Có đạt được mục tiêu NQ 35 của CP hay không, vấn đề nằm ở chính các địa phương

27/07/2022 06:32
Linh Hương (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là nhấn mạnh của thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.

LTS: Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Đặc biệt một trong những quan điểm mà Nghị quyết 35 nêu ra là “xã hội hoá giáo dục và đào tạo cần được coi là một chỉ tiêu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…”

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết này, để nhìn nhận tính hiệu quả, quy mô của hệ thống giáo dục ngoài công lập ra sao, hôm nay Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, người được coi là "cây đa, cây đề" của hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Phóng viên: Thầy đánh giá như thế nào về sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện nay và những đóng góp của giáo dục ngoài công lập đối với sự nghiệp giáo dục?

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Phải nói rằng, tính đến nay, hệ thống giáo dục ngoài công lập đã hình thành và phát triển hơn 30 năm. Lý do tôi đưa ra mốc hơn 30 là vì năm 1989 Hà Nội cho phép thí điểm mở một vài trường dân lập đầu tiên trong đó có trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh và Trung tâm Đại học Thăng Long (nay là Trường Đại học Thăng Long).

Tính đến nay là sau 33 năm, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hệ thống giáo dục ngoài công lập từ mầm non cho đến đại học trên toàn quốc đã phát triển tương đối nhiều so với thời kỳ đầu nhưng vẫn đang là con số khiêm tốn so với toàn hệ thống giáo dục.

Thầy Nguyễn Xuân Khang (ảnh: Thuỳ Linh)

Thầy Nguyễn Xuân Khang (ảnh: Thuỳ Linh)

Cụ thể, ngày 30/6 vừa qua, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Vũ Minh Đức thông tin, theo niên giám thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, toàn quốc có hơn 4.000 trường ngoài công lập với trên 1,8 triệu học sinh, sinh viên (chiếm tỷ lệ 7% số với tổng số học sinh, sinh viên cả nước). Số lượng nhà giáo đang làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập có khoảng 135 ngàn người (chiếm tỷ lệ khoảng 11% so với tổng số giáo viên/giảng viên cả nước).

Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương đều có giáo dục ngoài công lập từ mầm non trở lên, tuy nhiên thường tập trung nhiều ở vùng đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Như vậy, nhìn một cách tổng quát cho thấy hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ở những địa phương mà tiềm lực kinh tế của người dân ở mức khá trở lên. Bởi chi phí cho giáo dục ngoài công lập yêu cầu người dân phải bỏ ra lớn hơn rất nhiều lần so với chi phí ở trường công lập.

Có thể nói, với tỉ lệ 7% học sinh, sinh viên đang theo học đã và đang khẳng định vai trò giáo dục ngoài công lập là một thành phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, gánh vác một phần tải trọng cho giáo dục của cả nước.

Mục tiêu mà Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đặt ra là:

“Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025. Cụ thể:

- Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.

- Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 2,3% và 2,6%; đến năm 2025, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập là 2,7% và 3%.

- Đối với giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%.

- Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ 40%”.

Cứ cho là năm 2025 chúng ta đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 35 nêu ra thì con số đó vẫn đang rất ít. Vì sao, tôi nói như vậy? Bởi trong một thời gian dài từ 1989 đến nay mà số cơ sở cũng như số người tham gia học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập vẫn đang ở mức khiêm tốn.

Điều này đến từ nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi nguyên nhân cơ bản nhất là khả năng tài chính của nhiều người dân còn nghèo, khi nghèo thì chủ yếu cần dựa vào nguồn lực của nhà nước chứ tự bỏ kinh phí để học bị hạn chế.

Nhiều chuyên gia đánh giá Nghị quyết 35 là một bước tiến để thúc đẩy nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thầy có đồng ý với ý kiến đó không? Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 35, cá nhân thầy có nhận thấy sự thay đổi nào không?

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Trước tiên, phải nói rằng Đảng và Nhà nước có đường lối, chính sách để phát triển giáo dục giáo dục ngoài công lập rất sáng suốt và đúng đắn. Tôi còn nhớ, văn bản đầu tiên của Chính phủ đối với việc xã hội hoá một số lĩnh vực đó là Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ban hành ngày 19/8/1999 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký. Đây là Nghị định đầu tiên xác định những ưu đãi cho 4 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao.

Đó cũng là văn bản chính sách đầu tiên của Chính phủ đối với hệ thống giáo dục ngoài công lập nói riêng và xã hội hoá các lĩnh vực khác như y tế, văn hoá, thể dục thể thao nói chung.

Từ đó đến nay rất nhiều văn bản về xã hội hoá được ban hành, văn bản sau tích cực hơn văn bản trước tuy nhiên thống kê cho thấy hệ thống giáo dục ngoài công lập có phát triển nhưng sau hơn 30 năm vẫn đang ở tỷ lệ khiêm tốn vì “sức dân” còn nghèo.

Và điều quan trọng nữa là chính sách của Trung ương rất nhiều, đúng và trúng nhưng khi địa phương áp dụng vào thực tiễn có nơi tích cực, nơi lại chưa.

Theo tôi cảm nhận, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thông tư của ngành giáo dục đối với việc xã hội hoá giáo dục một cách tích cực nhất và hiệu quả nhất.

Tiếp đến là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…Còn lại, ở nhiều địa phương dù chính sách có rồi nhưng để đi vào thực tiễn lại là một câu chuyện dài, nhiều khó khăn.

Thực tế là, nhiều cá nhân, tổ chức muốn đầu tư vào cho giáo dục ở một số địa phương không dễ chút nào. Khó khăn đó thể hiện ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất là, đất để xây trường rồi chính sách về thuế, ưu đãi về tiền thuê đất… không dễ chút nào dù Chính phủ “bật đèn xanh” bằng các nghị định, nghị quyết.

Tôi nói cụm từ “bật đèn xanh” là dẫn lại câu nói của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ở buổi thảo luận cuối cùng trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Nghị định 73/1999 tại Phủ Thủ tướng. Lúc bấy giờ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phụ trách lĩnh vực Văn hoá– Xã hội có gặp các bộ chức năng gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và một số chuyên gia giáo dục, đại biểu của một số trường ngoài công lập và tôi may mắn được tham gia buổi đó.

Tại cuộc thảo luận đó, tôi có đề cập tới nội dung đất đai. Khi đó, tôi băn khoăn rằng chưa có trường ngoài công lập nào ở Hà Nội được giao đất, thuê đất để làm trường trong khi Nghị định nêu ra việc Chính phủ sẽ giao đất cho các trường xây dựng, tôi lo việc này khó thực hiện, tính khả thi của Nghị định sẽ hạn chế bởi đất đai ở Hà Nội được ví như đất “vàng”, khác với đất ở nhiều tỉnh thành khác.

Khi đó Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói rằng, phải có Nghị định này nghĩa là Chính phủ “bật đèn xanh” thì các địa phương mới thực hiện việc giao đất cho các trường. Quả thật 5-10 năm sau, có trường ngoài công lập ở Hà Nội được có giao đất. Và trường tôi là trường Marie Curie 11 năm sau cũng được giao đất. Cũng nhờ có Nghị định 73/1999 mà chúng tôi mới có điều kiện như vậy. Nhưng nhiều địa phương khác không dễ chút nào, thậm chí nói đúng hơn là rất khó khăn.

Thứ hai, vấn đề thủ tục hành chính thì như rừng rậm mà không có đường mòn, các nhà đầu tư giáo dục muốn đi thì cực kỳ vất vả, sự vất vả đó không thể nói hết.

Theo thầy tiến tới cần làm gì để giáo dục ngoài công lập phát triển hơn nữa và làm sao trong 3 năm tới có thể đạt được mục tiêu đề ra của Nghị quyết 35/2019?

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Về vấn đề xã hội hoá, tôi nhận thấy đường lối của Đảng đã chuẩn xác, số lượng nghị quyết, nghị định của Quốc hội, của Chính phủ đã đủ nhiều. Với chừng ấy văn bản nếu đi vào được cuộc sống một cách thuận lợi thì đã quý lắm rồi. Vấn đề hiện nay là làm sao các chính sách đó đi vào cuộc sống thuận lợi hơn để tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp cận được với các chính sách ưu đãi của nhà nước về đất đai, tài chính để có thể phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng như thu hút người học vào hệ thống này.

Thực ra, quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 35 đã nêu “xã hội hoá giáo dục và đào tạo cần được coi là một chỉ tiêu trong định hướng phát triển kinh tế -xã hội của địa phương”. Điều này cho thấy, nếu địa phương thực hiện đúng theo quan điểm đó thì sẽ tạo điều kiện để giáo dục ngoài công lập phát triển.

Nhưng điều này cần phải có thời gian, không phải bi quan nhưng tôi dự đoán, nhận thức chung của nhiều lãnh đạo địa phương trong vòng 1 thập niên tới sẽ không có nhiều thay đổi vì cơ bản họ vẫn coi trọng giáo dục công lập, kinh tế nhà nước nói chung. Tức là giáo dục ngoài công lập vẫn chưa được đặt vào vị trí ưu tiên, xứng đáng với sự đóng góp của nó.

Chưa kể, cũng nhiều cán bộ ở địa phương chưa coi sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập có lợi ích chung cho xã hội, có ích cho địa phương và có ích cho người học mà họ nhìn nhiều hơn ở góc độ lợi ích của người làm giáo dục ngoài công lập.

Theo tôi, giáo dục ngoài công lập có 3 lợi ích tồn tại song song nếu một trong 3 lợi ích này bị triệt tiêu thì sẽ không tồn tại giáo dục ngoài công lập bao gồm lợi ích nhà nước, lợi ích của người dân và lợi ích của người đầu tư.

Thứ nhất, lợi ích của nhà nước: ngay ở Nghị quyết 35/2019 đã xác định “việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo không để thay thế mà là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước”. Đây là quan điểm rất đúng. Tức là giáo dục ngoài công lập sẽ hỗ trợ, góp phần giảm bớt gánh nặng cho phần ngân sách nhà nước.

Nếu địa phương thấy được lợi ích này thì rõ ràng nên khuyến khích, tạo điều kiện đầu tư cho loại hình ngoài công lập phát triển để giảm bớt gánh nặng. Nhưng nếu chỉ nhìn lợi ích của người đầu nên không khuyến khích, động viên, gây khó khăn thì làm sao giáo dục ngoài công lập có cơ hội phát triển được.

Thứ hai, lợi ích của người dân thì rõ rồi, gia đình nào có điều kiện và họ tính toán kỹ lưỡng xem cơ sở giáo dục ngoài công lập nào đó phù hợp thì sẽ gửi con vào trường đó.

Thứ ba, lợi ích của người đầu tư vào giáo dục ngoài công lập tất nhiên phải có chứ đầu tư dẫn tới phá sản, không có lãi thì chẳng ai có hào hứng để làm. Nhưng nhà nước cũng đã điều tiết lợi ích của nhà đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân nên địa phương không cần lo lắng về vấn đề này.

Cho nên có đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đặt ra hay không thì vấn đề nằm ở chính các địa phương mà thôi.

Trân trọng cảm ơn thầy Nguyễn Xuân Khang.

Linh Hương (thực hiện)