Chuyện thầy trò cùng “săn nước” ở mảnh đất "khát" và mong ước về bể chứa đủ lớn

04/01/2022 06:28
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nhà trường đang mong muốn xây thêm một bể chìm từ 300-500 mét khối, để hứng nước từ toàn bộ mái nhà, dự trữ đủ cho một năm học”, thầy Bùi Ngọc Tuấn bày tỏ.

Không chỉ gồng mình trước những thử thách vùng khó của một giáo viên “cắm bản” thông thường, các thầy cô nơi mảnh đất “khát” khu vực xã Tả Gia Khâu nơi giáp ranh biên giới thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai) còn miệt mài với nhiệm vụ đưa nước về trường sau mỗi buổi lên lớp.

Cô Hoa tận tình hướng dẫn học trò. Ảnh: Ngân ChiCô Hoa tận tình hướng dẫn học trò. Ảnh: Ngân Chi

Hồi ức về những ngày đầu “gieo chữ” trên non

Nằm chênh vênh giữa một triền đồi ở khu vực giáp ranh biên giới thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai), nhiều năm qua, các thầy cô và học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu (gọi tắt là Trường Tiểu học Tả Gia Khâu) luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt, vào mùa thiếu vắng những cơn mưa.

Xung quanh trường không gần khe suối, cũng chẳng gần mạch nước ngầm trong vắt nào để có thể tận dụng. Suốt bao năm qua, lớp lớp các thầy cô giáo vẫn tìm đủ mọi cách để có nước sinh hoạt, từ việc hứng nước mưa, hứng sương đọng trên mái, đến việc đi tìm nguồn nước từ xa trường để mang về từng can nhỏ…

Chính vì thế, bên cạnh những khó khăn, thử thách thông thường của một trường học vùng khó, các thầy cô giáo gắn bó với Trường Tiểu học Tả Gia Khâu còn cùng lúc phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ.

Là giáo viên “cắm bản” suốt 23 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi), cũng có không ít kỷ niệm ấn tượng với ngôi trường này. Cô Hoa bộc bạch: “Hồi mới ra trường, nhận công tác ở đây, ngay trong buổi đầu tiên, nhìn cơ sở vật chất, tôi đã… nằm khóc tại phòng y tế. Lúc ấy, cơ sở vật chất còn tạm bợ, có lúc phải học tạm ở nhà dân; lại không có điện, chỉ có thể soạn bài bằng đèn dầu; còn nước thì phải đi gánh rồi múc từ ca đổ vào can để xách về dùng.

Đường sá đi lại cũng khó khăn, trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì đất dẻo quánh bám chặt bánh xe, lúc nào chúng tôi cũng phải đi hai người, cứ đi độ 15-20m lại xuống khều đất ở bánh xe ra mới đi tiếp được. Mà ấy là vẫn còn may chán, chứ hôm nào đường sạt lở thì chúng tôi chỉ còn nước để lại xe ở đường rồi đi bộ vào điểm trường… Có lẽ, vì tôi ở vùng thuận lợi hơn trên này, nên lúc chứng kiến, tôi đã bị bất ngờ, thậm chí chán nản trước những khó khăn như vậy”.

Còn trong ký ức của cô giáo Nguyễn Thị Hiến (49 tuổi), người cũng đã gắn bó cả thanh xuân với Trường Tiểu học Tả Gia Khâu, hình ảnh đáng nhớ nhất chính là những buổi vận động học sinh đi học.

“Khó khăn lớn nhất mà tôi cảm nhận, chính là chuyện bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò. Mỗi lớp có nhiều học sinh thuộc các dân tộc khác nhau, nên tiếng nói cũng khác nhau. Bản thân chúng tôi cũng phải vừa dạy, vừa học thêm tiếng nói của học sinh, tìm hiểu thêm về văn hóa, tục lệ của các em, để cô trò có thể cùng nhau giao tiếp dễ dàng hơn.

Hồi đầu, bất đồng ngôn ngữ cũng khiến chuyện đi vận động học sinh trở nên khó khăn hơn, vì chúng tôi và phụ huynh không hiểu được nhau. Nhất là, trong thời điểm ấy, đa số phụ huynh học sinh chưa am hiểu, nên dường như không ai muốn cho con đi học, và cũng chẳng mấy khi quan tâm đến chuyện học hành của các con. Sáng nào, thầy cô cũng đến nhà động viên học sinh đến trường sớm, xa nhất thì đi cũng phải tầm 30 phút. Có bố mẹ lại muốn con cõng cả em lên lớp để trông, thầy cô cũng đành chấp nhận, mỗi khi em khóc thì lại cho học sinh nghỉ ra ngoài để dỗ em”, cô Hiến nhớ lại.

Gieo được đam mê học tập cho học trò chính là niềm vui lớn nhất của thầy Duy Anh. Ảnh: Ngân Chi

Gieo được đam mê học tập cho học trò chính là niềm vui lớn nhất của thầy Duy Anh. Ảnh: Ngân Chi

Thầy Nguyễn Duy Anh (giáo viên dạy Âm nhạc tại Trường Tiểu học Tả Gia Khâu) bày tỏ sau 5 năm “gieo chữ” ở vùng cao: “Trước khi nhận công tác tại trường, tôi cũng đã phần nào mường tượng về những điều kiện ở nơi đây, song, khi thực sự gắn bó, tôi mới cảm nhận được hết những khó khăn, thử thách ấy. Đó là khi tôi đến, mọi điều kiện đều đã tốt hơn rất nhiều, mà ban đầu tôi còn cảm thấy buồn và nản, thực sự không thể tưởng tượng, cách đây 20 năm, thế hệ đi trước của chúng tôi đã làm thế nào để yêu và say nghề. Tôi còn từng nghe về “truyền thuyết”, 3 thầy giáo chia nhau một ca nước vào mỗi sáng cho sinh hoạt cá nhân, khó khăn là vậy, nhưng nếu không kiên tâm ở lại, thì học sinh nơi đây biết phải làm sao?

Đến bây giờ, sau mỗi kỳ nghỉ dài, các thầy cô vẫn phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp, và giáo viên cũng thường xuyên phải trau dồi thêm về ngôn ngữ và bản sắc của các em, thì mới có thể “gieo chữ”. Hiện giờ, niềm vui của tôi đơn giản lắm, chỉ là một học sinh nào thỏ thẻ: “Thầy ơi, con muốn làm giáo viên”, hay “Thầy ơi, con muốn học đánh đàn”…, chỉ vậy thôi, tức là tôi đã thành công gieo đam mê cho học trò”.

Chiều nào cũng vậy, cứ tan giờ học là thầy trò lại “rồng rắn” đi lấy nước. Ảnh: Ngân Chi

Chiều nào cũng vậy, cứ tan giờ học là thầy trò lại “rồng rắn” đi lấy nước. Ảnh: Ngân Chi

Thầy trò cùng nhau “săn nước” sau mỗi giờ học

Khi những cơn mưa của mùa Hạ đã ngớt dần, cũng là lúc người dân Tả Gia Khâu bước vào nỗi lo của mùa thiếu nước trầm trọng, từ lâu được ví như “Trường Sa cạn” với 3 cái nhất: xa huyện nhất, ít dân nhất huyện và thiếu nước nhất huyện.

Việc tìm kiếm nước tại đây vô cùng khó khăn khi có rất nhiều đoàn công tác đã lên đây khoan thăm dò nhưng không có nguồn nước. Chính vì vậy, vào mùa khô, khi nước càng trở nên khan hiếm, người lớn có thể thức trắng đêm để chờ hứng tại các bể nước trung tâm hoặc đi xuyên rừng tìm các mó nước nhỏ rỉ ra từ vách đá. Nhưng những đứa trẻ rời gia đình, làng bản, đi tới các điểm trường bán trú để học chữ cũng đối diện với tình trạng thiếu nước ăn, phục vụ sinh hoạt...

Vì lẽ đó, chiều nào cũng vậy, sau mỗi giờ học trên lớp, các thầy cô cùng toàn bộ học sinh khối 4-5 sẽ có cuộc “hành quân” đi xách nước, từ bể chứa cách trường hàng cây số đường dốc. Hình ảnh ấy dường như đã quá đỗi quen thuộc ở nơi đây, khiến người dân trong thôn mỗi khi nhắc đến, đều không quên ví von với một “đoàn kiến cõng nước” về trường.

Thầy Bùi Ngọc Tuấn (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Từ nhiều năm nay, tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt vào mùa Đông như hiện nay đã không còn quá xa lạ với không chỉ thầy và trò nhà trường. Người dân sinh sống ở đây cũng thường xuyên gặp phải cảnh này. Để khắc phục tình trạng khan hiếm nước, nhà trường cũng đã phải tìm mọi cách để có nước sinh hoạt. Trong đó, tích trữ nước mưa là phương án khả quan nhất”.

Song, khó khăn nối tiếp khó khăn, theo vị Phó Hiệu trưởng, hiện tại, trường chỉ có 2 bể chứa được hơn 120 mét khối nước. Mùa Hè mưa nhiều nhưng không đủ bể chứa, nước mưa bị tràn ra ngoài rất lãng phí. Đến mùa Đông, lượng nước dự trữ dần cạn, không đủ để duy trì sinh hoạt.

Chưa kể, ở một số điểm trường thậm chí không có bình chứa nước đủ lớn để tích trữ, nên phải tận dụng cả nồi niêu, xoong chảo,… để làm bình trữ nước. Mỗi lần để lỡ một trận mưa mà không kịp trữ là thầy trò đều tiếc hùi hụi... Không chỉ canh mưa mà các thầy cô ở đây còn canh cả… sương mù. Một đêm canh sương mù để tích nước, có thể giải quyết khâu rửa mặt cho hơn một trăm học sinh.

Thầy Hiệu trưởng Long Văn Ngạn dẫn đầu “đoàn kiến cõng nước” ngược dốc mỗi chiều. Ảnh: Ngân Chi

Thầy Hiệu trưởng Long Văn Ngạn dẫn đầu “đoàn kiến cõng nước” ngược dốc mỗi chiều. Ảnh: Ngân Chi

Tiếp lời, thầy Long Văn Ngạn (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Gia Khâu) chia sẻ: “Tuy nhiên, các sinh hoạt khác vẫn chưa được đáp ứng. Vì vậy, nhà trường vận động học sinh đi lấy nước ở bể chứa chung của thôn, người dân trong thôn đồng ý cho nước, nhưng không được bơm, chỉ được xả vào can rồi xách về.

Bên cạnh mục đích cung cấp đủ nước cho ngày hôm sau, chúng tôi còn coi đây là một trong những cách giáo dục các em biết trân quý, tiết kiệm nước và cũng hoạt động rèn luyện thể lực cho cả thầy và trò sau mỗi buổi học. Đặc biệt, với học sinh, sau mỗi buổi học, các em sẽ dành thời gian cũng thầy cô và các bạn, cũng giảm được chuyện các em rủ nhau đi chơi ở các khu vực có địa hình nguy hiểm”.

Cô giáo Hoa cũng chính là một trong số những giáo viên thân thuộc nhất với hoạt động này. Cô tâm sự: “Vào các ngày cuối tuần, các thầy cô sẽ tranh thủ đi chở nước từ xa về, có nơi cách đến 4-5km. Còn vào các ngày trong tuần, sau mỗi giờ học buổi chiều, các thầy cô lại cùng học sinh đi xách nước ở bể chứa của người dân cách đó cả cây số. Đều đặn mỗi chiều, thầy trò xách đi xách lại 2-3 chuyến, mỗi chuyến, học sinh mang một can nước còn giáo viên mang 2-3 can nước. Từng đó mới có thể duy trì sinh hoạt cho ngày học tiếp theo”.

Học sinh sau khi lấy nước sẽ đổ vào bể chứa, để dành cho ngày hôm sau sử dụng. Ảnh: Ngân Chi

Học sinh sau khi lấy nước sẽ đổ vào bể chứa, để dành cho ngày hôm sau sử dụng. Ảnh: Ngân Chi

Tuy nối đuôi nhau đi xách nước như vậy, nhưng thầy trò vẫn phải sử dụng hết sức tiết kiệm, chi li. Chẳng hạn, nước vo gạo, rửa rau được giữ lại để sử dụng trong sinh hoạt, rồi tiếp tục tận dụng để tưới cây, trồng thêm rau xanh cho bữa ăn bán trú của học sinh… Trước đây, thậm chí, có cả chuyện, một số giáo viên mỗi khi đến nhà vận động học sinh đi học, thường phải mang theo quần áo để… tắm nhờ.

“Nhà trường đang mong muốn xây thêm một bể chìm từ 300-500 mét khối, để hứng nước từ toàn bộ mái nhà, dự trữ đủ cho một năm học”, thầy Bùi Ngọc Tuấn bày tỏ.

Chỉ mong sao, câu chuyện về “đoàn kiến cõng nước” ở Tả Gia Khâu sớm tìm được hồi kết, thay vào đó, sẽ không còn nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, đong đếm từng giọt như hiện tại.

Ngân Chi