Cô giáo cắt tóc học sinh trong lớp có thể trở thành người hùng hoặc tội đồ

10/04/2021 06:56
Lê Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự việc cô giáo ở Nam Định cắt tóc học sinh ngay tại lớp vì cho rằng đó là kiểu tóc đầu gấu đã gây ra những tranh luận trái chiều.

Theo thông tin phản ánh của phụ huynh với các cơ quan báo chí, sự việc xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định vào ngày 22/3/2021.

Em Trần Xuân B., học sinh lớp 8, bị cô giáo chủ nhiệm là Trần Thị Hường lấy kéo cắt tóc ngay trên lớp học vì cho rằng kiểu tóc của em như "đầu gấu".

Anh Trần Văn Bắc, phụ huynh của học sinh trên cho biết, cô chủ nhiệm không nghe lời giải thích của con anh mà tự ý cầm kéo cắt tóc cháu ngay tại lớp học. Khi về nhà, cháu khóc lóc kể lại. Anh đã đi gặp hiệu trưởng nhà trường để nói chuyện nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lời giải thích nào.

Cũng theo anh Bắc, con anh chỉ cắt đúng 1 kiểu tóc từ cửa hàng của người quen ngay tại cổng trường. Từ lớp 1 đến lớp 8, chưa ai nói gì về kiểu tóc của cháu.

Anh Bắc bức xúc cho rằng, trước khi “xẻo tóc” của học sinh, giáo viên nên có trao đổi, nghe giải thích hoặc đưa ra một kiểu tóc theo quy định để học sinh và phụ huynh thực hiện theo, không nên hành xử bộc phát như thế.

Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Nam Định, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Trường Trung học cơ sở Quang Trung

Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Nam Định, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Trường Trung học cơ sở Quang Trung

Sự việc trên gây nên những phản ứng trái chiều từ dư luận, một phụ huynh đồng tình với cô giáo:

“Không có những thầy cô nghiêm khắc thì trường học thành gánh xiếc à? Mềm không được thì phải rắn. Ngày xưa chúng tôi sợ thầy cô một phép, giờ làm bố rồi mới thấy biết ơn cô, không có cô thì học sinh cá biệt ngày đó như tôi chưa biết có thành người tử tế được như ngày hôm nay”.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh cho rằng hành động của cô giáo trên là vi phạm quyền con người:

“Đành rằng cái răng cái tóc là góc con người nhưng giờ xã hội phát triển, hội nhập, đầu tóc không thể hiện được bản chất, tính cách bên trong con người.

Quan trọng nhà trường dạy được gì cho học sinh để sau này các con trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội hơn là đi soi tóc tai các con có đầu gấu hay không”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư.Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:

“Tôi không ủng hộ việc học sinh đến trường mà mỗi em một kiểu tóc, một kiểu trang phục. Nếu ở bên ngoài trường, các em muốn ăn mặc như thế nào cũng được, muốn để kiểu tóc như thế nào cũng được. Tuy nhiên, nếu đã vào trường học, các em phải tuân theo những quy định chung về trang phục, đầu tóc, ngôn ngữ...

Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành động của cô giáo cũng sai vì:

Cô không thể quy chụp kiểu tóc “đầu gấu” hay không. Việc quy chụp mang đến đến cảm nhận bị xúc phạm, hạ thấp, hàm ý không tôn trọng. Chỉ nên đưa ra nhận xét kiểu tóc phù hợp hay không phù hợp với những quy định đã thống nhất, đã được thông báo công khai đến các bên ví dụ như: Em thấy việc để tóc như thế này đúng quy định hay chưa? Nếu em thấy chưa đúng quy định thì em nghĩ nên làm gì?

Hành động cắt tóc của cô giáo trong trường hợp này cũng sai vì bối cảnh và cách thức nó xảy ra khiến chúng ta đều hiểu cô giáo đang bực bội vì một học sinh hư lại để kiểu tóc đầu gấu đến trường và cô cần phải trừng phạt bằng cách cắt tóc cho chừa đi. Chính điều này làm cho hành vi của giáo viên bị lên án.

Trên thực tế, nếu giáo viên cắt tóc học sinh nhưng nói “Em cắt tóc như thế này đến trường là không phù hợp với yêu cầu rồi. Bây giờ có một giải pháp là cô chỉnh sửa cho em nhé? Cô cắt tóc giỏi lắm đó nhé, cô toàn cắt tóc cho con trai cô thôi”. Như vậy, hành vi của cô không những không bị phê phán mà còn được tuyên dương.

Chúng ta thấy qua sự việc này rằng để có được kỷ luật tích cực, xây dựng được trường học hạnh phúc, điều quan trọng không thể nói với nhau làm gì mà quan trọng hơn là làm việc đó như thế nào. Cùng một hành động cắt tóc, có thể cô sẽ trở thành người hùng, một người nhà giáo truyền cảm hứng, hoặc là cô sẽ trở thành tội đồ”.

Phó Giáo sư.Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phó Giáo sư.Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giáo dục của chúng ta hiện nay đang đi theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, tức là đi theo hướng cá nhân hóa. Chúng ta khuyến khích những ý tưởng mang tính chất sáng tạo, độc đáo.

Những ý tưởng sáng tạo, độc đáo đó có thể được thể hiện qua diện mạo, trang phục,… Thế nhưng, chấp nhận không có nghĩa là vô kỷ luật:

“Các em học sinh có thể thể hiện cá tính ở những hoạt động hoặc môi trường phù hợp, nhưng trong trường học, chúng ta đã có một quy định thống nhất chung về trang phục, đầu tóc, hành vi ứng xử, các em phải tôn trọng quy định đó.

Giáo viên cũng có thể giải thích cho học sinh biết tại sao lại có quy định thống nhất chung đó là để hướng đến sự bình đẳng trong giáo dục. Tại sao học sinh phải mặc đồng phục? Tại vì để cho những em không có điều kiện, hoàn cảnh, không thể ăn mặc “xì tin” như các bạn khác thì ít nhất, khi đến trường, tất cả các em đều giống nhau, đều cảm thấy được đối xử công bằng như nhau.

Nếu chia sẻ với học sinh như thế, chắc các em sẽ chấp nhận để thay kiểu tóc khác”, Phó Giáo sư. Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Trước đây, giáo viên có thể dùng các công cụ “kỷ luật truyền thống” để dạy dỗ học sinh vì nó nhanh thay đổi hành vi hơn và hậu quả thì chưa nhìn thấy. Tuy nhiên, hiện nay, quyền của người học tăng lên khiến cho một bộ phận giáo viên cảm thấy như mình bị tước đi công cụ kỷ luật, việc giáo dục học sinh trở nên khó khăn hơn.

“Thực tế, giáo viên không bị tước đi công cụ xử phạt học sinh mà giáo viên được cung cấp một cách thức mới để quản lý học sinh. Cách thức này là cần thiết vì nó phù hợp với các công ước, các văn bản pháp quy quốc tế mà chúng ta đã ký kết.

Trước đây, chúng ta quen quản lý học sinh bằng quyền thế, bằng vị trí của mình, bằng bạo lực,… Và hệ quả là xã hội đã có quá nhiều hình mẫu bạo lực, học sinh cũng tập nhiễm những hành vi bạo lực học đường

Nếu chúng ta tiếp tục dạy trẻ bằng “kỷ luật truyền thống” thì chúng ta sẽ gián tiếp dạy trẻ sợ những người quyền thế, sợ những người có bạo lực. Đến khi đứa trẻ đó có quyền thế, có vị trí, có bạo lực thì nó cũng sử dụng bạo lực với người khác.

Còn bây giờ, kỷ luật tích cực là quản lý hành vi học sinh bằng sự tôn trọng, bằng sự chấp nhận, bằng sự thấu hiểu lẫn nhau và sẵn sàng tự hợp tác để phù hợp với triết lý giáo dục mới đó là phát triển năng lực, phát triển tư duy sáng tạo và tư duy phản biện.

Thực tế, các thầy cô chưa tin 100% rằng kỷ luật tích cực có hiệu quả. Bên cạnh đó, thầy cô chưa có kỹ năng để quản lý lớp học một cách tích cực, cốt lõi của việc đó là vì các thầy cô không thực sự tập trung vào đứa trẻ, không thực sự phát triển được các mối quan hệ thân thiết, yêu thương với đứa trẻ, đứa trẻ nhìn cô với một khoảng cách thì làm sao có thể sử dụng “kỷ luật tích cực được”, Phó Giáo sư.Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Mục tiêu của hoạt động giáo dục là phát triển đồng bộ cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Hoạt động giáo dục cần sự phối hợp đồng bộ của 4 bên: giáo viên, nhà trường, gia đình và xã hội.

Theo Phó Giáo sư.Tiến sĩ Trần Thành Nam, trong sự việc lần này, cả giáo viên và gia đình cũng cần phải rút ra những bài học:

“Thứ nhất, phụ huynh phải là tấm gương đạo đức cho trẻ noi theo, khi trẻ đến trường, biết là gia nhập một tổ chức nào đó thì phải tôn trọng những quy định của những tổ chức đó, hiểu được ý nghĩa tại sao mình phải tôn trọng, tại sao phải tuân theo.

Thứ hai, khi có bất cứ việc gì xảy ra giữa giáo viên và con, phụ huynh không nên diễn giải sự việc dựa theo suy luận quy chụp chủ quan, dựa theo góc nhìn của mình. Một mặt, phụ huynh phải giải thích được những ý nghĩa đằng sau hành vi của giáo viên cho bạn học sinh được biết. Ví dụ, đằng sau hành động được cho là cô giáo tức giận với con có thể là gì? Đó là sự quan tâm, lo lắng, yêu thương với con thì câu chuyện đã không bị xé to ra.

Thứ ba, giáo viên cần có những kỹ năng quản lý lớp học tích cực. Tôi tin các thầy cô không bao giờ có mục đích xấu, chỉ muốn dạy cho đứa trẻ biết phải tôn trọng nội quy. Nhưng điều quan trọng cách cô làm thế nào để không xâm phạm quyền lợi của đứa trẻ, không đặt mình vào nguy cơ bị người khác diễn giải sai hành động đó”.

Lê Đình Hùng