Cô Khuyên cả tuổi trẻ gắn bó giáo dục vùng cao và niềm đam mê làm thiện nguyện

30/04/2021 06:02
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Đi riết thành quen, có những cung đường người khác nhìn vào phải “ lắc đầu, lè lưỡi” mà mình vẫn chở các em học sinh ngồi sau vô tư", cô Khuyên cười tươi chia sẻ

Sinh năm 1987, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên năm 2008, cô sinh viên Bùi Thị Minh Khuyên quê ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được phân công lên công tác tại trường Phổ thông cơ sở Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) theo diện cử tuyển.

Đến tháng 10 năm 2010, cô chuyển vào giảng dạy tại trường Phổ thông cơ sở Nậm Khao, huyện Mường Tè, Lai Châu.

Tháng 8/2016, được lãnh đạo đề nghị, cô lại khăn gói lên trường tiểu Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ, xã Pa Ủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng đồng thời mở ra cơ duyên giúp cô gắn bó với công tác thiện nguyện như ngày hôm nay.

Ít được về nhà, cô Khuyên coi học sinh nơi đây như những đứa con, đứa cháu trong gia đình mình. Ảnh: NVCC

Ít được về nhà, cô Khuyên coi học sinh nơi đây như những đứa con, đứa cháu trong gia đình mình. Ảnh: NVCC

Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ bám bản, nhận lớp với biết bao gian nan vất vả không thể kể xiết như địa hình đường xá xa xôi, hiểm trở; đặc thù học sinh là con em đồng bào dân tộc, kinh tế kém phát triển, trình độ nhận thức còn hạn chế nên cô Khuyên cùng các đồng nghiệp phải leo rừng, lội suối đến tận nhà vận động từng phụ huynh, phổ biến chính sách của Nhà nước để họ yên tâm cho con em đi học.

“Cứ dịp đầu năm đi nhận mặt học sinh và thuyết phục các em quay trở lại trường đôi lúc học sinh còn bỏ trốn khi thấy cô giáo đến, thậm chí đánh cả các thầy cô. Từ điểm trường cách nhà em gần nhất cũng 4 -5 cây số, bản xa nhất cách 25 cây lại vòng vèo khó đi, không cẩn thận đi xe rất dễ bị trượt ngã, tai nạn.

Nhưng với thâm niên 6 năm công tác tại Nậm Khao đều đi cơ sở nên tôi chỉ lo học sinh bỏ lớp, bỏ trường chứ không lo khó khăn vất vả. Đi riết thành quen, có những cung đường người khác nhìn vào phải “ lắc đầu, lè lưỡi” mà mình vẫn chở các em học sinh ngồi sau vô tư", cô Khuyên cười tươi chia sẻ.

Đại đa số các em học nội trú tại trường sau đó cuối tuần đi bộ hoặc bố mẹ đi xe máy đón về, có em vừa đi vừa chơi dọc đường 4 tiếng mới về tới nhà. Đầu tuần hoặc chiều chủ nhật các thầy cô lại đi đón hoặc gặp các em ở dọc đường đi bộ chở về trường.

Năm 2019, trường Phổ thông dân tộc bán trú Pa Ủ được gộp từ hai điểm trường số 1 và số 2, một ở trung tâm xã Pa Ủ và một điểm cách 16 km.

Cuối năm 2015 – đầu năm 2016 mới được kéo điện lên xã, đời sống bớt đi phần nào khó khăn tuy nhiên chỉ được một vài điểm trường còn lại các thầy cô giáo vẫn phải thắp nến soạn bài hoặc vào nhà dân sạc nhờ điện thoại.

Những giáo viên không có gia đình thì ở lại nhà công vụ còn ai có gia đình riêng thì đi thuê hoặc ở nhờ người quen, lại có 2 con nhỏ nên một năm, cô Khuyên chỉ được về thăm nhà vào dịp Tết và nghỉ hè khiến cô càng gắn bó với mái trường và coi học sinh nơi đây như những đứa con, đứa cháu trong gia đình mình. Nhiều khi cuối tháng lĩnh lương cô lại trích ra mua quà cho lũ trẻ để động viên chúng đến trường.

Cô Bùi Thị Minh Khuyên đã có 13 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Tây Bắc. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Thị Minh Khuyên đã có 13 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Tây Bắc. Ảnh: NVCC

Nói về cơ duyên đến với thiện nguyện, cô Khuyên liền nhắc tới chị Ngô Thị Hồng Nhung – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình Nguyện Trẻ. Qua một chuyến thiện nguyện quyên góp giúp đỡ quần áo và nhu yếu phẩm cho nhà trường đã nhen nhóm trong lòng cô Khuyên sự ngưỡng mộ, từ đó chuyển biến thành hành động lúc nào không hay.

Thông qua nhóm “Chúng tôi là giáo viên Tiểu học”, cô chia sẻ những khó khăn khi đi vận động học sinh trở lại trường vào mùa mưa lũ, học sinh phải lội qua suối, đất đá có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào mà không có biện pháp đảm bảo an toàn đã được một số bạn phóng viên báo chí theo dõi phản ánh. Đồng thời chị Nhung cũng chính là người kết nối giúp cô biết tới cộng đồng AVIVA và đăng ký dự án quỹ cộng đồng AVIVA.

Hai trong ba sáng kiến “thắp sáng bản em” dùng quỹ lắp pin năng lượng mặt trời cho điểm bản Cò Lò xã Pa Ủ và “ Tuyên truyền kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước” nhằm giúp học sinh có thêm những kiến thức cũng như kỹ năng phản ứng khi có tình huống tai nạn đuối nước xảy ra do cô Khuyên gửi đi tham dự đã được trao giải thưởng và cấp quỹ trong chương trình của Quỹ năm 2019.

Hiện tại, bằng nguồn quỹ được cấp và sự giám sát của Trung Ương Đoàn cô đã triển khai lắp được 6 bộ pin năng lượng mặt trời cho 3 điểm trường với tổng kinh phí 84.000.000 đồng trong tổng số 25 điểm trường chưa có điện trên toàn huyện.

Ngoài thời gian dạy trên lớp, cô Bùi Thị Minh Khuyên còn tranh thủ giờ nghỉ để chia sẻ các hoàn cảnh đáng thương của các học sinh bị khuyết tật có điều kiện khó khăn lên các nhóm mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Gần đây nhất, trong khi đang chuẩn bị cho 6 bé từ độ tuổi 3 -6 tuổi xuống Hà Nội để thăm khám và chữa trị thì trường hợp của bé Vàng Nhù Xa ở bản Chà Kế bị chấn thương đốt sống lưng trong 1 lần đi nương dẫn đến cháu không thể đứng hay ngồi thẳng được mà phải nằm xoài ra bàn học ở lớp đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các nhà từ thiện. Số tiền quyên góp lên tới 160.000.000 đồng vượt xa mức cô mong đợi và gia đình mong đợi.

Đến nay ngoài 2 dự án đang triển khai mang tính dài hơi là lắp pin năng lượng mặt trời cho các điểm trường và lên kế hoạch tập hợp, tổ chức đưa các em bị khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đi thăm khám theo để kịp thời điều trị. Cô Khuyên còn kết nối thành công với Ban chấp hành Trung ương đoàn thông qua Câu lạc bộ tình nguyện Niềm Tin, và Tổ chức Sao Biển – một tổ chức phi Chính phủ của Thụy Điển thông qua Câu lạc bộ VPV hỗ trợ xây dựng thành công 6 điểm trường tại các xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn), xã Pa Tần,( huyện Sìn Hồ ), Pa Vệ Sử, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè).

Để có được kết quả hỗ trợ như thời gian qua, ngoài sự thiện tâm của mình, cô Bùi Thị Minh Khuyên phải xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác thiện nguyện, từ việc nắm bắt, khảo sát các hoàn cảnh cần được trợ giúp đến phương thức đưa thông tin, hình thức cần giúp đỡ, kêu gọi ủng hộ. Kịp thời và minh bạch mọi sự ủng hộ, cho thấy rõ sự thay đổi tích cực của đối tượng được ủng hộ là điều mà cô Khuyên luôn luôn tuân thủ. Chính vì thế, facebook của cô Khuyên ngày càng được bạn bè gần xa chia sẻ, ủng hộ cùng chung tay giúp đỡ các trường hợp mà cô đưa lên.

Con đường các thầy cô đi đón các học sinh không hề đơn giản. Ảnh: NVCC

Con đường các thầy cô đi đón các học sinh không hề đơn giản. Ảnh: NVCC

Cô Khuyên chia sẻ: "Thời gian đầu, mình chưa nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhiều người nên vận động từ thiện không hiệu quả. Mình lại hoạt động độc lập nên khó khăn trong việc xác minh lại trường hợp cần trợ giúp khi nhận được thông tin hay trong vận chuyển đồ, quà hỗ trợ... Mình phải tranh thủ ngoài giờlên lớp, có khi giờ nghỉ trưa hay chập tối mình đều tranh thủ đi, thậm chí là cả thứ Bảy và Chủ nhật nữa.

Nhiều khi rất vất vả, rồi cũng có dị nghị của những người không hiểu việc mình làm, rồi băn khoăn của ban giám hiệu trong việc mình có đảm bảo tốt chuyên môn nhưng nghĩ đến những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc, xúc động, biết ơn của những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, khi con em mình được chữa trị khỏi bệnh, những thầy cô có ánh sáng để soạn bài hay đơn giản là sạc được pin cho chiếc điện thoại gọi về gia đình cũng khiến mình thêm động lực tiếp tục công việc”.

Hơn 13 năm làm công tác giảng dạy, hơn 4 năm làm thiện nguyện, giờ đây mong mỏi duy nhất của cô Khuyên là được giúp đỡ của cơ quan chức năng, hỗ trợ về mặt pháp lý, thủ tục, thống nhất cách làm, cách hỗ trợ để gia tăng thêm niềm tin trong kết nối ủng hộ. Làm được điều này sẽ có nhiều em bé được khỏe mạnh đến trường, nhiều người hiểu và lan tỏa giá trị tốt đẹp mà cô đang hướng tới.

Thu Trang