Chừng nào còn ra đề, chấm thi theo cách cũ thì xóa bỏ "văn mẫu" là không thể!

16/08/2021 06:27
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc chấm dứt văn mẫu trong dạy - học văn là điều cần thiết nhưng cần bắt đầu từ người dạy và cách ra đề kiểm tra – cách đánh giá.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, riêng đối với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thái Lê – giáo viên môn Ngữ văn của Trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng để chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu thì trước hết, chúng ta cần thống nhất cách hiểu “văn mẫu” là gì?

Theo cô Thái Lê, “văn mẫu” đó là những bài tập làm văn được viết sẵn cho những dạng bài tập làm văn trong chương trình học. Ví dụ học đến phần miêu tả sẽ có hàng loạt bài miêu tả bình minh, hoàng hôn, cơn mưa, dòng sông…; học đến kể chuyện sẽ có sẵn những mẩu chuyện về lỗi lầm, về việc tốt; học về nghị luận thì có hàng loạt các bài về hiện tượng xã hội hoặc vấn đề đạo lí lẽ sống trong sách, trên các trang mạng. Những bài viết đó được học sinh “tham khảo” rồi “đạo” ở các mức độ khác nhau.

Chính vì thế mà có những người bà, người mẹ được tả giống hệt nhau, có hàng loạt đứa trẻ nhặt được tiền tìm đến chú công an nhờ trả và hàng loạt cụ bà được dắt qua đường…

Cô Phạm Thái Lê – giáo viên môn Ngữ văn của Trường Marie Curie, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Cô Phạm Thái Lê – giáo viên môn Ngữ văn của Trường Marie Curie, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Ngoài ra, cũng theo cô Lê, “văn mẫu” còn được hiểu là những gì thầy cô giảng/ đọc cho trò chép trên lớp là mẫu, là chuẩn. Học sinh không được hiểu sai hiểu khác mà thực ra cách dạy đọc chép cũng đã triệt tiêu nhu cầu hiểu khác của trò rồi. Bản thân người dạy cũng không dám giảng khác với sách giáo viên, khác với những gì thầy của họ đã dạy sách của thầy đã viết.

Tức là tất cả mọi người dạy chỉ có một góc nhìn chung, đều đi theo một tiến trình cứng nhắc, đều chuyển tải một nội dung như thế từ năm này sang năm khác, từ thế hệ học sinh này sang thế hệ khác. Tự họ, cũng triệt tiêu trong mình nhu cầu khám phá cái mới của tác phẩm để trở thành “thợ dạy” đúng nghĩa.

Nhìn nhận thấy những hạn chế đó cho thấy việc chấm dứt văn mẫu trong dạy - học văn là điều cần thiết nhưng cần bắt đầu từ người dạy và cách ra đề kiểm tra – cách đánh giá.

Theo đó, cô Lê phân tích, đối với người dạy cần phải tự loại bỏ cái gọi là “giáo án mẫu”. Lâu nay, để giảng dạy tác phẩm văn học, người dạy thường thuyết giảng, hoặc có tổ chức để học sinh tìm hiểu thì cũng quy về phần nội dung “cần truyền đạt”.

Nghĩa là vẫn phương thức dạy rót đầy, áp đặt, đóng khung trong kiến thức của người dạy, quy chiếu về cái mà người dạy đã ấn định để tính đúng sai thiếu đủ. Dạy văn không thể đo lượng như thế được. Không thể có một góc nhìn duy nhất, không thể có một chân lí tuyệt đối. Người dạy cần lắng nghe tôn trọng cách hiểu cách cảm của trò. Người dạy chỉ cung cấp kiến thức mang tính phương pháp luận để trò tiếp cận tác phẩm theo con đường riêng, góc nhìn riêng của trò.

“Muốn làm được như vậy thì hình thức tổ chức giờ học không thể đi theo tiến trình như lâu nay. Bản thân người dạy có kế hoạch dài hơi cho sự chuẩn bị của trò trước khi trình bày và thảo luận trên lớp. Và với mỗi đối tượng học trò sẽ có những mức độ công việc chuẩn bị khác nhau chứ không thể cùng chung một giáo án mẫu.

Việc tự tiếp cận và được thể hiện quan điểm của người học sẽ tạo dựng được cách học chủ động, từ đó hình thành lối tư duy độc lập và năng lực tự diễn đạt điều trò nghĩ, cảm chứ không phải “nhai lại” lời người dạy”, cô Lê nêu quan điểm.

Còn muốn thay đổi cách ra đề kiểm tra, cách đánh giá thì cô Lê cho rằng cần xác phải xác định rõ mục tiêu của chương trình dạy học văn là phát triển năng lực (năng lực tư duy, năng lực cảm thụ, năng lực ngôn ngữ ...) để từ đó bồi đắp và hình thành phẩm chất. Như vậy, việc kiểm tra là để đánh giá quá trình phát triển năng lực so với chính mỗi trò.

Muốn vậy, người dạy cần chú trọng đánh giá khả năng biểu đạt chứ không phải kiểm tra lại nội dung đọc hiểu đã thống nhất từ những tác phẩm trong sách giáo khoa. Nghĩa là người dạy không chú trọng tính đếm về lượng (thiếu đủ), không soi xét quan điểm (đúng sai), không đánh giá cao những bài mang tính sao chép, thiếu dấu ấn cá nhân. Người học có thể có cái non nớt trong cảm nhận, khác biệt trong đánh giá nhưng đó đúng là điều trò nghĩ và cảm.

Đồng thời, người dạy cần thừa nhận và ghi nhận những gì của trò mới động viên trò tư duy độc lập, hình thành và củng cố khả năng chủ động trong học tập. Và có như thế mới loại bỏ được thói học tủ , học vẹt, học đạo văn mẫu…cách học góp phần hình thành sự giả dối, nói những điều mình không nghĩ, không hiểu.

“Muốn thế thì việc ra đề thi cần thay đổi, đầu tiên là ở các bài kiểm tra trên lớp cho đến cấu trúc các đề kiểm tra cuối kì, cuối cấp và đặc biệt là kì thi quốc gia. Tôi đã từng đề cập đến cấu trúc đề mà quỹ điểm cho phần nghị luận xã hội nhiều hơn hoặc chí ít cũng phải ngang bằng quỹ điểm cho phần nghị luận văn học.

Tôi ủng hộ ngữ liệu cho phần nghị luận văn học là những văn bản ngoài sách giáo khoa. Tiếp cận một văn bản mới để trò tự nghĩ tự cảm tự biểu đạt chứ không phải “trả chữ cho thầy””, cô Lê nhấn mạnh.

Từ những lý giải đó, cô Lê cho rằng, để “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu”, cần lắm một sự thay đổi về cách ra đề thi, cách đánh giá. Chừng nào còn ra đề, chấm thi theo cách cũ thì còn dạy học đọc - chép, và văn mẫu, bài mẫu vẫn còn giá trị.

Thùy Linh