Cô giáo ứng cử Đại biểu Quốc hội trăn trở, cần làm gì cho giáo dục tốt lên?

21/05/2021 06:49
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài toán thu nhập được giải quyết, giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý dốc lòng cho nền giáo dục, chất lượng giáo dục nước nhà sẽ được cải thiện đáng kể.

Tự hào gắn với trách nhiệm

Nhân dân cả nước đang hướng về ngày 23/5, ngày hội toàn dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử. Mỗi lá phiếu của cử tri là thêm một lần gửi gắm, tin tưởng dành cho các đại biểu, những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội được nhân dân lựa chọn là những người tài đức vẹn toàn, có đạo đức, phẩm chất tốt đẹp, sâu sát, trăn trở với những kiến nghị của nhân dân, sau đó trình Quốc hội để có những giải pháp đi thẳng vào thực tế đưa đời sống nhân dân phát triển, đất nước hưng thịnh.

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, là một ứng viên ứng cử vào vị trí Đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Trương Thị Kim Huệ, Trường Trung học Cơ sở Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết:

“Là giáo viên, được tổ chức, lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng ủng hộ ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, bản thân tôi thấy rất vinh dự, hạnh phúc, tự hào nhưng trách nhiệm cũng rất lớn lao.

Nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội, ngoài trách nhiệm hiện tại là một giáo viên tôi sẽ hoàn thành thêm trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội, trở thành cầu nối giữa nhân dân với Quốc hội, truyền tải những ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến Quốc hội một cách nhanh chóng và kịp thời để đáp ứng nguyện vọng, sự tin tưởng của nhân dân”.

Cô giáo Trương Thị Kim Huệ, Trường Trung học Cơ sở Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Trương Thị Kim Huệ, Trường Trung học Cơ sở Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trở thành Đại biểu Quốc hội là đại diện tiếng nói của nhân dân trong tất cả các mặt của đời sống, đặc biệt là những lĩnh vực mang tính chuyên môn cao của mỗi đại biểu.

Tiếng nói của một giáo viên khi đứng ở cương vị là một Đại biểu Quốc hội sẽ vừa đứng ở vị trí của một nhà giáo đúng chuyên môn, nhưng cũng là một người được nhân dân tin tưởng trao gửi trọng trách vì tiếng nói chung của xã hội, của người dân, của đất nước.

Giáo dục được xem là mấu chốt của mọi vấn đề, bởi tri thức con người là chìa khóa quyết định tương lai, vận mệnh của cả một dân tộc.

Theo cô Kim Huệ, giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang chú trọng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài những thành tựu nhất định đã đạt được khi triển khai, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới cũng còn có những tồn tại nhất định.

“Nếu trở thành Đại biểu Quốc hội, việc đầu tiên tôi mong muốn thực hiện là cố gắng tìm hiểu những vướng mắc, bất hợp lý khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới vào thực tế.

Từ đó trình Quốc hội, cơ quan ban ngành những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ các nút thắt, đưa nền giáo dục ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao”, cô Huệ bày tỏ.

Cụ thể như, vấn đề sách giáo khoa, theo cô Huệ, nhiều bộ sách trong quá trình giảng dạy thực tiễn mới có thể hiểu rõ bộ sách nào phù hợp với vùng miền, địa phương nào.

“Đầu năm học có tập huấn, có sự đồng ý lựa chọn những bộ sách riêng. Tuy nhiên phải qua thực tế giảng dạy thì mới biết được ở mỗi một bộ sách, mỗi một môn học, từng bài giảng có bất cập ở chỗ nào để có sự chỉnh lý phù hợp.

Tập huấn đầu năm chỉ là định hướng, mang tính tổng quát chung chứ chưa thực sự chi tiết ở từng lĩnh vực nhỏ.

Còn vấn đề đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học ở địa phương hay đơn cử là trường tôi nói riêng và nền giáo dục cả nước nói chung đang được triển khai và thực hiện tương đối tốt, hiệu quả rõ rệt.

Chúng ta đã không còn đánh giá học sinh bằng điểm số, thành tích, kết quả kỳ thi mà đánh giá qua năng lực học tập thực tế của học sinh. Giáo dục đổi mới là phải tìm ra năng lực nổi bật của học sinh là gì, cần phải đầu tư, phát hiện ra thế mạnh đó để phát huy, chứ không phải dạy và học dàn trải như trước nữa”, cô Huệ đánh giá.

Cô Trương Thị Kim Huệ (áo xanh), bên cạnh đồng nghiệp cùng các em học sinh Trường Trung học Cơ sở Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Trương Thị Kim Huệ (áo xanh), bên cạnh đồng nghiệp cùng các em học sinh Trường Trung học Cơ sở Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nâng cao chất lượng dạy và học

Một trong những vấn đề cấp bách, luôn được đội ngũ nhân sự ngành giáo dục quan tâm hàng đầu, cũng là vấn đề có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận và xã hội đó là thu nhập của giáo viên, công nhân, viên chức ngành giáo dục.

Theo cô giáo Trương Thị Kim Huệ, thực tế cho thấy, thu nhập của giáo viên hiện nay khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Một số thầy cô ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135, có thu hút thì mức thu nhập còn ở mức tạm ổn. Tuy nhiên, đối với những địa phương không có thu hút, không có chế độ ưu đãi thì mức lương tương đối thấp, các thầy cô vẫn thường phải thực hiện các công việc khác để có thêm thu nhập giúp cuộc sống ổn định hơn.

“Nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ có những kiến nghị đối với Quốc hội về vấn đề lương của giáo viên, công nhân viên chức trong ngành giáo dục. Có thể giải pháp sẽ là tăng ngân sách đầu tư giáo dục để cải thiện mức lương cơ bản để giáo viên có thể sống bằng lương từ nghề dạy học.

Có như vậy, giáo viên mới chỉ cần đi dạy học cũng có thể đảm bảo cuộc sống của bản thân cũng như của gia đình họ.

Bài toán thu nhập được giải quyết, giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý dốc lòng cho nền giáo dục, chất lượng giáo dục nước nhà sẽ được cải thiện đáng kể.

Bởi thực tế hiện nay, rất nhiều giáo viên sáng đi dạy, chiều tranh thủ bán hàng, làm thêm các công việc khác như vậy thì không thể chuyên tâm hoàn toàn vào chuyên môn nhưng đó lại là một giải pháp kinh tế tạm thời đối với họ”, cô Huệ chia sẻ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đặt ra một số yêu cầu đối với toàn ngành giáo dục. “Học thật, thi thật, nhân tài thật” được xem là kim chỉ nam cho mục tiêu hướng tới của toàn ngành. Chính vì thế, việc ổn định kinh tế cho đội ngũ giáo viên để chuyên tâm vào giảng dạy cũng được xem là một giải pháp nâng cao chất lượng dạy học.

Theo cô Kim Huệ, việc học thật đã được chú trọng, hoàn thiện để có được quá trình học tập thiết thực nhất, chất lượng nhất. Tuy nhiên, vấn đề thi thật, phải nhận xét khách quan rằng, chất lượng, số liệu ảo vẫn còn tồn tại ở mức cao.

Trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm học này, vấn đề học thật, thi thật được triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Lấy thí dụ ngay trường mình công tác, cô Huệ cho biết: “Những năm về trước học thật là triển khai quá trình học tập chất lượng. Tuy nhiên, khi bước vào các kỳ thi, các thầy cô thường ôn trọng điểm, định hướng cho học sinh.

Hiện nay, theo phương pháp giáo dục đổi mới thêm vào đó là mục tiêu chất lượng giáo dục được đặt lên hàng đầu, chủ yếu các giáo viên hướng dẫn học sinh tự học, tự thi một cách nghiêm túc tuyệt đối.

Điều này có nghĩa rằng, các em bắt buộc phải ôn tập, phải rèn luyện tất cả các kiến thức đã được học từ đầu năm để tham gia vào các kỳ thi. Do vậy, kết quả học thật, thi thật được triển khai, học sinh đầu ra cuối cấp cũng chất lượng và đúng với thực lực được rèn luyện của các em”.

Mục tiêu của Thủ tướng được nhấn mạnh và trở thành giá trị cốt lõi xuyên suốt cho một nền giáo dục phát triển.

Tuy nhiên, để thực hiện được, cần có sự quan tâm, vào cuộc của toàn thể xã hội, trong đó có sự giám sát, kiến nghị và lắng nghe những ý kiến nguyện vọng của nhân dân từ những người Đại biểu Quốc hội có tâm, có tầm, có đạo đức, phẩm chất trúng cử trong thời gian tới.

Cao Kim Anh