Cô Hoài đã sai rồi, nhưng cho thôi việc liệu có phải giải pháp ngăn bạo lực?

29/01/2022 06:50
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi mà mọi người, mọi nhà đang chuẩn bị đón mừng năm mới thì có lẽ cô giáo Vũ Thị Hoài đang phải gặm nhấm một nỗi buồn cay đắng và có thể còn day dứt mãi về sau.

Trong các nghề nghiệp hiện nay, nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng nhưng có lẽ nghề dạy học vẫn là một nghề đặc biệt và có nhiều thử thách nhất đối với mỗi thầy cô khi đứng trên bục giảng.

Bởi lẽ, dạy học trực tiếp trên lớp hay dạy trực tuyến thì ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học trò thì người thầy luôn phải dè dặt, bình tĩnh trong ngôn phong và kiềm chế trước những tình huống phát sinh của học trò.

Học trò vốn là một đối tượng thường nghịch ngợm, nhiều em nói năng chưa chuẩn mực lại thêm nhiều em chưa nhận thức đúng về giá trị học tập nên thầy cô giáo thường xuyên phải chứng kiến những chuyện trái ý trong từng giờ dạy của mình.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng kiến nghị xem xét cho thôi hợp đồng đối với giáo viên chủ nhiệm Vũ Thị Hoài. (Ảnh: LT)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng kiến nghị xem xét cho thôi hợp đồng

đối với giáo viên chủ nhiệm Vũ Thị Hoài. (Ảnh: LT)

Tuy nhiên, thỉnh thoảng thì dư luận vẫn chứng kiến tình trạng bạo lực học đường và sau mỗi sự việc như vậy, dù lỗi xuất phát từ phía nào đi chăng nữa thì giáo viên đứng lớp vẫn là trung tâm của dư luận, bị kỷ luật đầu tiên.

Mới đây nhất là trường hợp 3 học sinh bị đánh tím mông do không hoàn thành bài tập ở Trường tiểu học Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) và Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã kiến nghị xem xét cho thôi hợp đồng đối với cô giáo Vũ Thị Hoài.

Bạo lực học trò là điều tối kị đối với giáo viên thời nay

Thực ra việc học sinh hỗn láo với giáo viên, quậy phá trong giờ học hay không thực hiện các bài tập, bài kiểm tra ở các cấp học phổ thông thì hiện nay nhiều lắm và ở đâu cũng có.

Mỗi cấp học đều có những thuận lợi, khó khăn riêng nhưng càng dạy học sinh nhỏ thì mức độ khó khăn, thử thách càng cao vì học trò còn quá nhỏ đang rất cần giáo viên định hướng, uốn nắn từ những cử chỉ, hành vi nhỏ nhất.

Hơn nữa, những học sinh cấp tiểu học thường được phụ huynh quan tâm, sâu sát nhiều hơn nên chỉ cần một hành vi, lời nói của giáo viên mà không phù hợp trên lớp là phụ huynh sẽ biết. Khi phụ huynh mà cảm thấy những bất thường là họ sẵn sàng bảo vệ con em mình bằng nhiều hình thức khác nhau.

Có người làm đơn lên ban giám hiệu nhà trường, có người làm đơn lên phòng, lên sở, cung cấp thông tin cho báo chí hoặc phản ánh lên mạng xã hội. Lúc đó, dù giáo viên đúng hay không đúng thì người bị chỉ trích nhiều nhất vẫn là người thầy đứng lớp.

Trước những sức ép chỉ trích của dư luận, lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương thường áp dụng những hình thức kỷ luật cao nhất có thể đối với giáo viên.

Vì thế, nhìn lại những năm qua thì không ít giáo viên đã bị buộc thôi việc vì liên quan đến việc bạo lực học trò.

Trường hợp cô giáo Vũ Thị Hoài ở trường Tiểu học Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đang được nói nhiều trong mấy ngày qua không phải là trường hợp ngoại lệ. Rất nhanh chóng Sở Giáo dục đã đề nghị xem xét cho thôi hợp đồng đối với cô giáo.

Tất nhiên, trong sự việc này cô giáo Vũ Thị Hoài đã sai khi có 3 học sinh trong lớp của cô bị đánh tím mông. Nếu cô đánh học trò là cô đã sai, nhưng cô để ban cán sự lớp đánh vì các bạn của mình chưa hoàn thành bài tập thì lại càng sai hơn, đáng trách nhiều hơn.

Vì quy định này không có trong các nhà trường mà phải là từ cô giáo chủ nhiệm đưa ra thì ban cán sự lớp mới dám đánh bạn của mình như vậy.

Trong sự việc này, cô Huyền không chỉ bị phụ huynh của 3 học sinh bị đánh oán trách mà những phụ huynh có con làm cán sự lớp chắc cũng chẳng vui vẻ gì khi những đứa con của mình cầm thước đi đánh bạn mình.

Mục đích giáo dục của cô giáo là muốn cho học sinh của mình chú tâm hơn trong học hành nhưng phương pháp giáo dục đã sai, vượt quá khuôn phép giáo dục của nhà trường và tất nhiên là cô đã vi phạm đạo đức nhà giáo theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Nếu Ủy ban nhân dân và Phòng Giáo dục huyện Kiến Thụy, Ban Giám hiệu trường trường Tiểu học Ngũ Đoan kỷ luật cô Vũ Thị Hoài như kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thì cô Hoài không có cơ hội sửa sai nữa.

Điều đáng buồn nhất là sự việc này xảy ra ngay những ngày cận Tết Nguyên đán, khi mà mọi người, mọi nhà đang chuẩn bị đón mừng năm mới thì có lẽ cô giáo Vũ Thị Hoài đang phải gặm nhấm một nỗi buồn cay đắng và có thể còn day dứt mãi trong những tháng năm về sau.

Phía sau những án kỷ luật người thầy

Cũng là một nhà giáo đang đứng lớp, từ quan sát thực tế tại các nhà trường, người viết nhận thấy có nhiều người cảm thông với cô giáo Vũ Thị Hoài vì thực tế học sinh bây giờ có quá nhiều chuyện đáng bàn lắm.

Nếu giáo viên muốn bỏ mặc học trò thì đơn giản vô cùng mà họ cũng không vướng vào những thị phi hay những án kỷ luật.

Họ cứ dạy, học sinh muốn học hay không muốn học đó là việc của các em. Người thầy không quát nạt, không chửi bới và cũng không bao giờ gây áp lực cho học trò, cuối năm tổng kết cho đủ điểm để lên lớp.

Nhưng, lương tâm của một người thầy không cho phép họ làm như vậy. Nhất là đối với học sinh mới bước vào tiểu học đã thờ ơ chuyện học hành, không thực hiện công việc theo sự phân công của giáo viên thì càng lên lớp cao các em càng coi thường chuyện học hành.

Trong khi, áp lực về thành tích trong ngành, trong từng nhà trường bây giờ bắt buộc người thầy phải tìm nhiều phương pháp để giúp cho học sinh đi vào quy củ và phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

Chỉ tiếc, phương pháp giáo dục của cô Vũ Thị Hoài đã sai, đã không phù hợp trong môi trường giáo dục hiện nay…

Song, phía sau kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng về trường hợp cô Vũ Thị Hoài hay một số trường hợp giáo viên đã bị buộc thôi việc khi rơi vào trường hợp tương tự khiến những nhà giáo trong đó có người viết, cảm thấy xót xa cho nghề nghiệp của mình đang theo đuổi.

Vì thế, nhiều giáo viên bây giờ họ cứ động viên, khích lệ tinh thần học tập của học trò còn học trò có thực hiện hay không thì đó là chuyện của các em vì thầy cô cũng còn có gia đình của họ... và họ không được phép đi quá giới hạn này.

Nhưng, mỗi khi có sự việc gì không hay ho thì nhiều người lại quy hết trách nhiệm cho ngành giáo dục, cho những người trực tiếp giảng dạy/chủ nhiệm, đây cũng là những điều trăn trở của nhiều nhà giáo hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hai-phong-xem-xet-cho-thoi-hop-dong-voi-giao-vien-lien-quan-vu-hoc-sinh-bi-danh-post224066.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH