Có hội đồng chấm luận án TS như 'nồi lẩu thập cẩm', cần tăng hậu kiểm lên 50%

23/05/2022 07:04
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Để ngăn luận án không xứng tầm, phải đề cao vai trò người thầy, từ đạo đức khoa học, trách nhiệm người thầy cho mai sau. Sau đó là trách nhiệm của Bộ”.

Đó là ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững (Nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Đồng thời, vị Phó Giáo sư cũng thẳng thắn đề cập đến một số “lỗ hổng” khiến để “lọt” luận án không chất lượng và có thể đào tạo ra những “tiến sĩ rởm”.

Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững, thời gian qua, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến những luận án tiến sĩ được cho là không có ý nghĩa khoa học, không xứng tầm của một luận án. Vậy, để “lọt” những luận án như vậy, trách nhiệm thuộc về ai, thưa thầy?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững: Thật ra, những vấn đề này thì ai cũng biết cả; nhưng có thể có tâm lý “dễ người, dễ ta” thôi; cho nên không mấy ai lên tiếng.

Đối với luận án tiến sĩ, quan trọng nhất là ở người thầy. Người thầy có đủ năng lực, trình độ, khả năng bao quát và tầm nhìn khoa học hay không? Bản thân người thầy được đào tạo như thế nào? Người thầy có xứng đáng trở thành người thầy hướng dẫn, đào tạo sau đại học, nhất là tiến sĩ hay không? Người thầy, đồng thời cũng nằm trong hội đồng khoa học tư vấn, nghiệm thu và đánh giá đề tài, luận án khác.

Đây là một vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay, khi người ta cứ đua nhau theo phong trào, ai cũng hướng dẫn, ai cũng tham gia đào tạo tiến sĩ. Cứ bảo vệ xong luận án tiến sĩ, không ít người chẳng cần lo nghiên cứu khoa học và phát triển chuyên môn, chỉ chăm chăm lo kiếm tìm chút chức vụ gì đó. Tất nhiên, có chút chức vụ thì mới mong có chút kinh phí “ưu ái”, “phân phối” kinh phí đề tài khoa học; chức vụ càng to thì đề tài, kinh phí càng lớn; thậm chí là “cai đầu dài” trong khoa học. Thế nên, có những giáo sư “tên tuổi”, cuối đời tranh thủ “cú vớt” là vậy. Đây là căn bệnh khó chữa. Đất nào, môi trường nào thì cây ấy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững cho rằng, để ngăn luận án kém chất lượng, phải đề cao vai trò người thầy, từ đạo đức khoa học, trách nhiệm người thầy cho mai sau; sau đó là trách nhiệm của Bộ. (Ảnh: FBNV).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững cho rằng, để ngăn luận án kém chất lượng, phải đề cao vai trò người thầy, từ đạo đức khoa học, trách nhiệm người thầy cho mai sau; sau đó là trách nhiệm của Bộ. (Ảnh: FBNV).

Kế đến, hội đồng khoa học đó có thực chất làm việc vì tương lai của nền học thuật nước nhà và sự nghiệp đào tạo chuyên gia khoa học hay không? Hội đồng ấy có vì việc nọ việc kia mà dễ dãi, bỏ qua và để nghiên cứu sinh chỉ làm một đề tài “cho có” không?

Bản thân tôi khi trong vai trò là người hướng dẫn, ngay từ đầu tôi phải định hướng cho nghiên cứu sinh những đề tài luận án mà từ đầu nhìn thấy được khung lý thuyết giải quyết nó. Bởi vì đề tài luận án cần phải mở mang, cần biến đề tài luận án tiến sĩ thành kết quả nghiên cứu khoa học thực chất, chứa đựng những đóng góp mới, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn; từ đó mở ra một miền công việc mới cho nghiên cứu sinh, chứ không phải chỉ là những đề tài “cho có”, “gọi là”, chỉ để lấy tấm bằng. Bởi vì nghiên cứu sinh đã mất thời gian, công sức và tiền bạc để làm việc mấy năm, thì sau khi bảo vệ, họ phải trở thành chuyên gia thuộc lĩnh vực nghiên cứu của luận án. Và đó là miền công việc chuyên môn khoa học mới của nghiên cứu sinh.

Còn nhớ, khoảng hơn 15 năm trước, khi ở trong hội đồng tư vấn các đề tài luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh, tôi cũng đã cảnh báo. Tức là có những nghiên cứu sinh làm những đề tài không thể thực hiện được, tôi thì lên tiếng cảnh báo, nhưng hai thầy hướng dẫn và nghiên cứu sinh lại cứ thích làm như thế. Rồi hội đồng tư vấn lại cũng có những người ủng hộ và hội đồng thông qua.

Sau này, những người không nghe theo cảnh báo của tôi, hầu hết sau này đều phải bỏ dở luận án. Thậm chí, có những người sau này nghỉ hưu, còn gặp tôi, xin lỗi và nói: Giá như, nghe thầy thì bây giờ em đã là tiến sĩ rồi!

Nói như vậy để thấy, hội đồng cũng như người thầy giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với một luận án. Thầy có ra thầy không? Thầy ra thầy thì trò mới ra trò.

Và cả hai khâu này phải do cơ sở đào tạo có làm đúng trách nhiệm không? Người đứng đầu cơ sở đào tạo có đủ tư chất và bản lĩnh để làm việc này hay không? Thậm chí có người đứng đầu cơ sở đào tạo, ngồi tư cách chủ tịch hội đồng, mặc dù khác ngành với nghiên cứu sinh; và rồi anh ta thuyết phục hội đồng thông qua luận án khi cho nghiên cứu sinh “nợ” công bố khoa học.

Sau đó, mới đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với vai trò kiểm soát và hậu kiểm định.

Phóng viên: Được biết, trước đây, thầy đã từng làm nghiên cứu sinh tại Nga. Thầy có thể cho biết, quy trình thực hiện và bảo vệ một luận án tiến sĩ ở nước ngoài ra sao?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững: Ở nước ngoài, mỗi nước đào tạo tiến sĩ theo cách của họ. Nhưng người ta đào tạo nghiên cứu sinh rất chặt chẽ, coi trọng chất lượng khoa học của luận án, rất có trách nhiệm. Các nhà khoa học làm việc một cách trách nhiệm, công tâm và vô tư, về cơ bản là như thế!

Tôi lấy ví dụ, một luận án tiến sĩ để được đưa ra bảo vệ, là nghiên cứu sinh phải sinh hoạt thường xuyên với bộ môn, định kỳ 6 tháng một lần báo cáo kết quả nghiên cứu với tổ bộ môn và được bộ môn đồng ý mới triển khai tiếp. Tổ bộ môn ở đây chính là “cái nôi” chuyên ngành, là nơi kiểm soát về tri thức, chuyên môn, họ làm việc một cách bài bản và trách nhiệm.

Chúng tôi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, đề cương luận án là do tổ bộ môn góp ý, tư vấn. Tổ bộ môn không chỉ tư vấn cho đề tài, không chỉ thông qua đề tài, mà còn trao đổi thường xuyên để nghiên cứu sinh phải báo cáo, từ khâu thiết lập hệ lý thuyết nghiên cứu, kết quả làm việc từng chương, đến khảo sát, điều tra dữ liệu, đây là những “trụ cột” cho luận án.

Nghiên cứu sinh chuẩn bị phương pháp để tiến hành kế hoạch triển khai về nghiên cứu và điều tra dữ liệu, cũng như trình bày phương pháp về thu thập thông tin để tổ bộ môn thấy có hợp lý không, và giúp đỡ nghiên cứu sinh. Không thể có tình trạng nghiên cứu sinh sau khi nhận đề tài và người hướng dẫn, cứ cặm cụi… với người hướng dẫn khoa học.

Ngoài ra, còn có cả hội đồng kiểm định tối cao, rà soát lại toàn bộ nội dung bảo vệ, xem xét người hướng dẫn khoa học, Chủ tịch hội đồng có cùng chuyên ngành với nghiên cứu sinh không, nếu liên ngành thì anh ta có công trình nghiên cứu liên quan đến chuyên ngành của luận án không; xem xét bằng tiến sĩ của các thành viên như chủ tịch và uỷ viên phản biện khoa học, có phù hợp với chuyên ngành của nghiên cứu sinh không... Nếu khác chuyên ngành và không liên quan liên ngành thì bị loại ngay. Trường hợp liên ngành, thì xem thành viên có công trình nghiên cứu tương thích với luận án không.

Còn như ở ta hiện nay, báo chí đã nói nhiều, một ông Giáo sư, có chức vụ, hằng năm có khi hướng dẫn đến hơn hàng chục luận văn thạc sĩ, nhiều luận án tiến sĩ, chẳng cần phù hợp chuyên ngành hay liên ngành nữa. Thành ra hội đồng giống như một nồi lẩu thập cẩm.

Ở Việt Nam, cũng có những cở sở đã đặt ra hội đồng liên ngành, liên bộ môn, nhưng có lúc mang tính hình thức.

Trên thực tế, có những luận án, chúng tôi phản đối, nhưng chủ tịch hội đồng vẫn thông qua; có những hội đồng cấp cơ sở, chúng tôi phản biện không đạt yêu cầu của một luận án tiến sĩ, nhưng hội đồng vẫn nể nang thông qua. Và hội đồng cấp cuối, như thường lệ, chỉ là lúc trình diễn…

Đến khi luận án được thông qua, cấp bằng xong, không may cho nghiên cứu sinh là luận án lại rơi vào tỉ lệ phần trăm phải hậu kiểm, chất lượng không đạt, nghiên cứu sinh bị thu bằng.

Nhưng Chủ tịch hội đồng và các phản biện để thông qua luận án cấp bằng trước đó, thì vẫn không bị xử lý, vẫn tiếp tục làm Chủ tịch hội đồng khác, vẫn làm việc như một “anh hùng”, thậm chí có khi còn được cấp bằng khen.

Theo tôi, đó là một vấn đề mà hậu quả của nó không dễ nhìn thấy hôm nay. Nói một cách khác, chính những thành viên hội đồng ấy là “có lỗi to” tạo ra những tiến sĩ chất lượng chưa tới. Mà những tiến sĩ ấy hôm nay, họ có nghĩ rằng, chỉ mươi, mười lăm năm nữa, sẽ làm chủ những diễn đàn này, sẽ tiếp tục dễ dãi, tiếp tục nể nang, cho ra hàng loạt tiến sĩ yếu kém khác. Vậy thì, tương lai nguồn lực khoa học quốc gia sẽ ra sao?

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, các quy chế, quy định đã có, nhưng do bản thân những người thực hiện không nghiêm nên mới dẫn đến tiêu cực. Thầy có đồng tình với quan điểm đó?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững: Con người nào cũng đều do quy chế, đều từ môi trường sinh ra cả.

Nhưng chúng ta thường mang tư duy ngược là “đổ lỗi cho cấp dưới”, nên mới cho rằng, những tiêu cực kia đều chỉ do người thực hiện không nghiêm.

Tôi xin được nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo sinh ra, một mặt, là để thiết lập và duy trì trật tự kỷ cương để bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo. Vậy, nếu trật tự kỷ cương trong giáo dục không bảo đảm chất lượng, thì Bộ phải sớm nghiên cứu và có giải pháp.

Phóng viên: Vậy, theo thầy trong thời gian tới Bộ cần làm gì để việc đào tạo tiến sĩ đảm bảo chất lượng, thực chất?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững: Mỗi người nhìn một góc độ khác nhau. Theo tôi, với Bộ Giáo dục và Đào tạo, về mặt quản lý nhà nước, cần thiết rà soát lại quy chế, không hạ thấp, giảm nể nang, tiến hành hậu kiểm nhiều hơn, nghiêm hơn việc tổ chức đào tạo tiến sĩ. Việc hậu kiểm để đánh giá các luận án tiến sĩ, cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn và đặc biệt cần phải xử lý nghiêm nếu để lọt luận án không đạt chuẩn. Trên thực tế công tác hậu kiểm này chưa được làm “đủ lượng”, chưa triệt để và cách giải quyết cũng chưa nghiêm minh. Phần cũng vì nhiều cơ sở đào tạo quá, nhiều luận án quá, có thể chưa kham nổi.

Đồng thời, theo quy định hiện nay, tỉ lệ hậu kiểm thẩm định lại luận án tiến là 20%. Tôi cho rằng, cần thiết thì thẩm định hậu kiểm 50% luận án tiến sĩ đã bảo vệ, cấp bằng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Ngân Chi