Cô giáo trẻ vùng cao kiên cường chiến đấu với bạo bệnh, cần lắm những tấm lòng

11/07/2021 06:54
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo vùng cao Lò Thị Thương đang có những ngày hạnh phúc nhất trên mục giảng thì tai họa ập xuống. Tin bị bạo bệnh khiến cô giáo trẻ sụp đổ

Tâm sự với Phóng viên, cô giáo Lường Thị Thuận, Hiệu trưởng trường Mầm non Nà Bủng (xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) cho biết, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường đã và đang cố hết sức mình để đưa cô giáo Lò Thị Thương trở lại trường Nà Bủng.

Cô giáo Lò Thị Thương (sinh năm 1997) là một trong những cô giáo mầm non trẻ, xinh xắn nhất trường vùng biên Nà Bủng.

Cô giáo trẻ Lò Thị Thương. Ảnh FB nhân vật

Cô giáo trẻ Lò Thị Thương. Ảnh FB nhân vật

Chỉ mới ba tháng trước đây thôi, cô Thương còn khỏe mạnh, hoạt bát trong từng điệu múa câu hát với học trò, thế nhưng, bây giờ, bạn bè, đồng nghiệp không còn nhận ra Thương với thân hình tiều tụy trên giường bệnh.

Cô Thuận cho biết, hồi đầu năm, mọi người thấy Thương gầy đi nhiều nên cũng đã hỏi thăm Thương, đồng thời khuyên Thương đi khám sức khỏe tổng quát.

Không ai nghĩ, một cô giáo mầm non như Thương, mới 24 tuổi, đang ở độ tuổi rất trẻ, rất yêu đời, vẫn chưa có gia đình lai mắc căn bệnh quái ác ung thư cổ tử cung.

“Khi nhận được tin Thương bị bạo bệnh, chị em trong trường ai nghe cũng trào nước mắt, mọi thứ như dập tắt trước mắt em ấy vậy. Tuy nhiên bạn ấy rất lạc quan, luôn tỏ ra mạnh mẽ, giờ lên lớp vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và lạc quan với học trò. Thương luôn dấu đi nỗi đau, đến khi mệt thật sự rồi mới dám nói đau ở đâu”, cô giáo Thuận chia sẻ về đồng nghiệp trẻ tuổi.

Cô giáo Lò Thị Thương bên học trò nhỏ của mình ở Mầm non Nà Bủng. Ảnh: FB nhân vật

Cô giáo Lò Thị Thương bên học trò nhỏ của mình ở Mầm non Nà Bủng. Ảnh: FB nhân vật

Nói thêm về hoàn cảnh của Thương, cô giáo Lường Thị Thuận cho biết, hoàn cảnh của Thương rất khó khăn, bố mất sớm, 3 mẹ con phải nương tựa nhau để sống.

Thương có ước mơ làm cô giáo mầm non nên đã tạm xa mẹ và em lên vùng biên giới Nậm Pồ để thực hiện ước mơ làm cô giáo mầm non. Thế nhưng chẳng được bao lâu thì Thương gặp bạo bệnh.

"Tưởng rằng có công việc ổn định rồi, cuôc sống của Thương sẽ khá hơn trước nhiều, ai ngờ được đâu đến ngày vay tiền qua lương về để trang trải nợ nần cho mẹ, thì số tiền ấy lại chính là tiền chữa bệnh cho bản thân.

Thương đã đã tự dằn vặt bản thân rất nhiều vì chẳng giúp được mẹ, mà chỉ mang thêm gánh nặng.

Chị em giáo viên trong trường nhiều người cuộc sống còn khó khăn, nhưng tình đồng nghiệp nên mỗi người góp một chút, một ít để phụ Thương lúc này. Tổng số tiền chị em trong trường mới góp được 10 triệu đồng. Chưa thấm là bao đối với bệnh tình của Thương. Mọi người cũng đang cố gắng kêu gọi ủng hộ, hi vọng có thể kéo Thương trở lại lớp học thay vì giường bệnh”, cô giáo Thuận chia sẻ.

Lò Thị Thương bên giường bệnh. Anhr

Lò Thị Thương bên giường bệnh. Anhr

Nói về hoàn cảnh của cô giáo Lò Thị Thương, Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết Phòng cũng đã thăm hỏi động viên cô giáo Lò Thị Thương. Hiện tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cũng đã phát động tinh thần tương thân tương ái trong cán bộ giáo viên của huyện Nậm Pồ giúp đỡ cô Thương.

Mọi người có thể liên hệ trực tiếp qua số điện thoại: 0961.249.570 (cô Bang, mẹ cô giáo Lò Thị Thương) để hỗ trợ gia đình.

Mọi sự giúp đỡ có thể thông qua số tài khoản của đồng nghiệp cô giáo Lò Thị Thương:

Lù Thị Loan 027989700001 Ngân hàng bưu điện Liên Việt (lienvietpostbank)

Theo nghĩa tiếng Mông, Ngải Thầu là chân tảng đá, Nà Bủng là ruộng sâu róm. Dãy Ngải Thầu cao 1.500m so với mặt nước biển.

Nhìn trên bản đồ, điểm nhô ra xa nhất trên đường biên tiếp giáp nước bạn Lào của tỉnh Điện Biên ấy là xã Nà Bủng của Nậm Pồ.

Ở đó, có tiếng trẻ thơ ê a những bài học đầu đời, những đứa trẻ bắt đầu chập chững với ước mơ về những bữa cơm no, áo ấm.

Từ những năm tháng ấy, việc “gieo chữ” ở xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Nậm Pồ là cả một hành trình dài, không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp các ngành mà hơn cả là sự vượt qua những gian khó của các cô giáo mầm non.

Những năm trước, những thầy cô giáo gan dạ nhất, quyết tâm nhất cũng đã từng không ít lần “chông chênh” khi nhận công tác tại vùng Nà Bủng này.

Thế nhưng, nhiệt huyết, thanh xuân và hơn cả là lòng yêu mến con trẻ đã níu chân các thầy, cô giáo ở lại.

Trần Phương