Chủ biên SGK còn viết sách tham khảo, GV còn dạy thêm chính khóa, sáng tạo ở đâu

28/11/2021 06:43
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có sách tham khảo sẽ có người mua, có giáo viên dạy thêm sẽ có học trò học thêm và điều tai hại nhất là nó đang bào mòn khả năng tự học và sáng tạo của học trò.

Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục đã quá quen với cụm từ “dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực” và chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đã đưa ra yêu cầu cần đạt là 5 phẩm chất và 10 năng lực đối với học sinh phổ thông.

Việc phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng có một thực tế mà những người đang công tác trong ngành giáo dục, những người đang quan tâm, theo dõi đến giáo dục nhiều khi phải chạnh lòng…

Đó là tình trạng sách giải bài tập, sách tham khảo ăn theo sách giáo khoa ở nhà trường đang được bán rất nhiều ở các nhà sách, bán online, bán trong trường học và nhiều tác giả các đầu sách này là tổng chủ biên, chủ biên sách giáo khoa của chương trình 2006 và cả chương trình 2018.

Một số thầy cô giáo thì dạy thêm cho học trò của mình, họ giải các bài tập trong sách giáo khoa, thậm chí có những giáo viên còn cho học trò “làm quen” với đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ trên lớp.

Học sinh vì thế mà dựa vào những sách giải bài tập, những văn mẫu, bài mẫu có sẵn, những đáp án mà thầy cô dạy thêm nên mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò sẽ rất khó đạt được.

5 phẩm chất, 10 năng lực của chương trình mới không dễ đạt được (Ảnh minh họa: TTXVN)

5 phẩm chất, 10 năng lực của chương trình mới không dễ đạt được

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Văn mẫu, bài tập mẫu, dạy thêm đang bào mòn khả năng tự học, tự sáng tạo của nhiều học trò

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện giảng dạy được 3 khối lớp, đó là lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là chương trình mới đang có rất nhiều thay đổi so với trước đây kể cả về nội dung, phương pháp và mục tiêu giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra yêu cầu cần đạt về 5 phẩm chất và 10 năng lực của học sinh phổ thông. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông hướng tới việc hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu, đó là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Chương trình cũng hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi gồm:

Những năng lực chung, được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Những năng lực chuyên môn, được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Như vậy, nhìn vào mục tiêu giáo dục của chương trình mới thì chúng ta thấy có nhiều thay đổi nhưng cách tiếp cận của một số tác giả, nhà xuất bản và những giáo viên dạy thêm thì không mới so với trước đây.

Nhiều tác giả viết sách giáo khoa vẫn miệt mài đưa ra thị trường những đầu sách đủ các chủng loại cho giáo viên và học trò…làm tư liệu. Mỗi đầu sách giáo khoa sẽ có nhiều cuốn tham khảo đi kèm, nhiều nhất là môn Ngữ văn.

Không chỉ có sách của của các nhà xuất bản lớn mà ngay cả một số Hội đồng bộ môn của Sở Giáo dục cũng biên soạn ra những đầu sách để giới thiệu đến giáo viên, học trò qua đường nội bộ.

Sách mẫu, bài tập mẫu, bám sát vào nội dung chương trình, sách giáo khoa, thậm chí có luôn lời giải nên học trò chỉ cần mua một vài đầu sách thì giáo viên dạy bài nào, dạng nào học sinh cũng có thể biết, có thể nắm được…đáp án.

Bên cạnh các loại sách tham khảo thì tình trạng dạy thêm hiện nay cũng là một chuyện đáng bàn đối với một số môn học được xem là quan trọng trong nhà trường phổ thông.

Cấp tiểu học thì nhiều giáo viên dạy thêm môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì đến một nửa số môn học được giáo viên dạy thêm. Và, phần nhiều học sinh ở khu vực đô thị, ở những vùng có điều kiện đều tham gia học thêm.

Dạy thêm, học thêm không chỉ diễn ra trong điều kiện bình thường mà một số tỉnh hiện nay đang dạy trực tuyến vẫn xảy ra tình trạng này như thường.

Việc dạy thêm lâu nay chỉ cấm ở cấp tiểu học nhưng nhiều học sinh vẫn phải học thêm như thường. Cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở thì chỉ cấm dạy thêm trái phép. Nhưng, dạy thêm có phép và trái phép chỉ là ranh giới mong manh khó phân biệt.

Đa số những giáo viên đang dạy thêm là dạy cho chính học trò chính khóa của mình.

Dù không phải là tất cả nhưng có rất nhiều học sinh đi học thêm chưa hẳn là các em cần học thêm mà vì học thêm để biết trước nội dung mà thầy cô dạy trên lớp, học thêm để biết trước nội dung đề kiểm tra thường xuyên và định kỳ mà giáo viên sẽ cho học trò làm trên lớp.

Có sách tham khảo ắt sẽ có nhiều người mua, có giáo viên dạy thêm, ắt sẽ có học trò học thêm và điều tai hại nhất là nó đang bào mòn khả năng tự học và sáng tạo của một bộ phận học trò hiện nay.

Nhiều học sinh đang quá lệ thuộc vào tài liệu, vào việc học thêm

Chúng tôi cho rằng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 dù chưa hẳn đã đúng hoàn toàn nhưng một phần nào đó đã phù hợp với điều kiện, bối cảnh giáo dục hiện nay.

Bởi, học sinh không thể mãi lệ thuộc vào kiến thức của người thầy, không thể cứ mãi tái hiện những lời thầy cô giảng vào bài tập, bài kiểm tra của mình và tất nhiên là không thể thụ động trong quá trình học tập.

Nhưng, với định hướng dạy học hiện nay của Bộ là giao nhiệm vụ cho học trò chuẩn bị bài trước, đến tiết học thì giáo viên cho học sinh trình bày sản phẩm chuẩn bị của mình. Sau đó, học sinh các nhóm nhận xét sản phẩm của nhóm bạn, thầy cô chốt lại vấn đề…là xong.

Nhưng, học sinh chưa học thì đâu phải em nào cũng biết để chuẩn bị nhiệm vụ mà thầy cô giao cho. Vì thế, phần lớn những đáp án này được học sinh chép từ sách tham khảo, chép trên mạng hoặc từ các bài học thêm của mình.

Chúng tôi cho rằng việc giao nhiệm vụ cho học trò chuẩn bị bài trước cũng là điều cần có nhưng không nên là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các bài học, các môn học. Bởi, giao nhiệm vụ cho học trò chỉ có thể phát huy được thế mạnh của một số ít em học giỏi còn lại phần lớn là các em chép ở đâu đó để đối phó với thầy cô.

Gian dối, hình thức trong giáo dục cũng có thể bắt đầu từ đây. Sách tham khảo, dạy thêm cũng có thể bắt đầu từ đây.

Phụ huynh thì mất tiền mua sách cho con, mất tiền cho con đi học thêm nhưng một bộ phận học sinh mất dần đi tinh thần tự học, tự tìm tòi khám phá mà lệ thuộc vào tài liệu, vào việc học thêm của mình. Vì thế, tính trung thực và trách nhiệm cũng không được chú trọng.

Sách mẫu, sách tham khảo, dạy thêm không hẳn là xấu nhưng cái chính là người lớn chúng ta chưa có những định hướng đúng đắn, cụ thể cho học trò, đôi khi lại còn xem học sinh là đối tượng để kinh doanh thì mục tiêu phát triển năng lực cho học trò rất khó để đạt được toàn diện.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI