Chủ tịch Thường Tín: Giáo viên chuyển sang làm bảo vệ không có ai bị ép buộc

14/07/2021 06:28
Nguyễn Nhất
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2016, có 7 giáo viên hợp đồng nhất quyết không chuyển sang làm bảo vệ và may mắn đến với họ khi được xét tuyển đặc cách viên chức giáo dục năm 2020.

Trong số 37 giáo viên thuộc diện bị cắt hợp đồng giảng dạy của huyện Thường Tín (Hà Nội) vào năm 2016, có 7 giáo viên nhất quyết không chuyển sang làm bảo vệ. 7 người này may mắn nằm trong số các giáo viên được Thành phố Hà Nội đặc cách biên chế vào năm 2020.

Cô P. (giáo viên dạy Văn cấp 2) là một trong 7 người may mắn trên và đến nay, cô vẫn không giấu được niềm vui “ngỡ như là mơ” này. Cô vui vì từ mức lương dạy hợp đồng hơn 1 triệu đồng, nhưng khi được vào biên chế thì được nhận lương khoảng 7 triệu đồng.

Cô P. chia sẻ: “Tôi không sang làm bảo vệ vì nghề đó quá vất vả. Tôi được ăn học đàng hoàng và có bằng cấp, chứng chỉ. Trong khi đó, bảo vệ thì không cần bằng cấp vẫn được làm. Tôi thấy như vậy là không báo hiếu với cha mẹ”, cô P. nói.

Nhớ lại năm xưa, nữ giáo viên cấp hai chia sẻ, trong khi 30 giáo viên hợp đồng về làm bảo vệ trong tâm trạng không vui, thì cô cũng phải chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Đó là dù được đóng bảo hiểm xã hội nhưng khi nghỉ hè thì cô không được nhận lương.

Bên cạnh đó cô và các giáo viên hợp đồng khác “cứng đầu” cũng được nhắc nhở rằng: “Các đồng chí cứ dạy hợp đồng đi, khi nào có chỉ thị của thành phố thì sẽ bị cắt và không có chế độ gì hết”.

Năm 2020, cô P. và những giáo viên còn lại trải qua những cảm xúc buồn, vui lẫn lộn khi Hà Nội tổ chức xét đặc cách viên chức, rồi lại tổ chức thi. Nhưng đến ngày chót ngày thi tuyển, Hà Nội có văn bản hỏa tốc đồng ý việc xét tuyển.

Đó là khi cô cùng những người khác hồi hộp theo dõi trên cổng thông tin Ủy ban Nhân dân huyện, để xem có tên mình trong danh sách xét tuyển hay không. Không thấy có tên, 7 người đánh “quả liều” đến gặp lãnh đạo để phản ánh các thắc mắc, ý kiến của họ. Rất nhanh chóng, các ý kiến này đã nhận được sự lắng nghe, quan tâm và giải quyết.

Khi được xét tuyển, các giáo viên hợp đồng phải bàn bạc với nhau để tránh chọn cùng trường, trượt nguyện vọng.

“Để khỏi chồng chéo nhiều người chọn trường có 1 chỉ tiêu, chúng tôi đã phải bàn bạc với nhau”, cô P. nói.

Và rồi sau quá trình nỗ lực, chờ đợi, đến tháng 9/2020, 7 giáo viên hợp đồng được nhận quyết định đặc cách, họ vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng họ, nhưng những giáo viên đã chuyển sang làm bảo vệ thì lại ngậm ngùi cho tình cảnh của mình.

Nói về các đồng nghiệp kém may mắn, cô P. chia sẻ, việc họ làm bảo vệ giờ chuyển sang làm giáo viên là rất khó, nên cô P. mong sao các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện trong công việc để họ có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Giáo viên chuyển sang làm bảo vệ không ai bị ép buộc!

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 3/2016, ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín ban hành văn bản số 375/QĐ-UBND quyết định về việc ban hành Kế hoạch xét tuyển hợp đồng nhân viên bảo vệ tại các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập tự chủ thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín ban hành Quyết định kế hoạch xét tuyển hợp đồng làm nhân viên bảo vệ tại các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập, công lập tự chủ thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín.

Nội dung văn bản Quyết định kế hoạch xét tuyển đặc cách hợp đồng làm nhân viên bảo vệ tại các trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non công lập, công lập tự chủ thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín. (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Nội dung văn bản Quyết định kế hoạch xét tuyển đặc cách hợp đồng làm nhân viên bảo vệ tại các trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non công lập, công lập tự chủ thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín. (Ảnh: Nguyễn Nhất)

"Tổng chỉ tiêu xét tuyển hợp đồng làm nhân viên bảo vệ là 264 chỉ tiêu", văn bản nêu.

Nội dung văn bản cũng đưa ra điều kiệu xét tuyển, hồ sơ đăng ký xét tuyển, tổ chức xét tuyển hợp đồng lao động...

Trong đó, tại mục đối tượng, trình tự xét tuyển hợp đồng có nêu xét đặc cách đối với những người đã và đang được Ủy ban Nhân dân huyện ký hợp đồng làm nhân viên bảo vệ các trường mầm non; giáo viên, nhân viên đã được huyện ký hợp đồng ngắn hạn các trường trung học cơ sở, tiểu học.

Ngày 1/6 vừa qua, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín cho biết, thời điểm khi xưa các giáo viên hợp đồng chuyển sang làm bảo vệ theo Hợp đồng 68 thì không có ai bị ép buộc.

"Khi đó là giải pháp tháo gỡ tốt nhất lúc bấy giờ, bao nhiêu năm người ta (giáo viên) hợp đồng không có vào biên chế, nguyện vọng người ta muốn vào biên chế, định biên nào đó nhất định. Và đấy là giải pháp tháo gỡ và không ai ra quyết định đó", ông Huy nói.

Giáo viên được huyện ký hợp đồng ngắn hạn các trường Trung học cơ sở, Tiểu học thuộc diện được xét đặc cách làm nhân viên bảo vệ theo Hợp đồng 68 (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Giáo viên được huyện ký hợp đồng ngắn hạn các trường Trung học cơ sở, Tiểu học thuộc diện được xét đặc cách làm nhân viên bảo vệ theo Hợp đồng 68 (Ảnh: Nguyễn Nhất)

Ngày 8/7, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Mạnh Cường, Trưởng Phòng nội vụ huyện Thường Tín cho hay, thời điểm 2016, ông chưa công tác ở vị trí hiện tại. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin, ông Cường cho hay, đợt đó huyện được giao chỉ tiêu tuyển dụng bảo vệ theo Hợp đồng 68.

"Khi đó Uỷ ban Nhân dân huyện có ưu tiên cho những người nào có nhu cầu chuyển sang hợp đồng 68", ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, Hợp đồng 68 này là giữa nhà trường ký với các giáo viên hợp đồng và huyện không nắm văn bản này.

Về phản ánh của các cựu giáo viên hợp đồng cho rằng, thời điểm 2016, giáo viên hợp đồng tại nhiều huyện khác thuộc Thành phố Hà Nội bị cắt hẳn hợp đồng, chứ không cho giáo viên hợp đồng chuyển sang hợp đồng 68, phải chăng thời điểm đó Thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo chung về việc này, thì ông Cường cho hay đơn vị đang tìm lại xem có văn bản hay không vì sự việc cũng đã lâu.

Nguyễn Nhất