Cô giáo về hưu nhưng “giáo án chưa khép lại”

06/04/2022 07:08
THÀNH TRUNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ dạy kèm miễn phí, cô Châu còn cùng chồng còn tất bật ngược xuôi lo bữa cho học trò nghèo suốt nhiều năm qua.

Hơn 10 năm qua, từ ngày nghỉ hưu, cô Lê Thị Châu (đường Nguyễn Phan Vinh, khu dân cư Lộc Phước 1, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã mở lớp dạy kèm miễn phí tại nhà. Nhiều học trò nghèo còn được cô nhận nuôi dưỡng, lo lắng cho từ sách vở, áo quần đến từng chiếc khăn quàng khi đến lớp.

Về hưu nhưng chưa khép lại giáo án

Hơn 40 năm làm nghề “gõ đầu trẻ” ở miền biển Thọ Quang (Sơn Trà), năm 2011, cô Châu nhận quyết định nghỉ hưu. Ngày cô rời bục giảng, ai cũng nghỉ cô sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch đây đó, vui vầy cùng cháu con.

Cô Lê Thị Châu được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tri ân trong chương trình kỷ niệm 5 năm "Gala Tôi yêu Đà Nẵng 2017-2021". Ảnh: HNA

Cô Lê Thị Châu được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tri ân trong chương trình kỷ niệm 5 năm "Gala Tôi yêu Đà Nẵng 2017-2021". Ảnh: HNA

Nhưng không gấp lại giáo án như bao giáo viên đã về hưu khác, cô Châu mang giáo án đó về mở lớp dạy kèm miễn phí cho trẻ em nghèo miền biển.

“Hàng ngày, khi cha mẹ các em đi biển để kiếm cái ăn, cái mặc thì những đứa trẻ ở nhà phải tự mình chăm sóc bản thân, lo cho các em nhỏ. Nhìn đám trẻ nheo nhóc, khổ sở mình không cầm lòng được.

Nếu không có sự quan tâm, chăm sóc, động viên kịp thời của người lớn thì các em rất dễ sa ngã, bước chân vào con đường sai trái”, cô Châu tâm sự.

Vậy là cô giáo Châu lại tìm đến tận từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình rồi động viên các em đến lớp học miễn phí do cô mở ra để kèm cặp, chăm chút cho các em.

Căn nhà nhỏ được vợ chồng cô ngăn thành từng phòng ăn, phòng học để đón gần 20 bạn nhỏ với đủ các lứa tuổi đến tá túc, học hành.

“Nhà nhỏ, chật hẹp nhưng cũng cố gắng tạo không gian học tập, nghỉ ngơi thoải mái cho các em. Buổi trưa thì học trò ăn nghỉ tại nhà, vợ chồng tôi ngoài việc dạy học thì lo luôn cơm nước cho các em.

Trong năm học, khi các cháu đến trường thì tôi dành thời gian buổi tối để phụ đạo thêm, bổ sung thêm kiến thức cho các em còn yếu. Còn mùa hè thì tôi dành cả hai buổi để dạy học”, cô Châu cho biết.

Nhờ sự kèm cặp, chỉ bảo tận tình của cô Châu mà nhiều học trò từ chỗ đọc, viết chưa thạo đã tiến bộ vượt bậc, những học sinh lớp 4-5 bị hỏng kiến thức nền được cô phụ đạo thêm đã có thành tích tốt hơn.

Bản thân bị khuyết tật, chồng làm nghề biển ra khơi 1-2 tháng mới về nên một mình chị Lê Thị Diễm Trang (khu dân cư Lộc Phước 1, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) phải vất vả lo toan cho ba đứa con nhỏ.

Khi đứa con đầu là Tuấn Kiệt của chị Trang đến tuổi đi học nhưng không có áo quần, sách vở, cô Châu lại tìm đến giúp đỡ, hỗ trợ, nhận cháu về lớp học tình thương.

"Nhờ có lớp học của cô Châu mà con tôi có nơi để học thêm con số, rèn từng nét chữ, đọc sách để biết điều hay, lẽ phải. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng tôi cũng chỉ biết nói lời cảm ơn cô đã đùm bọc, chăm sóc cho cháu suốt thời gian qua.

Ở xóm này, ai cũng quý mến cô Châu, tụi trẻ cũng có nơi để học tập, rèn luyện và vui đùa, tránh xa các tệ nạn xã hội", chị Trang xúc động nói.

Xin từng chiếc áo, cái quần cho học trò

Cô Châu tâm sự rằng, với đồng lương giáo viên ít ỏi, để duy trì bữa ăn cho học trò, cô phải chạy vạy ngược xuôi để xin cho các em từ cái áo, cái quần đến từng bộ sách, quyển tập.

“Biết lớp học còn khó khăn nên phụ huynh, hàng xóm cũng chia sẻ, hỗ trợ nhiều. Dân miền biển nên sau mỗi chuyến tàu về thì nhiều phụ huynh lại mang đến con cá, ít mực tôm… Vậy là bữa ăn của các cháu được cải thiện rất nhiều”, cô Châu chia sẻ.

Trong lớp học nhỏ của cô giáo Châu luôn rộn rã tiếng nói cười. Nhiều em còn nhỏ, chưa biết cầm bút, phấn lại được cô cầm tay, uốn nắn từng nét chữ.

“Do điều kiện gia đình khó khăn, nhiều em không được học mẫu giáo nên tôi đi làm hồ sơ xin xét đặc cách thẳng vào lớp 1. Nếu mình không lo thì sợ tụi nhỏ phải bỏ học giữa chừng, rồi lại theo cha mẹ ra biển làm nghề”, cô Châu cho biết.

Không chỉ mở lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ nghèo, cô Châu còn làm đảm đương công việc của một người “vác tù và hàng tổng” ở các hội thiện nguyện, hội chữ thập đỏ.

Thấy trường hợp học sinh nào khó khăn, thiếu thốn, cô Châu lại đứng ra kêu gọi, “xin” các mạnh thường quân, trích từ quỹ lương ít ỏi để hỗ trợ các em.

Những bộ đồng phục, bộ bàn học, cặp sách, bộ sách giáo khoa hay là một suất học bổng trị giá 1-2 triệu đồng là những món quà quý giá mà cô Châu đã tất tả ngược xuôi dành dụm, xin về cho đám trẻ nghèo miền biển.

Cô tâm sự rằng, dù “chẳng đáng bao nhiêu” nhưng khi thấy các em hạnh phúc nhận quà thì cô đã cảm thấy vui.

Với món quà "dù chẳng đáng bao nhiêu đó" của cô Châu mà những đứa trẻ miền biển như Trần Thị Phương Thảo, Mai Thị Thu Yến (trẻ khuyết tật trí tuệ) đã nhận được những suất học bổng để vượt qua khó khăn.

Không chỉ xin tiền chữa bệnh cho các em, cô Châu còn tìm cách hỗ trợ phương tiện sinh kế cho ba mẹ các em để ổn định cuộc sống, không để các em phải chịu cảnh bỏ học giữa chừng.

Ghi nhận sự đóng góp của cô Châu, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã tặng cho cô nhiều giấy khen. Đặc biệt, năm 2019, cô được Thành ủy Đà Nẵng biểu dương, khen thưởng là tấm gương “tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

THÀNH TRUNG