Cô giáo Nghệ An đề xuất giải pháp chấm dứt dạy, học theo văn mẫu, bài mẫu

19/08/2021 07:16
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề của Bộ vẫn như cũ thì rất khó làm thay đổi thực trạng

Tại tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã lưu ý ngành giáo dục: Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An (Ảnh N.V)

Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An (Ảnh N.V)

Có thể nói, chuyện giáo viên dạy theo văn mẫu, học sinh học thuộc văn mẫu đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế của ngành giáo dục chúng ta hiện nay. Vì thế, để xóa bỏ thói quen học và dạy văn thế này, chắc chắn không phải là điều đơn giản và rất khó thực hiện nếu không có cuộc đổi mới đồng bộ từ trung ương đến địa phương

Vì sao giáo viên và học sinh phải dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu

Người viết bài đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 2, tỉnh Nghệ An về vấn đề này.

Trước khi đưa ra những giải pháp, cô giáo Nguyễn Thị Thu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy và học theo văn mẫu, bài mẫu trong các trường học hiện nay xuất phát cả 2 yếu tố: giáo viên và học sinh.

a/ về phía giáo viên

Trong thực tế, vẫn còn một số giáo viên ít chịu khó học hỏi để thay đổi, vẫn luôn ỉ lại khuôn mẫu. Dạy những cái có sẵn bao giờ cũng dễ dàng hơn dạy những điều mới. Một số khác (đặc biệt là giáo viên trẻ) chưa được trải nghiệm, cọ xát thực tế như đi chấm thi học sinh giỏi văn, chấm giáo viên dạy giỏi nên chưa mạnh dạn thay đổi để tiếp cận cái mới.

Tuy thế, giáo viên không chịu đổi mới phần nhiều là do học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thu lấy ví dụ: Ví như dạy lớp chọn, mình chuẩn bị cả tuần chỉ dạy 1 buổi thì hết kiến thức nên bắt buộc thầy cô phải chuẩn bị bài giảng kĩ, phải đọc nhiều, tìm hiểu nhiều. Dạy học sinh giỏi mà giáo viên không học thêm, không đầu tư có khi còn thua cả học trò.

Nhưng với học sinh không chịu học, không cần học thường giáo viên cũng chẳng cần chuẩn bị kiến thức, chỉ tìm cách để các em nghe, hiểu và nắm cách làm để không bị điểm thấp là đủ rồi.

Học sinh không đam mê, không thích học nên mình nói nhiều cũng không lọt vào tai lại phí công chuẩn bị. Giáo viên lên lớp không cần soạn bài, không cần đọc thêm vì những học sinh này có chịu học đâu mà cần phải mới? Có em không đầu tư môn nào cũng không muốn học.

b/ về phía học sinh

Có những học sinh không biết gì, không ham học, không đam mê học và cả không thèm học. Gặp những học sinh thế này, buộc giáo viên phải dạy theo khuôn mẫu. Thường thì thầy cô phải cho những em này học thuộc lòng để chép vào bài cho có điểm.

Đó có thể là, một nguyên mẫu mở và kết bài về thơ, văn, để khi gặp đề bài nào cũng có thể chép vào được. Học thuộc để chép chứ không hề có cảm xúc vì căn bản các em không đam mê, không cần học.

Học sinh không chịu học được phân thành 2 nhóm. Những học sinh không thích môn học này vì chính các em đang dồn sức cho những môn học sẽ thi đại học.

Nhóm 2 là những em thật sự không biết gì, đến gần ngày thi vì sợ điểm thấp mới quay cuồng tìm cách học đối phó. Đã có lần, gần đến ngày thi có em đến nhờ cô dạy cho ít buổi.

Em nói mình không biết gì. Để giúp học sinh trong tình thế cấp bách thế, cô giáo đã phải ngồi ôn lại những kiến thức trọng tâm, phải lựa chọn đề để đối thoại và bày cho em cách làm bài tránh bị điểm liệt.

Cô giáo nói buộc phải hướng dẫn cái gì dễ hiểu nhất như việc cho khuôn mẫu để làm văn như cách làm mở bài, kết bài, còn thân bài vào đó thì tùy cơ mà ứng biến. Nhiều giáo viên đã không chịu tìm tòi, học hỏi cũng bởi thường xuyên dạy những đối tượng này. Vì có học hỏi, có đầu tư, có cháy hết mình trong bài giảng nhiều em cũng không nghe nên chán.

Những giải pháp chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò

Thứ nhất, giáo viên phải có tâm với nghề, biết đối tượng học sinh để khai thác độ đam mê về văn, phải biết khơi gợi cho các em yêu môn học chứ không nên chê bai để làm mất nguồn cảm hứng của các em, phải thực sự thu hút, thuyết phục học trò bằng những bài giảng hay.

Thứ hai, Ban chuyên môn nhà trường phải nắm được nguyện vọng của từng học sinh. Như ước muốn học khối nào? Có thế mạnh môn học gì? (dù điều này rất khó, như xem học bạ cấp 2, xem điểm thi vào 10, xem đơn nêu nguyện vọng của từng em).

Tránh xảy ra tình trạng xếp không đúng lớp, đúng ban để có em học gần hết lớp 12 mới xin chuyển ban, chuyển khối.

Nắm bắt đúng tâm tư nguyện vọng của học sinh để xếp cho các em học đúng lớp là cách không ép học trò và không ép mỗi giáo viên. Nếu một lớp, học sinh có lực học đều thì cả thầy và trò đều cảm thấy thoải mái.

Thứ ba, phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh, điều này là cần thiết và vô cùng quan trọng. Ví như bố mẹ thích cho con học lớp này, khối này mà con lại không thích và ngược lại.

Giáo viên phải là người nói chuyện trực tiếp với phụ huynh để thấu hiểu và cùng phối hợp cho con ngồi đúng lớp, đúng năng lực của các em, nhằm phát huy sự đam mê học tập.

Thứ tư, Bộ giáo dục cần đổi mới cách ra đề theo đúng hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Đổi mới phải từ cách dạy, cách học, cách ra đề thi thì mới nhịp nhàng. Nếu chỉ kêu gọi mình cơ sở đổi mới nhưng cách ra đề, cách chấm văn của Bộ vẫn như cũ hoặc không có sự đổi mới nhiều thì rất khó làm thay đổi thực trạng. Hành trình đổi mới phải từ trung ương rồi đến địa phương mới thật sự hiệu quả.

Phan Tuyết