ sách chẳng khác gì kiểu năm cha bảy mẹ, ông chẳng bà chuộc thì việc quản lý dạy học sẽ vô cùng khó”.

Quyền chọn sách thuộc về giáo viên nếu như không có những chỉ đạo từ xa

Chọn nguyên bộ sách hay chọn mỗi bộ vài môn? ảnh 3
Bộ trưởng Nhạ: Sách giáo khoa là tài liệu quan trọng chứ không phải “pháp lệnh”

Rõ ràng, khi biên soạn bộ sách giáo khoa từng nhóm tác giả sẽ có sự liên kết xuyên suốt giữa các môn học với nhau.

Để đạt hiệu quả học tập thì chúng ta cũng cần nên chọn nguyên bộ sách của một nhóm tác giả nào đấy tránh việc chọn mỗi bộ sách vài cuốn sẽ gây khó khăn cho việc tập huấn, chỉ đạo chuyên môn của nhà trường.

Theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT thì quyền chọn sách giáo khoa đang thuộc về giáo viên.

Thầy cô là những người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy. Bởi thế, chỉ cầm cuốn sách giáo khoa trên tay, lật từng bài học sẽ biết ngay cách trình bày, thiết kế nội dung nào phù hợp với học sinh của mình.

Nếu không có những chỉ đạo ngầm từ xa, không có những lời gợi ý bỏ nhỏ khó lòng từ chối thì mọi người hãy tin rằng học sinh mỗi địa phương ấy sẽ có được những bộ sách giáo khoa thích hợp nhất để học.

Làm được điều này, đòi hỏi mỗi thành viên trong Hội đồng lựa chọn sách phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm của nhà giáo, có cái nhìn khách quan và làm việc thật công tâm.

Tài liệu tham khảo:

http://daidoanket.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-lop-1-lua-chon-theo-tung-mon-hoc-tintuc458848{1}

Đỗ Quyên