Chọn trường: Chúng ta đang chọn cái cổng chứ không phải con đường

21/04/2011 16:17
Em đang chọn một con đường chứ không phải là cái cổng, nếu cánh cửa đó dẫn vào một con đường em không hề hứng thú thì liệu em có đi hết con đường đó?

Trên đường về quê, tôi gặp em. Em vừa học lớp 12 vừa phải chăn ba con trâu. Ai bảo chăn trâu là khổ? Học sinh TP đang ghen lên với em vì em được cộng 1 điểm ưu tiên khu vực.

Em dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe gần 20 km đường đất gồ ghề để đi học. Lớp học của em xiêu vẹo đôi khi còn có chú bò lạc vào sân trường. Em không hiểu thế nào là quá tải, là học thêm. Cả huyện một quầy sách nhỏ, lèo tèo vài quyển sách, lấy đâu ra sách nâng cao mà ôn. Thi trượt với em là phải ra đồng, rồi lấy chồng. Cuộc đời em có lẽ sẽ chẳng bao giờ “ra khỏi lũy tre làng”. Em phải đỗ ĐH ngay năm đầu dù là trường nào đi chăng nữa. Hỏi em thích trường nào. Em trả lời thích học Bách khoa nhưng em sợ. Em chọn trường có tỉ lệ chọi thấp nhất, chọn khoa hẻo lánh nhất, hy vọng mọi người bỏ qua, hy vọng nó ế ẩm, hy vọng có một cơ hội được bước vào trường ĐH.

Còn em - con của một người mà tôi quen biết, em học lớp 12, mỗi buổi đi học đều có mẹ đưa đón. Em hiền lành núp sau mẹ chạy sô từ lớp học thêm tới các trung tâm ôn luyện thi. Em học đến lả người để làm học sinh giỏi 11 năm qua. Em ngoan hiền, chăm chỉ, không bao giờ để bố mẹ thất vọng vì mình. Em nộp rất nhiều hồ sơ nhưng em chọn một cái trường lạ hoắc không có tiếng tăm. Em không thể mạo hiểm, nhất là trong thời điểm nhạy cảm này. Em thích làm cô giáo nhưng không thi sư phạm vì sợ trượt. Nếu trượt, có lẽ em sẽ tự tử vì chẳng mặt mũi nào nhìn mọi người. Với em, áp lực thi đỗ là rất lớn.

Tình cờ quen em - con của một cán bộ cấp cao. Bố em bảo có thể can thiệp vào trường A, vì thế em không cần học. Em sẽ học trường A mà bố em đã chọn. Em nói: “Học xong lớp 12 là xong nghĩa vụ của em, phần còn lại bố mẹ lo; một, hai năm rồi sẽ đi du học”.
 

 

Tôi thương các em, các em làm mọi cách để lọt qua kỳ thi, như một thói quen từ xưa lắm rồi. Học để thi!

Kỳ thi không phải là ba môn x 180 phút. Nó là cánh cửa mở ra một con đường cho nghề nghiệp của em sau này, một cái nghề mà em sẽ gắn bó lâu dài.

Em đang chọn một con đường chứ không phải là cái cổng, nếu cánh cửa đó dẫn vào một con đường em không hề hứng thú thì liệu em có đi hết con đường đó trong khoảng 30-40 năm? Đó là sự bất hạnh!

Ai đã làm hẹp lại ước vọng và nguyện vọng của em? Và cơ chế học hành nào đã làm thui chột giấc mơ em trong thời hoa mộng?

Giá mà thống kê được số sinh viên đang học trường này rồi bỏ giữa chừng thi trường khác; số sinh viên tốt nghiệp ĐH làm trái nghề; đếm được số kỹ sư, cử nhân uể oải ngồi chờ việc làm hay chờ hết giờ bước ra khỏi cơ quan…

Theo Pháp luật TP.HCM