Cô học trò giỏi văn, nghiên cứu...rau má, đạt giải 3 quốc gia hóa-sinh

18/10/2014 07:02
HIỆP HOÀ
(GDVN) - Học giỏi môn Ngữ văn, Hoàng Thị Thu Hà lại có một sở thích và niềm say mê đặc biệt, mà như em nói đó là: "Bén duyên với nghiên cứu khoa học".

Không những là một học sinh giỏi văn cấp tỉnh và quốc gia, em Hoàng Thị Thu Hà, học sinh lớp 12A13, Trường THPT Mỹ Hào (Mỹ Hào - Hưng Yên) đã tích cực học hỏi, tìm tòi tham gia nghiên cứu khoa học. Với đề tài “Đa dạng hóa sản phẩm bổ dưỡng từ rau má bằng phương pháp chế biến thạch” của mình, đầu năm 2014 trong Lễ trao giải Nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên toàn quốc, nhóm đề tài của do Hà làm chủ nhiệm đã đạt giải Ba cấp quốc gia năm 2013 trong lĩnh vực Hóa - Sinh.

Giỏi văn…nhưng mê khoa học tự nhiên

Sinh ra trong một gia đình chủ yếu làm nông nghiệp, ngay từ khi mới bắt đầu đi học Hoàng Thị Thu Hà sớm bộc lộ năng khiếu văn học, cảm thụ cái đẹp qua những câu ca dao, những vần thơ, những áng văn hay mà mình cảm nhận được. Trong suốt những năm học cấp 1 và cấp 2, Hà luôn tích cực trau dồi khả năng cảm thụ văn học và cách diễn đạt, viết văn, cách dùng từ và lối hành văn của mình sao cho mạch lạc, truyền cảm và sinh động, hấp dẫn.

Em luôn là học sinh giỏi văn cấp trường và dẫn đầu của lớp. Nhờ có năng khiếu và lòng ham mê trong môn học này nên Hà luôn được các thầy, cô giáo lựa chọn và bồi dưỡng trong đội tuyển học sinh giỏi văn của trường và chọn đi cấp huyện, tỉnh để dạy bảo và rèn luyện thêm cho em về kiến thức. Từ năm học lớp 8 đến lớp 12 em đều được chọn tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của tỉnh và đều đoạt giải Khuyến khích trở lên.

Năm học lớp 10 em đạt giải nhì về cuộc thi Thuyết Trình Về an toàn giao thông trong tháng an toàn giao thông cấp trường. Đặc biệt năm lớp 11, em đạt huy chương vàng môn Ngữ Văn tại Olympic Bắc - Hưng - Hải (đây là cuộc thi về nhiều lĩnh vực dành cho các bạn học sinh các trường THPT của 3 tỉnh thành: Hưng yên - Hải Dương - Bắc Ninh).

Bên cạnh việc học giỏi môn Ngữ văn, Hoàng Thị Thu Hà lại có một sở thích và niềm say mê đặc biệt, mà như em nói đó là: "Bén duyên với nghiên cứu khoa học". Ngay từ những năm cấp 2, qua những bài dạy Hóa học và Sinh học của các thầy cô giáo trong trường học, qua những ví dụ minh họa về thành tựu và ứng dụng của các công trình nghiên cứu khoa học của các anh chị sinh viên, các giảng viên, Thạc sĩ, Tiến sĩ trong lĩnh vực tự nhiên...trong đầu em luôn trăn trở "tại sao những người học chuyên về các môn học xã hội nhân văn như mình lại không thể có những công trình nghiên cứu để đem vào ứng dụng vào đời sống như vậy nhỉ (!)".

Lấy “rau má” làm đề tài nghiên cứu

Những tưởng đó chỉ là sự mơ mộng một thời của cô bé học sinh trung học. Nhưng khi lên Trung học phổ thông, sau khi nhà trường phát động cuộc thi “Nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học”, Hoàng Thị Thu Hà đã cùng nhóm bạn đăng ký tham gia và lên ý tưởng, bắt tay vào nghiên cứu. Nhưng vấn đề lớn nhất đối với các em lúc này là chọn đề tài nào cho phù hợp. Vì ngay từ đầu, tiêu chí đặt ra của nhóm đó là: "đề tài nghiên cứu khoa học phải từ sản phẩm tự nhiên và bước đầu phải có sự áp dụng vào thực tiễn".

Hoàng Thị Thu Hà đang thực hành báo cáo đề tài tài “Đa dạng hóa sản phẩm bổ dưỡng từ rau má bằng phương pháp chế biến thạch”
Hoàng Thị Thu Hà đang thực hành báo cáo đề tài tài “Đa dạng hóa sản phẩm bổ dưỡng từ rau má bằng phương pháp chế biến thạch”

Đối với những nữ sinh lớp chọn văn của các em, thì đó quả thực là "một thách thức lớn". Bởi muốn nghiên cứu ra được sản phẩm khoa học để ứng dụng được ngay, ngoài ý tưởng sáng tạo, đòi hỏi các em phải nắm chắc các công thức hóa học và tác dụng của từng loại nguyên liệu mà mình cần tìm kiếm.

Sau một thời gian đắn đo lựa chọn, với nhiều ý tưởng, nhóm nghiên cứu do Hà làm chủ nhiệm đã quyết định thực hiện đề tài chế biến thạch từ rau má. Bởi theo em “phải nghiên cứu từ những điều thực tiễn ngay trong cuộc sống hàng ngày của mình mới có ý nghĩa”. Chính vì vậy, nhóm đề tài của Hà đã quyết định chọn “cây rau má” làm vấn đề nghiên cứu.

Theo em, rau má là cây phổ biến có sẵn trong đời sống hàng ngày và “đây chính là cây thuốc quý của dân tộc ta”, có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người như: thanh nhiệt, gải độc, có tác dụng chữa các bệnh về gan và giúp hạ nhiệt, giảm bớt mụn nhọt đối với cơ thể con người ở cả trẻ em và người lớn... Ngoài ra, đây là loại thực phẩm rất tiện dụng, dễ tìm và có thể sử dụng bằng nhiều cách khác nhau như: ép lấy nước, phơi khô sản xuất trà, làm thực phẩm chức năng… vì vậy Hà và nhóm nghiên cứu của mình đã quyết định lựa chọn đề tài “Đa dạng hóa sản phẩm bổ dưỡng từ rau má bằng phương pháp chế biến thạch” dưới sự hướng dẫn của cô giáo Dương Thị Mến giáo viên Trường THPT Mỹ Hào (Mỹ Hào - Hưng Yên).

Các nguyên liệu để chế biến ra sản phẩm "Thạch rau má" nói trên có hầu hết trong cuộc sống như: rau má; cùi hạt bưởi; bột thạch; đường kính và một số loại hoa quả. Từ những nguyên liệu trên, các em đã vận dụng để chế biến thành món thạch rau má. Cách chế biến nguyên liệu rất đơn giản, lấy nước vắt ra từ việc xay rau má sau đó chiết dịch pectin có trong cùi bưởi (là một chất kết đông tự nhiên có lợi cho con người). Nhân của "Thạch rau má" được làm từ xơ và nước rau má, kết hợp với việc lấy bột thạch, đường kính trộn đều với dịch pectin, đun sôi hỗn hợp trong khoảng 5 phút rồi đổ ra khay để nguội, để cho đông lại rồi cắt thành miếng nhỏ thả vào cốc. "Thạch rau má" được làm từ hỗn hợp nước rau má, dịch pectin, bột thạch, đường, nước hoa quả khác, đun sôi trong khoảng 5 phút, rót vào cốc đựng nhân thạch, để nguội là có thể sử dụng ngay.

Ưu điểm của loại sản phẩm này là dễ làm, tiện sử dụng bất kỳ lúc nào trong ngày cũng được, bổ dưỡng, thơm ngon, có màu sắc, hương vị đa dạng được ưa chuộng, phù hợp với nhiều người, đặc biệt là không có chất bảo quản, giúp tăng cường sức khỏe và giải độc cho gan.

Tuy nhiên vấn đề khó khăn ở đấy đặt ra ở đây là loại cây này chỉ có nhiều vào mùa hè, khi ăn dai, có vị đắng, mùi khó chịu. Trong khi đó nhóm đề tài của các em lại không có máy móc, chủ yếu phải dùng phương pháp thủ công. Không thể gần gũi với các giáo sư tiến sĩ để được hướng dẫn, chỉ bảo và học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy đòi hỏi cả nhóm phải tự mình mầy mò, tìm kiếm nghiên cứu. Có những hôm mải mê nghiên cứu, cả nhóm thức đến tận 2-3 giờ sáng để làm. Gia đình, bố mẹ góp ý là không nên đi quá sâu vì còn phải tập trung vào việc học tập của bản thân. Nhưng với quyết tâm đã đặt ra ngay từ đầu, cả nhóm ai nấy đều nỗ lực cố gắng để đạt dược kết quả mà mình mong muốn.

Đạt giải ba quốc gia trong "Nghiên cứu khoa học cho học sinh Trung học"

Trong khi nghiên cứu và bắt tay vào làm để áp dụng thực tiễn, khảo sát thị trường có rất nhiều kỉ niệm nhưng có lẽ một kỉ niệm không thể nào đối với Hà và cả nhóm như em chia sẻ: “vì phải cần pectin trong cùi bưởi để nghiên cứu nên chúng em đã đi thu thập bưởi ở tất cả các nơi. Lúc đó ra Tết nên bưởi rất hiếm, khó khăn lắm nhưng bọn em đã tìm đến vùng quê, thu lượm những trái bưởi “tồn kho” còn sót lại trên cây. Mang về bổ bưởi và chỉ lấy mỗi cùi bưởi và hạt bưởi thôi. Nên còn múi bưởi không dùng đến. Cả nhóm ai nấy đều tiếc, thấy đổ đi phí phạm nên đã cùng nhau ngồi ăn hết đến nỗi về nhà không ăn cơm được”.

Từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi “cho ra lò” sản phẩm Hoàng Thị Thu Hà lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm; tập hợp các kết quả do các thành viên trong nhóm thực hiện để ghi vào sổ nhật ký và làm sổ dự án; đồng thời em cũng là người thuyết trình, báo cáo chính về đề tài trong hội nghị báo cáo của hội thi.

Nhóm đề tài của tài Hà tham dự hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2013 khu vực phía bắc
Nhóm đề tài của tài Hà tham dự hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2013 khu vực phía bắc

Nhờ ý tưởng sáng tạo và phương pháp làm độc đáo, đề tài nghiên cứu “Đa dạng hóa sản phẩm bổ dưỡng từ rau má bằng phương pháp chế biến thạch” của Hà và nhóm bạn đã giành giải Nhất trong cuộc thi “Nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học” cấp tỉnh được tổ chức năm 2013, được chọn tham gia thi cấp quốc gia năm 2013 và đoạt giải Ba trong lĩnh vực Hóa - Sinh trong lễ trao giải vào tháng 01 năm 2014. Giải thưởng đã minh chứng cho nỗ lực không biết mệt mỏi và ý chí phấn đấu vươn lên trong tìm tòi và sáng tạo khoa học, là niềm tự hào của Hà và nhóm nghiên cứu đề tài.

Chia sẻ về cuộc thi và mơ ước của mình trong thời gian sắp tới, Hà nói: “Trong suốt quá trình thực hiện đề tài và tham gia cuộc thi em thấy giúp em trưởng thành hơn, hỏi được nhiều kiến thức và có thêm động lực để tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học. Học sinh chúng em rất mong sẽ có nhiều hơn nữa những cuộc thi khoa học như vậy để kích thích sự khám phá, sáng tạo tìm tòi của bản thân mình. Hiện nay, em đang ấp ủ một đề tài nghiên cứu khác, để về hướng dẫn cho các em học sinh các em khóa sau mình nghiên cứu và tham gia dự thi vào năm tới. Tất cả vẫn đang nằm trong điều bí mật, khi nào thành công chúng em sẽ chia sẻ với mọi người”.

Chia tay em, khi trời vừa xẩm tối, những ánh đèn của miền quê đang bắt đầu được thắp sáng trên các con đường của làng, lòng tôi chợt liên tưởng đến có một thứ ánh sáng đang được thắp sáng trong mỗi em học sinh nơi đây “thứ ánh sáng của khoa học đến những em học sinh miền quê đất nhãn” đang được Hoàng Thị Thu Hà và các em học sinh thắp lên. Chúc cho em và những dự định sẽ gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.

HIỆP HOÀ